Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Nỗ lực vượt khó

Hương Ly| 21/08/2019 06:29

(HNM) - Gần dân, cống hiến thầm lặng, nỗ lực vượt khó là những đóng góp của đội ngũ làm công tác dân vận ở cơ sở đối với sự phát triển ổn định của các địa phương. Tuy nhiên, công tác dân vận đang đối mặt với không ít thách thức.

Còn đó những khó khăn

Đánh giá về công tác dân vận 6 tháng đầu năm 2019, Thành ủy Hà Nội cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn tình trạng có lúc, có nơi công tác nắm bắt tình hình trong nhân dân chưa được nhạy bén, kịp thời.

Thêm vào đó, trình độ của cán bộ dân vận có thời điểm chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Việc dự báo tình hình tại một số địa phương nhiều lúc còn bị động, chưa kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở trong giải quyết các vụ việc phát sinh trong nhân dân…

Cùng với đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số địa phương chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định, dẫn tới việc người dân khiếu nại vượt cấp.

Cán bộ dân vận quận Đống Đa bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân.

Nêu những bất cập gây khó khăn cho việc triển khai công tác dân vận, Bí thư chi bộ tổ dân phố số 1 phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân) Nguyễn Văn Đỉnh cho biết, trên địa bàn phường có dự án mở rộng đường Vành đai 2, vì vậy công tác giải phóng mặt bằng khá phức tạp. Người dân thường không đồng thuận với giá đền bù giải phóng mặt bằng, mà một trong những nguyên nhân là quyết định phê duyệt dự án được cấp thẩm quyền ký duyệt khá xa so với thời điểm thực hiện, khiến giá đất đền bù thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Để giải thích, thuyết phục nhân dân đồng thuận là việc rất nan giải.

Chia sẻ những khó khăn trong công tác nắm bắt tình hình nhân dân, Bí thư Đảng ủy phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) Lê Việt Hùng cho biết, nhiều vụ việc khiếu nại, tập trung đông người từng diễn ra trên địa bàn phường, nhưng lại xuất phát từ các đơn vị có trụ sở đóng trên địa bàn. Có đơn thư lại bắt nguồn từ sự bất hòa trong nội bộ nhân dân, trong đó đầu mối gây bất ổn lại là đảng viên, cán bộ cơ sở…

Những “ca khó” này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền phải nhanh chóng phân tích, nắm bắt nguyên nhân, kịp thời đưa ra hướng giải quyết dứt điểm, nếu không sẽ khó có thể giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Bí thư Đảng ủy phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) Nguyễn Bách Lợi nêu ý kiến, hiện đội ngũ các tổ trưởng tổ dân vận đều là các bác, các đồng chí giàu kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, có uy tín trong cộng đồng, nhưng đa phần đều đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Việc xây dựng đội ngũ kế cận với trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cần được tính đến nhằm duy trì sợi dây liên kết bền chặt giữa Đảng với nhân dân.

Lôi cuốn, thuyết phục nhân dân để giải quyết việc khó

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài báo “Dân vận” đăng ngày 15-10-1949 trên Báo Sự thật: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh...”, cán bộ dân vận ở cơ sở của Hà Nội bằng chính những việc làm thiết thực, cụ thể của mình đã lôi cuốn, thuyết phục nhân dân cùng hoàn thành những nhiệm vụ khó.

Trở lại với câu chuyện giải phóng mặt bằng ở phường Phương Liệt, để thực hiện dự án xây dựng đường Vành đai 2 (đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở), quận Thanh Xuân phải thu hồi đất của 64 hộ gia đình và 1 tổ chức thuộc địa bàn tổ dân phố số 1, phường Phương Liệt. Trong khi công tác giải phóng mặt bằng còn bộn bề, mức giá đền bù của dự án chỉ ở mức hơn 85 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều so với thị trường đã khiến dự án có thời điểm rơi vào đình trệ.

Trong khó khăn đó, Bí thư chi bộ tổ dân phố số 1 phường Phương Liệt Nguyễn Văn Đỉnh đã là người đầu tiên phá dỡ nhà của gia đình để giao mặt bằng cho dự án.

“Sau 4 lần mở rộng đường Trường Chinh, Giải Phóng, diện tích đất và nhà ở của gia đình tôi từ hơn 1.000m2 nay chỉ còn 18m2. Cá nhân tôi rất thấu hiểu tâm tư của bà con nên khi vận động, tôi luôn khẳng định: Sự hy sinh một phần lợi ích riêng để phục vụ mục tiêu chung xây dựng Thủ đô khang trang, sạch đẹp là hoàn toàn xứng đáng” - ông Nguyễn Văn Đỉnh chia sẻ.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Phương Liệt Lê Trung Hiếu cho biết, dù người dân đã đồng thuận giao nhà, nhưng với tinh thần trách nhiệm của một đảng viên 60 năm tuổi Đảng, ông Đỉnh vẫn đề xuất với cấp trên để bà con đón Tết Nguyên đán 2019 trọn vẹn rồi mới phá dỡ nhà, bàn giao mặt bằng.

Đề xuất này đã được lãnh đạo quận đồng tình, nhất trí, được người dân trong tổ dân phố đánh giá cao. Chính sự gương mẫu, thấu cảm với nhân dân của ông Đỉnh đã khiến nhiều hộ dân hiểu được ý nghĩa của dự án, đồng thuận bàn giao nhà, đất, không hộ nào phải cưỡng chế. Đây cũng là bài học quý với những người làm công tác dân vận ở cơ sở.

Trong khi đó, một trong những giải pháp để gỡ khó cho quá trình thực hiện công tác dân vận tại cơ sở, Bí thư Đảng ủy phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) Nguyễn Bách Lợi đề xuất: “Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân vận trẻ, chúng tôi mong muốn thành phố nghiên cứu dành khoản phụ cấp thỏa đáng cho chức danh tổ trưởng tổ dân vận. Bởi hiện nay, chức danh này đều là cán bộ cơ sở kiêm nhiệm, khối lượng công việc khá nặng nhưng không có phụ cấp trách nhiệm…". 

Dù còn khó khăn, nhưng những cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở, hằng ngày, hằng giờ luôn bám sát đời sống nhân dân như ông Nguyễn Văn Đỉnh, ông Trần Thanh Viên và nhiều người khác chúng tôi gặp đều khẳng định quyết tâm nỗ lực vượt khó để không phụ sự tín nhiệm của Đảng, niềm tin của nhân dân, âm thầm đóng góp, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại…

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Nỗ lực vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.