Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động viên toàn dân, dựa vào lực lượng của nhân dân để xây dựng đất nước

18/07/2019 08:07

(HNM) - Trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”. Dự báo của Bác dựa trên niềm tin vững chắc vào sức mạnh của nhân dân. Người cũng thể hiện niềm tin to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc là dựa trên đường lối động viên toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân. Công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh càng cần phải dựa vào nhân dân mới thành công.

Hai vấn đề lớn đặt ra

Phát triển kinh tế, đổi mới, xây dựng lại đất nước sau chiến tranh được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ trong Di chúc với hai vấn đề lớn đặt ra. Một là, chăm lo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân là trách nhiệm lớn lao của đảng cầm quyền. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh dành tình cảm đặc biệt khi nói về nhân dân. Người viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.

Tinh thần đoàn kết, trí tuệ, nguồn lực của toàn dân là động lực quan trọng cho công cuộc dựng xây đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại. Ảnh: Vũ Long

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Một câu ngắn gọn đó trong Di chúc đã thể hiện trách nhiệm lớn lao của Đảng đối với nhân dân và cũng thể hiện đạo lý, bản chất vì nước, vì dân của Đảng.

Sinh thời, Hồ Chí Minh khẳng định, ngoài lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Nhiệm vụ của Đảng là làm cho dân tộc được độc lập, đồng bào được sung sướng, tự do. Sau khi giành toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang của Đảng là lãnh đạo toàn dân xây dựng lại đất nước mười lần to đẹp hơn. Đó là ước nguyện của Hồ Chí Minh và là mục tiêu cao cả của Đảng.

Hai là, trong sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh, cần phải động viên toàn dân, dựa vào lực lượng và sự sáng tạo của nhân dân mới thành công. Thực tế cho thấy, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bài học lớn mang tính quy luật đó của cách mạng Việt Nam hoàn toàn đúng đắn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và trong cả sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. 

Sau chiến tranh, có rất nhiều việc phải làm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra trong Di chúc. Đó là: Kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng… Người cũng cho rằng: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng của toàn dân”.

Phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân 

Động viên toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân mà Hồ Chí Minh đề cập trong Di chúc là sự tổng kết quy luật phát triển của đất nước.

Sau ngày toàn thắng (30-4-1975), đất nước hoàn toàn độc lập và thống nhất, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành ngay công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, xây dựng lại đất nước... Trong đó, đường lối Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) là dấu ấn lịch sử. Đại hội là sự khởi đầu của một thời kỳ đất nước phát triển mạnh mẽ và đường lối đổi mới của Đảng in đậm tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế, về quá độ lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Sửa chữa những sai lầm trước đó, công cuộc đổi mới đã nhận thức rõ hơn, vận dụng đúng đắn hơn các quy luật khách quan, nhất là quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; quy luật giá trị và sản xuất hàng hóa; quy luật của kinh tế thị trường; quy luật về lợi ích kinh tế và phân phối theo lao động… Nắm vững và vận dụng đúng đắn quy luật khách quan, thấu hiểu nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, tổng kết sáng kiến của quần chúng, đó là thành công đi đến quyết định những nội dung đổi mới. Chính sáng kiến, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân là một trong những nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới.

Nhân dân đã góp phần làm nên đổi mới. Cũng chính nhân dân đã hiện thực hóa đường lối đổi mới của Đảng. Đó là nhân tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới suốt hơn 30 năm qua. Tổng kết quá trình đổi mới, Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016) đã nêu rõ 5 bài học, trong đó, có bài học dựa vào sức mạnh của nhân dân: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm "dân là gốc", vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam có quyền tự hào báo công với Bác và vững tin vào con đường đã lựa chọn, thực hiện trọn vẹn những ước nguyện của Người.

PGS.TS Đoàn Minh Huấn
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động viên toàn dân, dựa vào lực lượng của nhân dân để xây dựng đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.