Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV

Bảo Hân| 20/05/2019 09:05

(HNMO)-  Đúng 9 giờ ngày 20-5, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội...

Trước phiên khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Viết Thành

Tham dự phiên khai mạc có: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Huỳnh Đảm; các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; các vị lão thành cách mạng, các vị nguyên là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV, các vị trong Đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí và các phóng viên trong và ngoài nước.

Bắt đầu từ 8 giờ, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.

Đúng 9 giờ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc chính thức kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Ý Như

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, cùng cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực phấn đấu cao nhất, nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, biến lời nói thành hành động, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra trong năm 2019.

Với tinh thần trên, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, củng cố quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội nhận định, kể từ sau kỳ họp thứ sáu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND  Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chuẩn bị nội dung của kỳ họp thứ bảy.

Về cơ bản, các dự án, dự thảo, báo cáo đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu, tập trung cho ý kiến, thể hiện quan điểm rõ ràng về từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với Báo cáo của Chính phủ do Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh trình bày.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội sẽ nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp; Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV.

Trong 20 ngày làm việc, kỳ họp thứ bảy dành 12 ngày cho công tác xây dựng chính sách pháp luật. Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác.

7 dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2 Nghị quyết dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua là: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

9 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.