Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm việc với các cơ quan trước kỳ họp thứ bảy

Võ Lâm-Ảnh: Viết Thành| 09/05/2019 14:37

(HNMO) - Chiều 9-5, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với các cơ quan thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV.


Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Dân vận Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội Nguyễn Hồng Thái; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Huyền Mai; đại biểu lãnh đạo các cơ quan có liên quan của thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị.


Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng, nhiệm vụ trọng tâm 8 tháng còn lại năm 2019 và một số đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu nêu lên 7 nhóm kết quả cụ thể. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,99% (cùng kỳ tăng 6,98%). Các chỉ số kinh tế ngành duy trì mức tăng khá, trong đó, dịch vụ tăng cao hơn so với cùng kỳ. Khách du lịch quốc tế có lưu trú đạt 1,72 triệu lượt người, tăng 9%; tổng thu từ khách du lịch tăng 30%.

Thu ngân sách thành phố 4 tháng đầu năm đã đạt 90.426 tỷ đồng, bằng 34,4% dự toán, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách 17.180 tỷ đồng, đạt 17% dự toán. Kim ngạch xuất khẩu đạt 4,56 tỷ USD, tăng 12,9% (cùng kỳ tăng chỉ 2,7%). Môi trường đầu tư tiếp tục cải thiện rõ nét. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 của Hà Nội xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2017, về đích sớm 2 năm so với mục tiêu nhiệm kỳ 2015-2020. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố đạt 4,47 tỷ USD, gấp 6 lần so với cùng kỳ.

Báo cáo cũng nêu rõ 9 kiến nghị với Quốc hội của UBND thành phố. Trong đó, UBND thành phố kiến nghị Quốc hội hoàn thiện quy định của pháp luật về phân cấp, ủy quyền, đặc biệt là phân cấp của Chính phủ và các bộ cho chính quyền địa phương; xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công vì một số quy định của luật hiện nay quá cứng nhắc, chưa đầy đủ, tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác...

Thông tin với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố về ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô gửi tới kỳ họp thứ bảy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương phản ánh những tâm tư, nguyện vọng chung và tổng hợp thành 5 nhóm ý kiến, kiến nghị cụ thể. Trong đó, cử tri và nhân dân lo lắng về tình trạng “được mùa, mất giá”, mất an toàn thực phẩm; bức xúc trước tình trạng lợi dụng sinh hoạt tín ngưỡng để trục lợi, tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội (như tệ nạn ma túy, uống rượu lái xe, xâm hại tình dục, bạo lực học đường)... Cử tri và nhân dân Thủ đô kiến nghị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật để có cơ chế tốt hơn trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, trước hết là đối với những quy định còn thiếu hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; tăng chế tài xử lý về một số lĩnh vực, hành vi nhằm bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật như tội phạm liên quan đến ma túy, vi phạm trật tự an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng...

Phối hợp chặt chẽ, đóng góp tích cực cho kỳ họp

Các đại biểu Quốc hội và đại diện các cơ quan tham gia buổi làm việc đã trao đổi, thảo luận về một số vấn đề đang được cử tri và nhân dân Thủ đô quan tâm. Thay mặt UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã tiếp thu và trả lời, làm rõ từng vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu ra như, về giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A; cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 8B Lê Trực (quận Ba Đình); khắc phục ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm rác thải; chống nạn “cát tặc”... 

Chủ tịch UBND thành phố cho biết, bên cạnh những khó khăn về chủ quan, hiện nay, để thực hiện một dự án đầu tư công theo Luật Đầu tư công như dự án xây dựng trạm xử lý nước thải, phải mất khoảng 5 năm để làm các thủ tục. Đây là cản trở rất lớn đối với tiến độ đầu tư các công trình xử lý ô nhiễm môi trường hiện nay... Đồng chí Nguyễn Đức Chung khẳng định, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức giải quyết theo thẩm quyền, sớm có kết quả thông tin lại để các đại biểu báo cáo với cử tri ở kỳ tiếp xúc cử tri sau.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc.


Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hoàng Trung Hải, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đánh giá cao các cơ quan thành phố đã chuẩn bị nghiêm túc, báo cáo đầy đủ các nội dung phục vụ buổi làm việc; phản ánh chính xác, đa chiều tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; nêu các kiến nghị xác đáng với Quốc hội, nhất là các kiến nghị về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, sửa đổi, bổ sung một số luật cụ thể... Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ để phản ánh với Quốc hội, đóng góp tích cực vào công tác lập pháp và thành công của kỳ họp thứ bảy tới đây.

Đề cập một số vấn đề nổi cộm được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, đồng chí Hoàng Trung Hải yêu cầu, các cơ quan thành phố tiếp tục theo dõi, rà soát, nếu cần thiết, cung cấp thêm thông tin để các đại biểu Quốc hội thành phố nắm rõ, từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, đóng góp cùng thành phố giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của cử tri; đồng thời có căn cứ đầy đủ để báo cáo, giải trình với Quốc hội. 

Nhấn mạnh việc đối phó với tình trạng khai thác cát trái phép, đồng chí Hoàng Trung Hải cho biết, thời gian qua, thành phố đã thực hiện một số giải pháp có hiệu quả, bước đầu hạn chế được tình trạng này ở một số nơi. Tới đây, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh như rà soát các giấy phép đã cấp; tiến hành đấu thầu khai thác cát; cấm khai thác cát ở một số địa bàn cụ thể... Đồng chí khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các dự án làm sống lại các dòng sông, trước mắt, quyết tâm đến năm 2020 đưa được nước sông Hồng vào sông Tích, sau đó đến sông Đáy.

Đồng chí Hoàng Trung Hải cũng cho biết, tới đây, thành phố sẽ làm việc với các bộ, ngành để xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội tại kỳ họp diễn ra vào tháng 10-2019. Đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi các cơ quan thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, chủ động, tích cực tham gia cùng thành phố thực hiện, bảo đảm chất lượng cao nhất cho dự thảo nghị quyết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm việc với các cơ quan trước kỳ họp thứ bảy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.