Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch HĐND không làm tăng biên chế địa phương

Ngân Hạ| 24/05/2019 14:10

(HNMO) - Chiều 24-5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.


Dự thảo luật gồm 3 điều, tập trung vào các nhóm vấn đề: Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng đã được ghi rõ trong Nghị quyết và sửa đổi các nội dung vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trong quá trình xây dựng dự án luật, còn có ý kiến khác nhau về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, nhóm ý kiến thứ nhất kiến nghị giảm số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay xuống còn 1 Phó Chủ tịch ở tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về cơ cấu tổ chức của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi cả nước.

Nhóm ý kiến thứ hai kiến nghị giữ nguyên số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện như Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành nhằm đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong điều kiện hiện nay.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ thống nhất với nhóm ý kiến thứ nhất.

Về việc giảm số lượng Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, Chính phủ thống nhất với nhóm ý kiến quy định về giảm số lượng Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh từ không quá 2 Phó Trưởng ban hiện nay xuống còn 1 Phó Trưởng ban nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo định hướng tại các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

Tại báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm tán thành, đề nghị Chính phủ trong lần sửa đổi này tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước.

Đối với những nội dung khác được đề cập trong Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội thì có thể được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các văn bản, chương trình, đề án khác và triển khai thực hiện trong quá trình đổi mới hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định.


Về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có 2 Phó Chủ tịch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của HĐND. Quy định này không làm tăng thêm biên chế ở địa phương so với trước đó, vì thực chất, một biên chế được nâng từ chức danh “Ủy viên Thường trực” của HĐND lên Phó Chủ tịch.

Việc giữ nguyên số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh là nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban của HĐND cấp tỉnh. Đây là những vấn đề đã được báo cáo và được sự đồng ý của Bộ Chính trị (khóa XI) trước khi Quốc hội biểu quyết đưa vào luật hiện hành.

Vì vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tác động thật kỹ, vì đổi mới phải đồng thời đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng công việc, chứ không chỉ nhằm mục tiêu giảm biên chế. Việc đánh giá tác động cần làm rõ, nếu giảm số lượng các chức danh này thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu biên chế và số lượng cán bộ dôi dư này sẽ được sắp xếp, bố trí thế nào cho phù hợp; đồng thời, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tăng lên hay giảm đi... Do trong hồ sơ Chính phủ trình chưa có đánh giá tác động kỹ nên ý kiến thảo luận trong Ủy ban Pháp luật còn khác nhau.

Về vấn đề phân quyền, phân cấp và ủy quyền, Ủy ban Pháp luật đề nghị, đối với những địa phương đã tự chủ được kinh phí ngân sách thì cần đẩy mạnh hơn việc phân quyền, phân cấp. Đồng thời, các địa phương cũng cần nghiên cứu thêm vấn đề giao chỉ tiêu biên chế phù hợp với quy mô dân số, diện tích tự nhiên, quy mô phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Khi phân quyền, phân cấp, sẽ giao cho địa phương nhiều nhiệm vụ, quyền hạn hơn nhưng vẫn phải bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động.

Tại phiên thảo luận tổ của các đại biểu trong chiều nay, Ủy ban Pháp luật đề xuất một số nội dung đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận như: Khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa; về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng.

Về sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Pháp luật đề nghị đại biểu thảo luận về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh; về cơ cấu tổ chức của UBND và tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã; về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương; việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính không đủ diện tích tự nhiên và quy mô dân số…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch HĐND không làm tăng biên chế địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.