Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới hơn nữa hoạt động tiếp công dân

Việt Tuấn| 23/04/2019 07:28

(HNM) - Nhìn tổng thể hoạt động tiếp công dân còn có những bất cập, đòi hỏi phải có sự đổi mới hơn nữa.

Một buổi tiếp công dân theo vụ việc tại trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội. Ảnh: Hữu Tiệp


Nhiều việc tồn đọng được giải quyết

Từ đầu năm 2019 đến nay, các tổ đại biểu HĐND thành phố đã tổ chức tốt việc tiếp dân nơi đại biểu ứng cử. Việc thông báo sớm thời gian, địa điểm, lịch tiếp công dân của từng đại biểu tại đơn vị bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo thuận lợi cho cử tri, nhân dân biết, phản ánh kiến nghị và cùng giám sát hoạt động của đại biểu HĐND thành phố.

Phó Chánh văn phòng HĐND thành phố Vũ Quang Chinh cho biết, 3 tháng đầu năm 2019, HĐND thành phố Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý 428 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua nghiên cứu, Văn phòng HĐND thành phố đã tham mưu cho Thường trực HĐND thành phố xử lý, chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 61 đơn, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 1 đơn; lưu 366 đơn (do trùng, không rõ nội dung, nặc danh, đã giải quyết hết thẩm quyền…).

Ngoài ra, Thường trực HĐND thành phố cũng đã tiếp công dân, xem xét trực tiếp 3 vụ việc khiếu nại, tố cáo điển hình có nội dung phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết. Trên cơ sở ý kiến của các sở, ban, ngành của thành phố, Thường trực HĐND thành phố đã kết luận, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền sớm triển khai thực hiện, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Đó là vụ việc của ông Đỗ Trọng Ân (tổ 8, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) với nội dung đơn thư liên quan đến đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vụ việc của ông Lê Hữu Hùng (số 27A Đê La Thành, tổ 18 phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) liên quan đến đề nghị điều chỉnh lại giấy phép xây dựng; vụ việc của ông Nguyễn Ngọc Thơ (tổ 30, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) liên quan đến đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, đã có 2 vụ việc giải quyết xong, một vụ đang được giải quyết.

So với các năm trước, năm 2019, hoạt động tiếp công dân được HĐND các quận, huyện, thị xã thực hiện khá hiệu quả, đặc biệt là công tác giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. HĐND huyện Chương Mỹ là đơn vị chú trọng công tác này với 14 buổi tiếp, tiếp nhận hơn 10 vụ việc trong quý I-2019. Hầu hết, các vụ việc đều được HĐND đôn đốc, giám sát việc giải quyết của cơ quan chức năng, tiêu biểu như các vụ việc tại các xã: Hoàng Diệu, Hòa Chính, Quảng Bị, Phú Nghĩa, Đông Phương Yên, Thủy Xuân Tiên, Hoàng Văn Thụ, thị trấn Chúc Sơn…, liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tương tự, HĐND quận Cầu Giấy, HĐND huyện Gia Lâm cũng làm tốt công tác chuyển đơn thư, đôn đốc và giám sát chặt chẽ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp


Qua theo dõi thực tế các buổi tiếp công dân cho thấy, đa số kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố thuộc lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng… Thời gian qua, dù đã được các cấp chính quyền quan tâm giải quyết, nhưng tình trạng đơn thư vẫn tăng. Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách các lĩnh vực trên chưa có sự thống nhất, phù hợp với thực tiễn; một vụ việc nhưng liên quan đến nhiều cơ quan, kèm theo sự việc xảy ra quá lâu, trải qua nhiều thời kỳ, nên khó khăn trong việc rà soát, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ. Bên cạnh đó, một số kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan chức năng giải quyết, nhưng một số trường hợp vẫn lợi dụng quyền của công dân, tiếp tục kiến nghị nhiều lần. Ngoài ra, cũng có những vụ việc, do các cơ quan có thẩm quyền trả lời chung chung, chưa rõ trách nhiệm và thời hạn giải quyết.

Theo Phó Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy Chu Thị Tuyết Anh, việc tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư, đôn đốc giải quyết có vai trò quan trọng trong giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương. Vì thế, ngoài tiếp dân định kỳ, lãnh đạo các địa phương cần tăng cường đối thoại, kịp thời lắng nghe, giải quyết các bức xúc của nhân dân. Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở nắm bắt nhanh vụ việc, tổ chức hòa giải, tránh phát sinh điểm nóng. Ngoài ra, do đa số các vụ việc liên quan đến đất đai, vì thế UBND các địa phương tăng cường chỉ đạo cơ quan chuyên môn, trọng tâm là ngành Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra thẩm định nguồn gốc đất, rà soát tính pháp lý hồ sơ thu hồi đất, phương án bố trí tái định cư, nhằm bảo đảm hạn chế các vi phạm, tiêu cực, phát sinh đơn thư.

Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, thực tế có một số đại biểu HĐND do trình độ am hiểu kiến thức pháp luật chưa sâu, dẫn đến lúng túng, thiếu kinh nghiệm trong tiếp nhận đơn thư, tổng hợp và chuyển đến cấp có thẩm quyền. Vì vậy, ngoài việc tự tìm hiểu nâng cao trình độ của đại biểu, các cấp ủy cũng sớm quan tâm kiện toàn, củng cố bộ máy làm công tác tham mưu, giúp việc của HĐND cấp huyện, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thiết nghĩ, ngoài tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho người dân, cơ quan quản lý nhà nước cần công khai, minh bạch trong chủ trương, các dự án kinh tế, phát triển hạ tầng…, tạo sự đồng thuận của người dân, hạn chế mức thấp nhất đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới hơn nữa hoạt động tiếp công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.