Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hải Oanh| 15/08/2019 06:36

(HNM) - Trước lúc đi xa, viết trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một mong muốn to lớn, đó là “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Tư tưởng về phát triển hài hòa kinh tế và văn hóa của Người là định hướng quan trọng để đất nước phát triển bền vững.

Phát triển giáo dục toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng đất nước là mục tiêu luôn được chú trọng và đạt nhiều thành tựu to lớn. Ảnh: Nhật Nam

Mấu chốt của chiến lược phát triển bền vững

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo; vì thế kinh tế phải đi trước. Nhưng phát triển để làm gì? Phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ta”.

Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa chính là mấu chốt của chiến lược phát triển bền vững. Kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện vật chất và nguồn sống cho phát triển văn hóa, nhưng phát triển kinh tế chưa bao giờ tách rời khỏi sự nâng đỡ của văn hóa. Văn hóa tuyệt đối không phải là vật phát sinh hoặc thứ yếu phụ thuộc một cách tiêu cực vào kinh tế mà trái lại, văn hóa có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế...

Ở góc nhìn rộng hơn, theo Hồ Chí Minh, kinh tế không độc lập với văn hóa mà kinh tế cũng chính là một lĩnh vực của văn hóa. Ngay từ năm 1943, sau khi định nghĩa về văn hóa, Người chỉ rõ: “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc: 1 - Xây dựng tâm lý: Tinh thần độc lập tự cường; 2 - Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; 3 - Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; 4 - Xây dựng chính trị: Dân quyền; 5 - Xây dựng kinh tế”. Quan điểm này thể hiện tầm chiến lược thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xác định những tiêu chí cơ bản nhằm định hướng cho nền văn hóa Việt Nam trong tương lai.

Theo nghĩa hẹp, văn hóa là một lĩnh vực riêng trong tương quan với các lĩnh vực khác, chẳng hạn văn hóa khác với kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường. Nhưng theo nghĩa rộng, văn hóa chính là nhân hóa hoạt động của con người, đánh dấu sự vượt lên của con người đối với trạng thái tự nhiên. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nhận thức một cách toàn diện bản chất của văn hóa, sức ảnh hưởng của văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động của con người…

Thấy rõ sức mạnh nội sinh của văn hóa, Người cho rằng, phải làm thế nào cho văn hóa thấm sâu vào tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa... Văn hóa phải làm sao cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng... Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.

Phát huy tối đa sức mạnh của văn hóa

Sau hơn 30 năm đổi mới, một mặt, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã thu được nhiều thành tựu khả quan, tạo tiền đề để từng bước nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Mặt khác, nền kinh tế thị trường ấy vẫn chưa hoàn thiện, chưa được quản lý có hệ thống, vai trò điều tiết của Nhà nước chưa được tổ chức chặt chẽ, lợi ích kinh tế cá nhân chưa được đặt trong tương quan mật thiết với lợi ích kinh tế cộng đồng. Đây cũng là lúc mặt trái của kinh tế thị trường nhanh chóng bộc lộ, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc, thậm chí có lúc gây ra tổn thất nghiêm trọng đối với sự ổn định và phát triển của xã hội.

Trong điều kiện ấy, chắc chắn phát triển kinh tế sẽ có nhiều vấn đề đặt ra cần khắc phục. Vì vậy, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải tiến hành song song với việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng con người. Rõ ràng, muốn tạo nên một đất nước cường thịnh, nhất thiết phải quán triệt tư tưởng: Văn hóa là động lực phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đất nước tạo thành sự phát triển bền vững. Tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng ta vận dụng và thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và trong các văn kiện Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…

Phát triển văn hóa phải hài hòa với phát triển kinh tế, do đó chúng ta cần phát huy tối đa sức mạnh của văn hóa, làm cho các nhân tố văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực, trong mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỷ cương và mọi quan hệ của con người với tự nhiên, xã hội và chính mình, biến văn hóa thành một nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Những tư tưởng lớn, sâu sắc của Người về mối quan hệ biện chứng, hài hòa giữa văn hóa và kinh tế vừa mang tính chỉ đạo lâu dài, đồng thời giúp chúng ta giải quyết những vấn đề của thực tiễn đổi mới một cách thuyết phục… Những năm qua, thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với văn hóa đạt được nhiều thành công nhưng cũng còn không ít tồn tại. Do đó, thiết nghĩ, trong thời gian tới cần thực hiện tốt những giải pháp sau:

Một là, tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, hình thành hệ thống đô thị, phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn.

Hai là, phát huy vai trò của văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước nói chung, trong đó xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển kinh tế, nâng cao nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, là một trong những nhân tố quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Ba là, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và xây dựng văn hóa trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý, các doanh nghiệp, kiên quyết chống lại xu hướng chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, tách rời mục tiêu kinh tế với mục tiêu văn hóa.

Bốn là, kiên định mục tiêu xây dựng văn hóa, con người, phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Xây dựng con người mới, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Năm là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong quá trình thực hiện mối quan hệ phát triển kinh tế và xây dựng văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.