Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ban hành văn bản trái pháp luật: Phải cụ thể hóa trách nhiệm

Hà Phong| 28/02/2019 10:04

(HNM) -  Trong năm 2018, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp đã kiểm tra hơn 5.500 văn bản. Nhiều văn bản của các bộ, ngành sau khi ban hành đã bị “tuýt còi” phải sửa đổi, song cũng có những đơn vị đã quá hạn nhưng vẫn “im hơi lặng tiếng”.


Theo Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba, năm 2018, riêng về kết quả kiểm tra theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Cục đã rà soát 5.557 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND cấp tỉnh. Qua đó, phát hiện 84 văn bản sai về thẩm quyền, nội dung (27 văn bản cấp bộ và 57 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh). Nhiều văn bản bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” đã sửa đổi. Song cũng có những đơn vị quá hạn nhưng vẫn “im hơi lặng tiếng” (có 52/84 văn bản đã được xử lý; 32 văn bản chưa xử lý, trong đó có 21 văn bản trong thời hạn xử lý).

Trong số các văn bản bị “tuýt còi” năm 2018, đáng chú ý nhất là Thông tư 15/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định, kể từ ngày 1-7-2018, các cột đo xăng, dầu phải có thiết bị in chứng từ bán hàng để cung cấp cho khách. Tuy nhiên, thực tiễn thí điểm việc này thời gian qua cho thấy, nhiều người dân không lấy chứng từ, hoặc nhận xong là tiện tay vứt luôn, gây mất mỹ quan và làm ô nhiễm môi trường. Về phía doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu lại tốn một khoản kinh phí để lắp đặt thiết bị và đương nhiên khoản này sẽ “đè” lên vai người tiêu dùng. Trước phản ứng của dư luận, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã vào cuộc và khẳng định, không quy định nào của cơ quan thẩm quyền giao Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về thiết bị in chứng từ trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu. Mặt khác, nội dung này còn chồng chéo với quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính về thông tin trên hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Cơ quan này đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ bãi bỏ những nội dung không hợp pháp của Thông tư 15/2015/TT-BKHCN.

Thực tế cho thấy, việc ban hành văn bản trái pháp luật vừa làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vừa ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân. Một số văn bản có nội dung trái luật đưa vào thực thi gây thiệt hại về kinh tế, thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019, nhiều đề xuất đã được các bộ, ngành đưa ra. Trong đó, đáng lưu ý như quy định về việc thực hiện xem xét, đánh giá hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật; kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tư pháp thừa nhận, do “không có đầy đủ thông tin” nên chưa đánh giá tổng thể, đầy đủ, toàn diện về hậu quả, tác hại. Dù vậy, theo Bộ Tư pháp, nội dung trái pháp luật của các văn bản đã ảnh hưởng tới tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật. Đặc biệt, việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm công chức khi thi hành công vụ, dẫn đến tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc thiếu tuân thủ kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành văn bản. Do đó, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, hoàn thiện cơ chế xử lý văn bản trái pháp luật là yêu cầu cấp thiết và đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất cơ chế trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật; xử lý văn bản trái pháp luật cần thực hiện trước khi quy định phát sinh hậu quả, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban hành văn bản trái pháp luật: Phải cụ thể hóa trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.