Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại tướng Lê Đức Anh - Vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu| 28/04/2019 06:31

(HNM) - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã vĩnh biệt chúng ta để về với đất mẹ. Lần giở lại lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, những trang viết về Đại tướng Lê Đức Anh hết sức sâu đậm.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm các đơn vị hải quân vùng 3, ngày 9-1-1996. Ảnh tư liệu


Tuy sinh ra và lớn lên ở Thừa Thiên - Huế, nhưng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, địa bàn hoạt động cách mạng đầu tiên của đồng chí Lê Đức Anh lại ở miền Đông Nam Bộ. Ngày 14-6-1948, Trung đoàn đầu tiên của Nam Bộ ra đời - Trung đoàn 301, do đồng chí Huỳnh Kim Trương làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Lê Đức Anh làm Chính trị viên. Đến cuối năm 1948, đồng chí Lê Đức Anh được điều về làm Tham mưu trưởng Khu 7. Từ đây, đồng chí Lê Đức Anh chuyển từ vai trò là một cán bộ chính trị sang làm cán bộ tham mưu quân sự, chuyên lo xây dựng lực lượng, tổ chức trận đánh, phát triển chiến thuật cho bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương.

Cuối năm 1949, đầu năm 1950, quân Pháp liên tục mở nhiều cuộc hành quân càn quét, uy hiếp vùng giải phóng phía Đông và Đông Bắc Sài Gòn - Gia Định. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Đức Anh đề xuất mở chiến dịch tiến công trên địa bàn Bến Cát và được cử làm Tham mưu trưởng chiến dịch. Sau một tháng chuẩn bị, chiến dịch Bến Cát được tổ chức từ ngày 25 đến ngày 27-1-1950, là một trong những chiến dịch tiến công đầu tiên của các lực lượng vũ trang Nam Bộ, đánh dấu cục diện chiến trường chuyển sang giai đoạn mới, từ chỗ ta bị động đối phó sang chủ động tổ chức những trận tiến công có quy mô chiến dịch, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Nam Bộ.

Điểm cần nhấn mạnh là, từ trong chiến dịch Bến Cát, chiến thuật đặc công đã ra đời. Cuối năm 1952, đầu năm 1953, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ đã chỉ thị cho đồng chí Lê Đức Anh tổ chức đoàn cán bộ ra Chiến khu Việt Bắc để báo cáo với Bác Hồ và Bộ Tổng Tham mưu kinh nghiệm đánh đồn theo kiểu đặc công.

Sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí Lê Đức Anh tập kết ra Bắc, làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330, sau đó được điều động về làm Phó Cục trưởng Cục Tác chiến và nhận nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng công trình phòng thủ bờ biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Tháng 9-1963, đồng chí Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây cũng là lúc đồng chí cùng cơ quan Bộ Tổng Tham mưu tổ chức cho cán bộ miền Nam tập kết tập huấn và bí mật rèn luyện để chuẩn bị vào Nam chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược.

Trước yêu cầu của chiến trường miền Nam, cuối tháng 12-1963, đồng chí Lê Đức Anh được điều trở lại Nam Bộ, làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền; được giao xây dựng kế hoạch xây dựng lực lượng tại chỗ. Đến cuối năm 1964, việc xây dựng lực lượng cơ bản hoàn thành. Nhiều vùng trắng trước đây đã phát triển cơ sở và lực lượng vũ trang cách mạng.

Khi đồng chí Lê Đức Anh từ miền Bắc vào tới Bộ chỉ huy Miền cũng là lúc bắt đầu chuẩn bị mở Chiến dịch Bình Giã. Đồng chí Lê Đức Anh một mặt cùng cơ quan Bộ Tham mưu triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển lực lượng, mặt khác chuẩn bị cho chiến dịch, trọng tâm là công tác tham mưu. Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, Chiến dịch Bình Giã đã giành thắng lợi to lớn. Từ thắng lợi này, lực lượng vũ trang càng phát triển mạnh mẽ, là cơ sở vững chắc để sau đó hình thành Sư đoàn 5 (chủ lực cơ động) và Đoàn 10 (đặc công nước, sau này gọi là Đặc công Rừng Sác) hoạt động và đánh địch trên sông Lòng Tàu...

Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, khi đang làm Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền, đồng chí Lê Đức Anh được phân công tham gia sở chỉ huy "Tiền phương 2" do đồng chí Võ Văn Kiệt phụ trách - gồm các đơn vị từ Long An và toàn bộ lực lượng biệt động và quần chúng vũ trang nội thành từ quận 1 đến quận 8 đảm trách tiến công vào nội đô Sài Gòn từ hướng Nam và Tây Nam...

Dấu mốc quan trọng thể hiện tài cầm quân của tướng Lê Đức Anh là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 8-4-1975, trong cuộc họp đông đủ Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh Miền, đồng chí Lê Đức Thọ đã phổ biến quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, gồm: Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy, Thượng tướng Trần Văn Trà và Trung tướng Lê Đức Anh làm Phó Tư lệnh. Riêng đồng chí Lê Đức Anh còn được cử kiêm chỉ huy cánh quân phía Tây - Tây Nam Sài Gòn.

Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung tướng Lê Đức Anh, các đơn vị hướng Tây - Tây Nam như Sư đoàn 3, 5, 9 và các trung đoàn độc lập... bắt đầu tiến công, rồi cùng các cánh quân khác nhanh chóng tiến về Sài Gòn. Đến ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Sau khi miền Nam giải phóng, cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, ở biên giới Tây Nam Tổ quốc, quân Pôl Pốt đã gây hấn và mở cuộc chiến tranh xâm lược đối với Việt Nam. Trước tình hình đó, tháng 6-1978, Trung tướng Lê Đức Anh, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng cơ quan tiền phương Bộ Quốc phòng ở Mặt trận Tây Nam, đã góp phần đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Năm 1981, khi đang giữ chức Tư lệnh Quân khu 7, đồng chí được phân công kiêm chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Phó Trưởng ban rồi Trưởng ban lãnh đạo chuyên gia Việt Nam tại Campuchia. Năm 1984, đồng chí được phong hàm Đại tướng. Cuối năm 1986, đồng chí được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc đầu tiên trên cương vị mới của đồng chí là đi thị sát dọc vùng biên giới 6 tỉnh phía Bắc.

Về sự kiện này, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kể lại: "Vị Tổng Tham mưu trưởng đã ra quyết định rút toàn bộ đội hình Quân đoàn 29 lùi xuống phía sau để phòng ngự, không áp sát biên giới.

Đại tướng có nói, nếu ta áp sát biên giới, phía đối phương cũng áp sát biên giới, lúc nào hai bên cũng căng thẳng. Nay, chúng ta cứ rút quân xuống trước. Tôi bảo đảm với các anh đây là chủ trương đúng, tôi sẽ về báo cáo Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng". Trên thực tế, sau khi Quân đoàn 29 lùi xuống phía sau, tình hình biên giới dần dịu xuống không còn căng thẳng như trước. Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm nhấn mạnh: "Mãi sau này chúng tôi mới thấy, việc cho bộ đội chủ lực lùi lại như quyết định của Đại tướng Lê Đức Anh cũng là cơ hội để quân đội chỉnh đốn lại lực lượng".

Tháng 5-1988, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đi thị sát quần đảo Trường Sa, dự Lễ kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thống Quân chủng Hải quân. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Đại tướng Lê Đức Anh nhấn mạnh: "Xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".

Điểm lại quá trình hoạt động và cống hiến của Đại tướng Lê Đức Anh với Quân đội nhân dân Việt Nam có thể thấy, đồng chí là một vị tướng tài ba. Trải qua nhiều chiến trường, nhiều cương vị công tác đã giúp đồng chí có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Chính những quyết định sáng suốt của đồng chí đã giúp quân đội ta có bước phát triển vững chắc. Sau này, dù được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao những trọng trách lớn hơn nhưng đồng chí vẫn mãi là một vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại tướng Lê Đức Anh - Vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.