Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sống mãi tinh thần “Ba sẵn sàng”

Dương Linh| 16/08/2019 06:31

(HNM) - Tháng 8-1964, chỉ ít ngày sau khi đế quốc Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc, phong trào “Ba sẵn sàng” đã được Thành đoàn Hà Nội phát động và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của hàng vạn thanh niên Thủ đô. Ngay trong những ngày tháng lịch sử đó, Đội Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường chiến lược 13C ra đời. Thấm thoắt đã 55 năm, nhưng âm hưởng của một thời hào hùng vẫn là động lực để các cựu thanh niên xung phong cùng nhau sống tốt, sống đẹp.

Những năm tháng hào hùng

Mùa thu năm 1964 vẫn in dấu sâu đậm trong ký ức của ông Hàn Tiến Nhâm, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội, Trưởng ban Liên lạc Thanh niên xung phong 13C Hà Nội. Ông nhớ lại: "Trong không khí cả nước sôi sục chống Mỹ cứu nước, phong trào “Ba sẵn sàng” đã cổ vũ lớp lớp thanh niên Thủ đô lên đường, cống hiến cho Tổ quốc. Lúc bấy giờ, tôi vừa học xong lớp 10 (hệ 10 năm) nhưng quyết định không thi đại học, mà hăng hái tham gia thanh niên xung phong".

Đoàn đại biểu thanh niên xung phong 13C Hà Nội tại thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai nhân kỷ niệm 40 năm thành lập (1964-2004).

Cũng như ông Nhâm và bao người khác, ông Ngô Anh Quỹ, khi đó là Phó Bí thư Chi đoàn khu Đông, xã Việt Hùng (huyện Đông Anh), hồi tưởng: "7h ngày 15-9-1964, Ga Đông Anh đông vui như ngày hội. Đoàn viên thanh niên ai nấy đều mang trong mình chiếc “Thẻ tình nguyện đi xây dựng miền núi, làm giàu cho Tổ quốc” của Thành đoàn Hà Nội, cùng tinh thần sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ".

Ngày đó, lớp người như ông Nhâm, ông Quỹ..., hầu hết vừa tốt nghiệp cấp 2 (trung học cơ sở), cấp 3 (trung học phổ thông). Nhiều người còn chưa một lần xa nhà, nhưng họ sẵn sàng khai thêm tuổi, mặc nhiều quần áo cho đủ cân nặng để vào bộ đội, thanh niên xung phong. Ông Hàn Tiến Nhâm kể tiếp: “Đường 13C là tuyến giao thông chiến lược nối tỉnh Yên Bái với Lào Cai. Nhân lực thi công là lực lượng thanh niên xung phong của 5 tỉnh: Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay), gồm 6.000 người. Nhận nhiệm vụ của Trung ương, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Thành đoàn và một số sở, ngành, địa phương tập hợp lực lượng ngay trong tháng 8-1964. Khí thế lúc đó thật sôi nổi. Chỉ trong vòng hai tuần, 7 đại đội thanh niên xung phong được thành lập với quân số gần 1.400 người”.

Dưới thời tiết khắc nghiệt của miền Tây Bắc hoang vu, nắng thì cháy lưng, mưa như thác đổ, nhưng các chàng trai, cô gái Hà thành nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới. Từ những thanh niên phố thị, họ trở thành công nhân sản xuất lành nghề, nông dân chăm chỉ… Dù điều kiện lao động gian khổ, nhưng với tinh thần xả thân của tuổi trẻ, không ai trong số họ nản chí. Nỗi nhớ nhà dần vơi qua các buổi thăm hỏi bà con dân bản và các đơn vị bạn…

Nhớ lại một thời hào hùng, bà Nguyễn Thị Mỹ (quận Ba Đình) kể: “Năm 1964, ở tuổi 17, vừa học xong lớp 8 (hệ 10 năm), tôi háo hức xung phong tham gia thanh niên xung phong. Nơi chúng tôi đóng quân núi rừng heo hút. Điều kiện sinh hoạt và lao động hết sức gian khổ nhưng không bao giờ thiếu tinh thần đoàn kết, thương yêu của đồng đội. Anh chị em cùng chia ngọt sẻ bùi, động viên nhau khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.

