Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí”, một cuốn sách quý!

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang| 19/05/2019 06:38

(HNM) - Nhà báo lão thành Phan Quang với tư cách là một công dân đã từng trải qua và chứng kiến nỗi đau, khổ nhục khôn cùng của kiếp đời nô lệ; đã từng chứng kiến và được hưởng niềm vui bất tận khi Cách mạng Tháng Tám thành công - Bác Hồ đọc Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam độc lập; khi quân ta tiến về giải phóng Thủ đô giữa rừng cờ đỏ sao vàng...

Bìa cuốn sách của nhà báo Phan Quang.


Với cảm xúc nhạy bén, năng lực nghề nghiệp sâu sắc, ông đã có nhiều bài báo viết về những gì mình cảm nhận, những sự kiện mình được chứng kiến. Bởi thế, tập hợp 35 bài viết của ông trong cuốn sách “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí” (dày 252 trang do NXB Đại học quốc gia Hà Nội vừa xuất bản), thông qua ghi lại những cảm xúc chân thực của một nhà báo, những câu chuyện có thật đã góp phần khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo, nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh.

Với cách viết và cảm nhận của Phan Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên thật giản dị trong phong cách sống, gần gũi với dân. Giản dị nhưng không hề đơn giản, bởi bên trong con người ấy là trí tuệ của một thiên tài, là hiện thân tiêu biểu cho một dân tộc có sức mạnh tiềm tàng, bền bỉ và tự lực. Phong cách sống giản dị, gần gũi đó đã làm kinh ngạc bao chính khách, nhà văn hóa, nhà báo quốc tế khi được gặp, tiếp xúc, làm việc với Hồ Chí Minh.

“Phần lớn các nhà văn hóa nước ngoài có cơ hội gặp Bác Hồ, làm việc với Bác, được nghe Bác nói chuyện, nhìn Bác tiếp khách, hay là nhà báo được Bác đồng ý trả lời phỏng vấn, trong số đó có người tìm cách “cật vấn” Bác bằng những câu hỏi trớ trêu, hóc búa nhất, hay là cố tình “giăng bẫy” hy vọng Bác lỡ lời, cuối cùng ra về mỗi người đều có lưu lại cho đời ít nhất một tác phẩm xuất sắc trong cuộc đời sáng tạo của mình…” (Trích bài viết “Có Bác Hồ trong mọi ngày vui”). Bác Hồ, một con người giản dị, nhưng toát lên linh hồn của cả một dân tộc!

Bác Hồ qua những trang viết của Phan Quang: Lúc bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, lúc vào sinh ra tử, lúc xông pha hiểm nghèo… bằng ý chí nghị lực phi thường không ngoài một mục đích cao cả. “Một con người suốt đời không có ham muốn nào ngoài “ham muốn tột bậc” là giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Một con người không bao giờ nghĩ đến quyền uy, bởi Người luôn tin tưởng “mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, và bản thân cho dù là lãnh đạo cao nhất nước cũng chỉ là một trong những “người đầy tớ của nhân dân”. Một con người không màng vinh hoa phú quý, mà chỉ ước mong lúc về già, khi việc lớn đã thành, được trút bỏ mọi trọng trách, lui về một nơi có suối có đồi, không khí trong lành như nhiều làng quê nước ta, “để được sống trong nếp nhà đơn sơ, sáng sáng xuống suối câu cá, chiều chiều lên đồi chơi với các cháu nhỏ con cái các nhà hàng xóm” (Trích bài viết “Có Bác Hồ trong mọi ngày vui”).

Bên cạnh các bài viết: “Có Bác Hồ trong mọi ngày vui”, “Hòa quyện vào tinh hoa văn hóa nhân loại”, “Làm việc nước bây giờ”, “Dĩ hòa vi quý”, “Tình trước lý sau”… khắc họa tầm vóc văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chủ đề của cuốn sách - “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí” - còn được khắc họa sâu sắc trong nhiều bài viết, vừa nêu bật thêm tư duy và phong cách báo chí Hồ Chí Minh, vừa là những bài học “làm nghề” thuyết phục cho các nhà báo.

