Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại với công nhân, lao động

Khánh Thu - Ảnh: Viết Thành| 11/05/2019 09:18

(HNMO) - Ngày 11-5, tại hội trường Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố đã đối thoại với công nhân, lao động Thủ đô.

Quang cảnh buổi gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với công nhân, lao động Thủ đô.

Cùng dự có Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Dân vận Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương và gần 1.000 công nhân, lao động Thủ đô.

Giải quyết hiệu quả các vấn đề thiết thực đối với người lao động

Tại buổi đối thoại, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Phạm Khắc Tuấn cho biết, sau hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với đại biểu Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2018-2023) và công nhân, lao động năm 2018, UBND thành phố đã có Thông báo số 472/TB-UBND ngày 14-5-2018, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị trực thuộc thành phố giải quyết kiến nghị của người lao động trên địa bàn thành phố gồm 41 nhiệm vụ (trong đó có 18 nhiệm vụ của 6 huyện trùng nhau). Đến nay, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện được 13 nhiệm vụ, 10 nhiệm vụ đang giải quyết, 18 nhiệm vụ chưa có báo cáo...

Nhiều yêu cầu thiết thực với người lao động đã được thực hiện. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, các doanh nghiệp viễn thông rà soát, nghiên cứu lắp đặt tăng cường hệ thống mạng wifi miễn phí tại khu nhà ở cho công nhân thuộc các khu công nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và trau dồi, nâng cao kiến thức. Đến nay, tại các khu công nghiệp: Thăng Long, Thạch Thất - Quốc Oai, việc phủ sóng wifi đã hoàn tất; Khu công nghiệp Phú Nghĩa đang triển khai.

Đối với nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các trạm y tế cấp cơ sở ở khu vực tập trung đông công nhân, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng, các bệnh viện trực thuộc, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã quan tâm và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho công nhân, lao động các khu công nghiệp.

Trong khi đó, Công an thành phố đã chỉ đạo Công an các huyện nơi có khu công nghiệp chủ động phối hợp với chính quyền, bố trí lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến đường, nút giao thông trong khu công nghiệp. Công an thành phố cũng đã hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tổ tự quản công nhân, nhằm bảo đảm an ninh, trật tự các khu nhà ở công nhân; giúp đỡ công nhân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ tai nạn lao động theo quy định.

Bảo hiểm xã hội thành phố đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã đôn đốc doanh nghiệp hoàn thành các nghĩa vụ liên quan việc đóng bảo hiểm và các nghĩa vụ tài chính khác; phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị chức năng trợ giúp công nhân, lao động hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ tai nạn lao động nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho công nhân, lao động...

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Tại hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trước hội nghị, công đoàn thành phố đã nhận được nhiều kiến nghị của công nhân, viên chức, lao động gửi tới UBND, các sở, ban, ngành của thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngoài ra, công nhân, viên chức, lao động và cán bộ công đoàn cũng trực tiếp kiến nghị với Chủ tịch UBND thành phố. Tổng cộng có 639 câu hỏi, tập trung vào 6 nhóm vấn đề.

Về vấn đề đời sống, việc làm, có 214 ý kiến, tập trung vào các nội dung: Thành phố tạo điều kiện để công nhân được mua nhà tại dự án nhà ở xã hội Khu đô thị mới Kim Chung (huyện Đông Anh); đẩy nhanh xây dựng đề án đáp ứng nhu cầu nhà ở, nhà trẻ, trường học phục vụ con em và công nhân, lao động làm việc trong khu công nghiệp, chế xuất Hà Nội. Ngoài ra, công nhân, lao động kiến nghị bảo đảm an toàn cho công nhân thuê nhà tại Khu nhà ở công nhân xã Kim Chung (hệ thống thang máy chưa được kiểm định an toàn, thường xuyên hỏng hóc, thiết bị phòng cháy, chữa cháy không hoạt động); quản lý giá điện tại các khu nhà trọ có đông công nhân thuê trọ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 25/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt…

Về vấn đề giao thông, có 55 ý kiến, kiến nghị tập trung vào các nội dung: Cần có biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Cụm công nghiệp Phú Mãn (huyện Quốc Oai), Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh); có giải pháp ngăn chặn tình trạng xe tải khổ lớn đỗ tràn lan trên tỉnh lộ 80 và đường vào Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, tình trạng ngập úng tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai. Ngoài ra, cần quan tâm lắp đặt nhà chờ xe buýt tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa phục vụ công nhân…

Về vấn đề thực hiện chính sách với công nhân, lao động, có 264 ý kiến, tập trung vào việc giải quyết tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn tại doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; đề nghị khám sức khỏe theo chế độ bảo hiểm y tế vào thứ bảy, chủ nhật; tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho công nhân trong giải quyết tai nạn lao động liên quan đến giao thông. Cùng với đó, cần có chính sách động viên, khuyến khích đội ngũ công nhân tay nghề cao, công nhân giỏi về mua nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề…

Về quan hệ lao động và giải quyết thủ tục hành chính với doanh nghiệp, công nhân có 36 ý kiến, kiến nghị, trong đó yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và công nhân khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, lao động; tăng cường quản lý nhà nước, xử lý vi phạm về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội…

Về bảo đảm tình hình an ninh, trật tự có 25 ý kiến, tập trung vào việc ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen”; bảo đảm an ninh tại các trạm rút tiền ATM. 

