Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vai trò mặt trận trong giai đoạn mới

Hiền Phương| 03/04/2019 08:07

(HNM) - Trong giai đoạn hiện nay, vai trò, vị trí, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị ngày càng được đề cao, phạm vi hoạt động ngày càng mở rộng, phong phú.

Cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Phúc La (quận Hà Đông) nghiệm thu công trình cải tạo đường Yên Phúc.Ảnh: Hữu Tiệp


Sáng tạo, bám sát thực tiễn

Đổi mới phương thức hoạt động, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp quận Đống Đa luôn chú trọng những vấn đề, lĩnh vực cụ thể, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, thực sự là cầu nối giữa dân với Đảng. 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam 21 phường trên địa bàn quận đã thực hiện 57 cuộc giám sát; phối hợp với HĐND cùng cấp tổ chức 527 cuộc giám sát về kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án đang triển khai trên địa bàn, công tác thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường, tái định cư... Các kiến nghị của MTTQ Việt Nam các phường sau giám sát đã được các đơn vị kiểm tra, xử lý. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của quận còn phối hợp tổ chức 74 buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với nhân dân về những vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, tài nguyên, môi trường... 

Tại phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), bên cạnh việc thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường đã phát huy tinh thần sáng tạo trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ gìn vệ sinh môi trường. Từ sự kêu gọi của cán bộ mặt trận, nhân dân đã tận dụng khoảng trống dưới chân cầu thang của các khu nhà tập thể làm nơi đọc sách, báo và là điểm thường trực bảo vệ an ninh cho các gia đình. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nghĩa Tân Nguyễn Thị Đức Minh cho biết: “Hoạt động này đã góp phần đem lại sự bình yên cho khu phố. Từ mô hình của phường chúng tôi, nhiều nơi khác đã học tập làm theo”.

Tiếp tục đổi mới

“Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” theo Kết luận số 62-KL/TƯ ngày 8-12-2009 của Bộ Chính trị, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã tăng cường củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, mở rộng các tổ chức thành viên. Cùng với đó, MTTQ Việt Nam các cấp thành phố còn tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, MTTQ chủ động tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố đã giám sát hơn 20.000 cuộc; tổ chức hơn 200 hội nghị phản biện xã hội. Từ năm 2008 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp thành phố đã vận động được hơn 408,582 tỷ đồng để chăm lo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn…

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Bùi Anh Tuấn, hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp thành phố vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế. Một số nơi còn chưa chủ động, sáng tạo, hoạt động còn dàn trải. Công tác phối hợp giữa mặt trận, chính quyền và các tổ chức thành viên gặp nhiều vướng mắc. Một số cán bộ hạn chế về năng lực, thiếu kiến thức cơ bản và kỹ năng hoạt động…

Do vậy, hệ thống MTTQ Việt Nam thành phố cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Theo PGS.TS Ngô Hữu Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về tôn giáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, mặt trận cần tăng cường giám sát, phản biện, trong đó tập trung vào những vấn đề nóng, người dân đang bức xúc. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thạch Bàn (quận Long Biên) Nguyễn Thị Tươi cho rằng: “MTTQ Việt Nam phải chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung hoạt động. Đây là yếu tố cơ bản để mặt trận khẳng định vai trò của mình trong hệ thống chính trị. Cùng với đó, nên có sự thay đổi về phương thức hoạt động để tránh nhàm chán. Ví dụ như cách tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc…”. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Kim Dung kiến nghị: Trung ương cần có chiến lược đào tạo cán bộ mặt trận bài bản hơn. Khi chưa có trường lớp đào tạo như hiện nay, cần ưu tiên bố trí cán bộ có văn bằng về luật hoặc xã hội học thì mới đáp ứng được công việc.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh, để làm tròn nhiệm vụ và xứng đáng với niềm tin của nhân dân, thời gian tới, MTTQ Việt Nam thành phố các cấp sẽ đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ. Trong nhiệm kỳ 2019-2024, các đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã đều nằm trong độ tuổi lao động. Cùng với đó, mặt trận sẽ tiếp tục mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới, đa dạng hóa hình thức tập hợp nhân dân. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội sẽ được mặt trận tăng cường, cùng với đó là tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giải quyết hiệu quả các vấn đề dân sinh bức xúc nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vai trò mặt trận trong giai đoạn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.