Ông Vũ Minh Tâm, Đại đội phó Đại đội khu Đống Đa công trường 13C bộc bạch: “Dù những đôi bàn tay phồng rộp vì cầm búa, cầm choòng, đôi vai bỏng rát vì gánh đất đá, ăn uống thiếu thốn, bữa độn ngô, độn sắn, thức ăn chủ yếu là cá khô, chuối rừng… nhưng vì nhiệm vụ vẻ vang, ai nấy đều gắng sức”. Còn ông Ngô Anh Quỹ tự hào: “Trong thi công, chúng tôi đã có nhiều sáng kiến như: “Cần cẩu bay”, “cầu trượt ky” để tăng năng suất lao động lên gấp đôi và giải phóng sức người”…

"Hơn một năm sau, tuyến đường 13C hoàn thành. Do yêu cầu cấp thiết của chiến trường, cấp trên điều động các đơn vị tham gia công trường 13C tăng cường, bảo đảm giao thông cho khu vực từ Ninh Bình đến Thanh Hóa - Nghệ An. Nơi đây, giặc Mỹ ngày đêm đánh phá ác liệt và 10 đồng chí thanh niên xung phong đã hy sinh. Trong đó có đồng chí Trần Văn Cổn (quê huyện Gia Lâm) hy sinh trên cầu Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa) khi chỉ ngày hôm sau là hoàn thành nhiệm vụ, được trở về Hà Nội học đại học”, ông Hàn Tiến Nhâm xúc động nhớ lại.

Mỗi tấm gương hy sinh như tiếp thêm sức mạnh để những người ở lại tiếp tục hăng say lao động. Thời gian 3-4 năm trôi qua nhanh chóng, các thanh niên xung phong công trường 13C Hà Nội đa số trở về địa phương tiếp tục tham gia trên các mặt trận lao động, sản xuất của Thủ đô. Một số người đi học trung cấp, đại học, tham gia quân đội... và tiếp tục cống hiến sức lực cho đất nước.

Tự hào là thanh niên xung phong

Trở về sau những tháng năm cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của dân tộc, thế hệ cựu thanh niên xung phong công trường 13C Hà Nội vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội. Trong số họ, tiêu biểu là ông Ngô Anh Quỹ (76 tuổi) đã 15 năm đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Đông Anh. Còn bà Nguyễn Thị Mỹ (72 tuổi) đang làm Tổ trưởng phụ nữ, Tổ trưởng người cao tuổi tổ 13B, khu dân cư số 6, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình. Họ vẫn nêu cao tinh thần của thanh niên xung phong “Lúc trẻ xông pha, về già mẫu mực”, cống hiến cho địa phương.

Lần giở những bức ảnh kỷ niệm mỗi lần gặp mặt, ông Hàn Tiến Nhâm cho biết: “Thế hệ chúng tôi nay đều đã ở độ tuổi gần 80 và còn hơn 500 người vẫn sinh hoạt, gặp gỡ nhau đều đặn. Đến nay, 100% thành viên đã được hưởng chế độ chính sách. Các cựu thanh niên xung phong công trường 13C Hà Nội luôn nêu gương làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội, cùng nhau đùm bọc, sẻ chia lúc ốm đau, hoạn nạn…”.

Giờ đây, nhiều người tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, nhưng những ký ức hào hùng 55 năm trước của lớp thanh niên xung phong 13C Hà Nội - lực lượng đầu tiên thực hiện phong trào “Ba sẵn sàng” của Thành đoàn Hà Nội vẫn đang truyền tiếp ngọn lửa yêu nước của cha ông cho thế hệ hôm nay và mai sau, để mãi tỏa sáng tinh thần của thanh niên xung phong. Khi được hỏi: “Bác có nhắn nhủ gì cho lớp trẻ?”, ông Vũ Minh Tâm bày tỏ: “Chỉ có thử thách trong lao động sản xuất, thực tế cuộc sống mới giúp thanh niên trưởng thành. Trường đại học lớn nhất là học ở quần chúng, học ở nhân dân, học trong lao động và lao động sáng tạo mới thành công dân tốt. Tôi mong các thanh niên tình nguyện Thủ đô hôm nay hãy cố gắng nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu hết mình như câu hát: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay...”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sống mãi tinh thần “Ba sẵn sàng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.