Đối với việc đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, có 45 kiến nghị, tập trung vào việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy chế vận hành, quản lý các khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, lao động cho phù hợp với thực tế; xử lý rác thải; kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước ở các khu công nghiệp…

Kiến nghị nhiều vấn đề sát sườn

Công nhân Nguyễn Quang Đông (Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam) kiến nghị về vấn đề nước sạch.


Trực tiếp kiến nghị với Chủ tịch UBND thành phố, công nhân Nguyễn Quang Đông (Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam) đề nghị thành phố cung cấp nguồn nước sạch cho khu vực Sóc Sơn để người dân và công nhân thuê trọ được thụ hưởng; tháo gỡ khó khăn hoặc xây trường cho con công nhân được học ở trường công lập. Bên cạnh đó, anh Đông đề nghị thành phố làm rào chắn để bảo đảm an toàn tại đoạn đường dân sinh đi qua đường tàu ở khu Phố Nỉ (xã Trung Giã, Sóc Sơn); xây chung cư giá rẻ bán trả góp cho công nhân trên địa bàn Sóc Sơn; mở thêm cổng phụ ở phía Đông Khu công nghiệp Nội Bài để giảm bớt ách tắc giao thông; cải thiện chất lượng khám chữa bệnh ở trạm y tế cấp xã…

Công nhân Nguyễn Văn Minh (Công ty TNHH Canon Việt Nam) kiến nghị, khu nhà ở công nhân ở xã Kim Chung đang xuống cấp, cần được quan tâm hơn. Đồng thời, thành phố tạo điều kiện cho công nhân được thuê nhà ở khu nhà dành cho công nhân xã Kim Chung, vì khu nhà đã hoàn thành từ năm 2014 và hiện vẫn còn nhiều phòng trống.

Chị Trần Thị Thu Hường (Công ty CP Tập đoàn Haprosimex) đề nghị thành phố quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc bảo vệ quyền lợi tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động sau 2 năm cổ phần hóa.

Công nhân Nguyễn Văn Minh (Công ty TNHH Canon Việt Nam) kiến nghị về vấn đề nhà ở.


Trong khi đó, chị Trần Thị Như Quỳnh (Công ty INOAC Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh) kiến nghị, tại Hội nghị đối thoại năm 2017, Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội Hà Nội bố trí cán bộ bảo hiểm ở các khu công nghiệp để giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động, song đến nay, việc này chưa được triển khai. 

Phó Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Thạch Thất Cấn Việt Hùng kiến nghị thành phố quyết liệt xử lý, xóa bỏ tệ nạn cho vay nặng lãi hoạt động theo kiểu “tín dụng đen” đang bủa vây không ít khu nhà trọ công nhân.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử ASTI (Khu công nghiệp Quang Minh) Nguyễn Đức Nhân nêu mong muốn về việc được thành phố quan tâm xây nhà trẻ, mẫu giáo, nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu của công nhân. Bên cạnh đó, hiện công nhân phải dùng điện với mức giá hơn 3.000 đồng/kWh… 

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV May mặc Viet Pacifict Nguyễn Tràng Huy thay mặt công nhân ngành Dệt may Hà Nội kiến nghị lãnh đạo thành phố tạo cơ chế phù hợp đầu tư quỹ đất cho các doanh nghiệp dệt may có đông lao động, sản xuất, kinh doanh ổn định, có nhiều đóng góp cho ngân sách được thuê hoặc mua đất để xây dựng nhà trẻ, nhà ăn ca, nhà tập thể, khu vui chơi giải trí cho công nhân và con em họ...

Công nhân Nguyễn Bá Lộc (Khu công nghiệp Thăng Long) cho biết, hiện doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Thăng Long chỉ tuyển lao động dưới 30 tuổi; một số lao động trên 30 tuổi đã bị cắt hợp đồng; đề nghị thành phố quan tâm hơn.

Thêm nhiều giải pháp quyết liệt và cụ thể

Giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người lao động thông qua các kiến nghị gửi đến cũng như 22 ý kiến trực tiếp tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trong các nội dung kiến nghị của công nhân trước đây, có một số vấn đề đã giải quyết tốt, một số vấn đề được giải quyết nhưng chất lượng chưa cao và có vấn đề còn vướng mắc. Đối với những nội dung giải quyết chưa tốt hoặc chưa giải quyết được, thành phố sẽ có giải pháp quyết liệt trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung giải đáp những băn khoăn, kiến nghị của người lao động


Về vấn đề nhà ở cho người lao động, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đang tập trung phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, chế xuất Hà Nội. Hiện, thành phố đã có 4,2 triệu mét vuông nhà ở xã hội; đến năm 2020 sẽ hoàn thành 6,2 triệu mét vuông nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động trên địa bàn.

