Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất tăng giờ làm thêm vẫn có nhiều ý kiến chưa đồng thuận

Hà Phong| 14/08/2019 13:52

(HNMO) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 36, sáng 14 - 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhất là về thời gian làm thêm, tiền làm thêm…

Quang cảnh cuộc họp

Theo dự thảo mới nhất, Ban soạn thảo đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ. Trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).

Do còn có nhiều ý kiến khác nhau, luật sửa đổi cũng bổ sung về tiền lương làm thêm giờ với 2 phương án.

Phương án 1 như dự thảo do Chính phủ trình, tiền lương làm thêm giờ vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%. Việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn quy định ở khoản này thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện.

Phương án 2 được thiết kế trên cơ sở ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo đó, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150% cho 2 giờ đầu, 165% cho giờ làm thêm thứ ba và 180% cho giờ làm thêm thứ tư; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200% cho 2 giờ đầu, 220% cho giờ làm thêm thứ ba và 240% cho giờ làm thêm thứ tư; vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% cho 2 giờ đầu, 330% cho giờ làm thêm thứ ba và 360% cho giờ làm thêm thứ tư...

Thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, luật hiện hành đã quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, nhưng việc thực hiện rất khó khăn. Tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến. Mặt khác, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị: “Cơ quan soạn thảo phải tiếp tục tính toán trong mối tương quan với thời gian làm việc chính thức, bảo đảm tái tạo kịp thời sức lao động cho người lao động. Đặc biệt, phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động khi thật sự cần thiết có nhu cầu và có cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát”.

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân tích: "Hiện nay, chúng ta có nhiều ngành nghề, lĩnh vực phải làm theo mùa vụ như dệt may, thủy sản…; nhưng đây cũng là ngành nghề cá biệt. Như vậy, trong luật phải quy định rõ những ngành, nghề nào được tăng giờ làm và cụ thể trong ngày, trong tuần được làm thêm tối đa bao nhiêu giờ".

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đồng tình với phương án Chính phủ trình là nới khung giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm. Lý do được đưa ra, hiện nay do tác động của tình hình kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn. Trong bối cảnh đó, người lao động cần đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp để vượt qua khó khăn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện nay chưa phải thời điểm để thực hiện tăng lương giảm giờ làm. Điều này chỉ có thể thực hiện khi nền kinh tế của chúng ta phát triển tốt hơn trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất tăng giờ làm thêm vẫn có nhiều ý kiến chưa đồng thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.