Theo Hồ Chí Minh, “văn hóa là mặt trận cơ bản của xã hội”, “văn hóa mới kết hợp hài hòa, đúng đắn truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế”. Báo chí là bộ phận cấu thành văn hóa, đồng thời là phương tiện có hiệu lực góp phần xây dựng, truyền bá, thực thi văn hóa, đưa văn hóa vào cuộc sống hằng ngày. Người làm báo lãnh trọng trách đi đầu trong công tác chính trị tư tưởng, với chức năng ban đầu là tuyên truyền cổ động, tổ chức hướng dẫn quần chúng đấu tranh giành lại chính quyền, vì tự do, dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”, “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”…” (Trích bài viết “Tư duy và phong cách báo chí Hồ Chí Minh”). Như vậy, theo Phan Quang phong cách tư duy báo chí của Bác là kết tinh từ văn hóa dân tộc và nhân loại; là tài sản tinh thần quý báu của nhân dân ta, nó mang tính lan tỏa sâu rộng.

Phan Quang kể rằng: Nhằm đưa phong trào Đại Phong từ chiều rộng vào chiều sâu “dự kiến sẽ khởi đầu cuộc vận động này vào đầu tháng 3 năm 1963”, để cho cuộc ra quân rôm rả, theo anh Thao (Nguyễn Chí Thanh) xin Bác Hồ cho mấy lời kêu gọi mở đầu. Được Bác chấp nhận, “anh Thao đề xuất nội dung, tôi chấp bút”. “Tôi lục tục cày, anh Thao mấy lần góp ý. Hoàn tất công việc, anh cầm bản vừa đánh máy lên xe sang luôn chỗ Bác. Sáng hôm sau, tôi lại qua nhà anh, xem bài viết ấy được Bác Hồ chỉnh sửa ra sao. Anh Thao gí vào mặt tôi một bản đánh máy hoàn toàn khác: “Này Quang xem, chúng mình chuẩn bị công phu thế mà Bác sổ toẹt, Bác viết lại thế này. Cậu đọc cho kỹ để học cách viết của Bác, sau này còn nhiều dịp cần”.

“Ôi thôi, một bài nói, hay đúng hơn một bản đề cương, khác hẳn cái chúng tôi chuẩn bị chiều qua. Tuyệt nhiên không hô hào, kêu gọi mà giản đơn, cụ thể…”. Rõ ràng Bác không bị lệ thuộc vào ý kiến nào, mà độc lập tư duy một cách giản dị, cô đọng, trong sáng, cụ thể: Có sự việc, có con người, có địa điểm…

“Hồ Chủ tịch dẫn mấy trường hợp vừa diễn ra tại các tỉnh Nghệ An và Hà Nam. Sau khi biểu dương Thường vụ Huyện ủy Duy Tiên đã đi sâu đi sát, chia nhau về các xã giải quyết tại chỗ tình trạng dân kêu “thiếu nước, thiếu trâu, thiếu người làm” (lời Bác Hồ) “nhờ cách chỉ đạo thiết thực đó (Bác Hồ gạch dưới) chỉ trong ba ngày, mười xã, huyện ấy đã có đủ nước cấy 2.200 mẫu bị hạn…” giản dị, mà rõ ràng, nội hàm của nó rất sâu, biên độ của nó rất rộng, nên sức lan tỏa, thuyết phục lớn. Đó là bài học để đời cho những người cầm bút!

Phan Quang lao động sáng tạo không ngưng nghỉ, như một kho tri thức lớn về lý luận và thực tiễn cuộc đời! Ở tuổi 92, ông vẫn như con ong miệt mài nhả mật cho đời. Ông xứng đáng với những ghi nhận của các thế hệ cầm bút - một “nhà báo lão thành, nhà báo gạo cội, nhà báo uyên bác” (Hà Minh Đức), một “cây đại thụ trong làng báo chí - văn hóa cách mạng nước nhà” (Hà Đăng).

Hà Nội, tháng 5-2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí”, một cuốn sách quý!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.