Về việc Khu công nghiệp Nam Thăng Long chỉ có một đường vào, xe hàng không có chỗ đỗ, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã đề xuất, thành phố cũng đã điều chỉnh. Thời gian tới, thành phố sẽ đôn đốc, có biện pháp tăng diện tích phục vụ hạ tầng các khu công nghiệp được tốt hơn.

Về mong muốn được thuê nhà ở cho công nhân của cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Canon Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện trên địa bàn huyện Đông Anh có 4 tòa nhà phục vụ công nhân thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Trước đây, công nhân đã nêu vướng mắc về giá thuê, diện tích phòng chưa phù hợp, thành phố đã chỉ đạo ngăn nhỏ những căn phòng này ra nhưng tiến độ còn chậm. Lãnh đạo thành phố tiếp thu kiến nghị của công nhân và đề nghị công nhân có nguyện vọng thuê nhà liên hệ với Ban quản lý nhà để thuê, thành phố sẽ xem xét hỗ trợ về giá.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội rà soát nhu cầu của công nhân để điều chỉnh giá thuê, diện tích nhà, đáp ứng nguyện vọng của công nhân.

Liên quan đến vấn đề bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, đây là chính sách chung. Việc đơn vị bảo hiểm chưa cử cán bộ đến khu công nghiệp để giải quyết vướng mắc và đề nghị lắp đường truyền trực tuyến để giải đáp các chính sách liên quan, Chủ tịch UBND thành phố cho biết sẽ đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị sớm bổ sung để tạo thuận lợi cho công nhân tra cứu tư liệu, sổ sách. Tuy nhiên, hiện đơn vị bảo hiểm cũng gặp khó khăn khi cử người xuống khu công nghiệp nhưng không bố trí được nơi làm việc, thời gian của công nhân hạn chế, bộ máy cán bộ bảo hiểm còn mỏng…

Về vấn đề sử dụng nước sạch trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, trước đây, theo Nghị định của Chính phủ, việc cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố do các công ty nhà nước đảm nhiệm. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, tháng 6-2016, thành phố đã đề nghị Chính phủ thay đổi nghị định này để mở đường cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư trên địa bàn. Đến nay, thành phố đã kêu gọi được 24 nhà đầu tư, với 28 dự án nước sạch. Sau hơn 2 năm, tỷ lệ cung cấp nước sạch khu vực nội thành đã được nâng lên 100%. Đến hết năm 2018, tỷ lệ cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn đạt 55%. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2020, toàn bộ khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch tiêu chuẩn nước đô thị.

Liên quan đến khu vực quốc lộ 6 (Yên Nghĩa, Hà Đông) có lối thoát nước thường xuyên bị úng ngập, ách tắc, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ đôn đốc đơn vị chức năng kiểm tra và giải quyết.

Về đề xuất của Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội tạo điều kiện về quỹ đất để được mua, thuê đất xây dựng hạ tầng, làm nhà trẻ, khu vui chơi cho người lao động, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố ghi nhận và sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, lao động.

Chủ tịch UBND thành phố cũng ghi nhận phản ánh về tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” trong công nhân. Thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo lực lượng Công an mở nhiều đợt cao điểm trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm cho vay nặng lãi, tội phạm “tín dụng đen” và đã triệt phá được một số ổ nhóm. Tuy nhiên, hiện tượng này hiện vẫn còn. 

“Thành phố đề nghị Công an thành phố tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc Công an các quận, huyện đẩy mạnh hơn nữa các đợt cao điểm trấn áp tội phạm, giải quyết hiệu quả vấn nạn này”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Kết thúc phần đối thoại với công nhân, lao động, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, lãnh đạo thành phố luôn trân trọng, đánh giá cao những đóng góp của doanh nghiệp và công nhân, lao động với sự phát triển của thành phố. Những ý kiến tâm huyết của công nhân, lao động sẽ được thành phố tiếp thu và có giải pháp căn cơ hơn.

Chủ tịch UBND thành phố mong muốn đội ngũ công nhân, lao động tiếp tục phát huy truyền thống, tích cực tham gia phong trào sáng tạo, nâng cao năng suất để có những sản phẩm chất lượng, nâng cao thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống. Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu Công đoàn các cấp phối hợp chặt chẽ cùng Liên đoàn Lao động thành phố và các sở, ngành, địa phương thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời kiến nghị của công nhân, lao động, không chờ đến hội nghị đối thoại thường niên.

Dịp này, Liên đoàn Lao động thành phố đã hỗ trợ 90 suất quà cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại với công nhân, lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.