Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố báo cáo phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Võ Lâm - Ảnh: Viết Thành| 23/04/2019 20:13

(HNMO) - Chiều 23-4, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chủ trì buổi làm việc với thành phố Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố thuộc vùng Thủ đô phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng...



Tham dự buổi làm việc có các thành viên Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, trong đó có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn...

Quang cảnh hội nghị.


Đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan. Tham dự còn có các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND 12 tỉnh, thành phố thuộc vùng Thủ đô.

Kiến nghị tháo gỡ điểm nghẽn

Từ thực tiễn tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020, lãnh đạo thành phố Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố vùng Thủ đô đã báo cáo với Tiểu ban Kinh tế - Xã hội về những kết quả nổi bật đạt được, những vận dụng sáng tạo, mô hình mới thành công, kinh nghiệm trong phát huy vai trò Thủ đô và liên kết vùng; những khó khăn, điểm nghẽn cần tháo gỡ; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đột phá cần có trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước trong 5 năm, 10 năm tới.

Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã trình bày báo cáo đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020 của thành phố. Bám sát Chiến lược, Hà Nội đã xác định trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố là phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững. Các mục tiêu phát triển đã thể hiện được đầy đủ các mục tiêu của quốc gia và dựa trên đặc thù của Thủ đô, trong đó, hầu hết các chỉ tiêu đều cao hơn mục tiêu của quốc gia. Các khâu đột phá trong các văn kiện được cập nhật phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô, bám sát tinh thần của 3 đột phá chiến lược.

Đến nay, Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực và toàn diện. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân trong giai đoạn 2011-2015 tăng 7,34% (cách tính cũ), gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Trong 3 năm tiếp theo (2016-2018), GRDP tiếp tục duy trì mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, bình quân đạt 8,47%; dự kiến giai đoạn 2016-2020 đạt 8,54%. Đóng góp của Hà Nội đạt 16,63% GDP và 17,19% thu ngân sách của cả nước.

Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội và các địa phương tại hội nghị.


Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI quyết nghị 13 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Đến nay, thành phố đã đạt 3 chỉ tiêu đề ra trong năm 2018 (sớm 2 năm); năm 2019 hoàn thành thêm chỉ tiêu về môi trường. 9 chỉ tiêu còn lại sẽ được thành phố tập trung phấn đấu hoàn thành trong năm 2019 và năm 2020.

Báo cáo của thành phố Hà Nội cũng nêu rõ một số hạn chế, khó khăn và nguyên nhân; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; 6 nhóm kiến nghị, đề xuất.

Đáng chú ý, thành phố kiến nghị, Chính phủ quan tâm sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn và bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn trên địa bàn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo sức lan tỏa cho các tỉnh lân cận như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Trường Đại học Quốc gia (tại Hòa Lạc); Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; mở rộng và nâng cấp cụm cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Tích…; chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thẩm định để sớm phê duyệt Quy hoạch tỷ lệ 1/10.000 các đô thị vệ tinh tạo điều kiện cho thành phố triển khai thực hiện...

Phát huy tinh thần sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, báo cáo và ý kiến của các địa phương cho thấy sự thẳng thắn, chuẩn bị nghiêm túc, công phu, nhiều vấn đề báo cáo sâu đúng yêu cầu của Tiểu ban. Đây là những tư liệu tốt giúp Tiểu ban tổng kết, xây dựng dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.


Theo Thủ tướng Chính phủ, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng Thủ đô đã đạt kết quả khá toàn diện, xuất hiện nhiều điểm sáng, nhiều mô hình hay. Các tỉnh, thành phố đều tăng trưởng cao, cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra; chi thường xuyên giảm, chi đầu tư tăng; ý thức tự chủ rất cao; cơ sở hạ tầng được cải thiện mạnh mẽ. Đời sống nhân dân được nâng cao rõ nét. Các địa phương quan tâm chăm lo an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách người có công, xóa đói, giảm nghèo, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chăm lo bảo vệ môi trường... Nguồn lực được xã hội hóa mạnh mẽ; bộ mặt nông thôn, miền núi, đô thị đổi thay rất nhiều so với trước. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả nổi bật, ngày càng phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, Trưởng tiểu ban Kinh tế - Xã hội cho rằng, quá trình thực hiện Chiến lược còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc. Quy hoạch phát triển, hệ thống pháp luật còn bất cập, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương. Phân cấp, phân quyền chưa đạt yêu cầu. Xã hội còn nảy sinh, tồn tại nhiều bức xúc... Bên cạnh trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, còn có trách nhiệm của các địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mục tiêu phát triển là vì con người, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, cần tiếp tục phát triển toàn diện 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; lấy con người làm trọng tâm trong mô hình phát triển mang tính bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau.

Thời gian tới, các địa phương tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn, miền núi; không chỉ phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới mà cần xây dựng nông thôn kiểu mẫu; thực hiện các chỉ tiêu thực chất, không hình thức; tích cực phân cấp, giao quyền; đi tắt, đón đầu khoa học công nghệ; phát triển mạnh hạ tầng bảo đảm liên thông, đa dạng, thông minh; kết nối chặt chẽ vùng miền trong phát triển; chăm lo dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, bảo đảm kỷ cương ngân sách; đẩy mạnh thu hút nhân tài; quan tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, các dự án có sức lan tỏa lớn...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tiếp thu và tập trung nghiên cứu, báo cáo đề xuất sớm giải quyết các vướng mắc, bất cập được thành phố Hà Nội và các địa phương nêu tại buổi làm việc. Văn phòng Chính phủ tổng hợp, theo dõi, đôn đốc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thông báo công khai kết quả giải quyết. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách làm việc, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, tránh dựa dẫm, trông chờ, ỷ lại, tập trung phát triển kinh tế - xã hội địa phương mình, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố báo cáo phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.