Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của huyện Đông Anh rất thiết thực cho các địa phương

Nguyễn Mai - Ảnh: Bá Hoạt| 31/07/2019 09:09

(HNMO) - Sáng 31-7, huyện Đông Anh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” (Chương trình 02) trên địa bàn huyện.

Dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy; Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó ban Chỉ đạo Chương trình 02. 

Các đại biểu dự hội nghị.

Nhuần nhuyễn phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, năm 2010, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Đông Anh có nhiều tiêu chí đạt thấp; hạ tầng nông thôn còn nhiều bất cập, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả không cao; đời sống người dân còn nhiều khó khăn...

Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, huyện Đông Anh đã xây dựng các chương trình công tác trọng tâm theo mỗi nhiệm kỳ; hằng năm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo từng nội dung cụ thể; hằng quý có báo cáo đánh giá; cuối năm có sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện Chương trình...

Trong gần 10 năm qua, 7.523 tỷ đồng đã được dành để xây dựng nông thôn mới, trong đó có hơn 344 tỷ đồng vốn xã hội hóa. Từ đây, huyện đã đầu tư hàng trăm công trình hạ tầng, phát triển sản xuất. Diện mạo đô thị và nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng đổi mới, sạch đẹp, khang trang; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao... Năm 2016, Đông Anh là huyện thứ hai của thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. 

Hiện, Đông Anh có 22/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng xã Dục Tú đang phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2019. Huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới gắn với tiêu chí phấn đấu trở thành quận...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chúc mừng kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Đông Anh.

Bài học kinh nghiệm của huyện Đông Anh chính là sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đội ngũ cán bộ chủ chốt chủ động, gương mẫu, quyết tâm cao; có ý thức chính trị và kiến thức về nông thôn mới. Huyện coi trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chủ động tham gia vào xây dựng nông thôn mới; quá trình thực hiện có sự kiểm tra sâu sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”, khi nhân dân thấy hiệu quả sẽ có trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, huyện chọn các tiêu chí ít vốn đầu tư để thực hiện trước.

Nhiều bài học kinh nghiệm quý, có ý nghĩa thiết thực 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của huyện Đông Anh trong thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, huyện đã chủ động nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, kịp thời xây dựng các chương trình với lộ trình, cách làm phù hợp với tình hình địa phương; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và khâu đột phá của từng giai đoạn; tuyên truyền, vận động, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, ủng hộ tích cực của nhân dân. Trong nông nghiệp, huyện có bước phát triển vượt bậc, từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sang thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả cao. Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện đạt gần 1.800ha, thu nhập bình quân/ha canh tác đạt hơn 250 triệu đồng. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt gần 2.500 tỷ đồng/năm...

Trong nông thôn mới, gần 10 năm qua, huyện đã xây dựng, cải tạo gần 800km giao thông nông thôn; xây dựng, cải tạo 117 nhà văn hóa thôn, 8 trung tâm văn hóa xã; hỗ trợ xây dựng hơn 1.000 nhà ở cho người có công với cách mạng và hộ nghèo... Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao. Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân của huyện đạt 47 triệu đồng/người/năm; dự kiến hết năm 2019 đạt 50 triệu đồng/người/năm…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình 02 của Đông Anh không của riêng huyện mà còn là bài học thiết thực cho các địa phương của Hà Nội trong thực hiện Chương trình 02.

"Huyện Đông Anh đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong xây dựng nông thôn mới. Huyện đã chọn quy hoạch đi trước một bước là rất khoa học trong thực hiện xây dựng nông thôn mới; quá trình thực hiện bài bản giữa hạ tầng kinh tế - xã hội, bám sát vào quy hoạch của Thủ đô nên xây dựng nông thôn mới đồng bộ với các tiêu chí xã lên phường, huyện lên quận... Bài học kinh nghiệm và kết quả đạt được hôm nay của Đông Anh là quá trình nỗ lực liên tục cùng công sức đóng góp của các thế hệ cán bộ lãnh đạo và nhân dân trong huyện" - đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định.

Tuy nhiên, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình 02 trên địa bàn huyện, như: Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch chưa cao, mới đạt hơn 50%. Bên cạnh đó, huyện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên; tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động tới từng cộng đồng dân cư, từng hộ dân, tạo điều kiện để nhân dân trực tiếp tham gia bàn bạc, thực hiện và giám sát việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khen thưởng các cá nhân có đóng góp tích cực trong thực hiện Chương trình 02 trên địa bàn huyện.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển nông nghiệp sinh thái, tạo vành đai xanh gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp...

Về xây dựng nông thôn mới, huyện cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để huy động được nguồn lực trong xã hội tham gia thực hiện Chương trình; nhân rộng cách làm hay, mô hình tốt, khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến, nhất là những cá nhân có đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt để tiệm cận tiêu chí phường và quận; hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững; tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các đề án thành phần trong Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh trở thành quận.

Để nâng cao đời sống người dân, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện Đông Anh tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình của thành phố về giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn… Thành phố ghi nhận và đánh giá cao Đề án đầu tư, xây dựng huyện Đông Anh thành quận với hệ thống giải pháp thiết thực được thể hiện thông qua 12 đề án thành phần, 24 đề án xây dựng xã thành phường... Qua đó, không chỉ tạo diện mạo mới cho địa bàn mà còn bảo đảm xây dựng đô thị hiện đại, thông minh, bền vững...

Tại hội nghị, huyện Đông Anh đã biểu dương, khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy trên địa bàn huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của huyện Đông Anh rất thiết thực cho các địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.