Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội

Phong Thu| 27/08/2019 09:04

(HNMO) - Sáng 27-8, tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị.

Cùng tham gia đoàn giám sát có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành trung ương.

Về phía thành phố Hà Nội tiếp và làm việc với đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Huyền Mai cùng đại diện các sở, ban, ngành.

Phát biểu mở đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14-6-2019 về thành lập Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em", Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND thành phố Hà Nội. Đợt giám sát nhằm tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố.

Đồng chí Uông Chu Lưu nhấn mạnh, yêu cầu quan trọng đặt ra là phải đánh giá đúng, đầy đủ, khách quan những kết quả đạt được cùng khó khăn, vướng mắc cũng như làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Từ đó xác định rõ nguyên nhân hạn chế, bất cập trong công tác này và đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới để thực hiện đúng tinh thần bảo vệ, chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của cơ quan chuyên trách mà của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị.

Không có trẻ em đang trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường

Báo cáo với Đoàn giám sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, tính đến ngày 30-6-2019, Hà Nội có 1.852.454 trẻ em, chiếm 24,9% dân số. Trong đó, 12.533 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em; 54.545 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Số trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội (cha mẹ ly hôn, bạo lực gia đình...) là 2.154 em.

Trên địa bàn Hà Nội, không có trẻ em đang trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường, phải tham gia lao động trái pháp luật; không có trẻ em bỏ nhà đi lang thang, không có nơi cư trú ổn định.

Tính từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019, trên địa bàn thành phố có 322 trẻ bị xâm hại với các hình thức khác nhau. Điều đó cho thấy, tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp.

Cũng theo báo cáo, thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo, liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Thành phố yêu cầu UBND các địa phương xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em nghiêm trọng có trách nhiệm báo cáo ngay sau khi vụ việc xảy ra và báo cáo bằng văn bản về kết quả giải quyết chậm nhất sau 3 ngày vụ việc được phát hiện.

Công tác hỗ trợ, can thiệp khi trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại được quan tâm. Trẻ em trong các vụ việc xâm hại đều được đánh giá, xác định mức độ tổn thương, các vấn đề cần can thiệp hỗ trợ và lập kế hoạch can thiệp, hỗ trợ.

Bên cạnh đó, UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn” và xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em. Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã; 540/584 xã, phường, thị trấn đã có quyết định thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác trẻ em. Tính đến hết tháng 6-2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.694 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, đồng thời nêu một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Trong đó, thành phố tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các kế hoạch, chương trình, đề án của Chính phủ và thành phố về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong việc tiếp nhận, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, các điểm tư vấn tại cộng đồng và trường học; củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em các cấp, đặc biệt là củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tại các thôn, xóm, tổ dân cư…

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung trả lời một số nội dung Đoàn giám sát quan tâm

Chăm sóc và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành

Sau khi nghe trao đổi của các thành viên Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp trả lời một số nội dung Đoàn giám sát quan tâm.

Chủ tịch UBND thành phố cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố có 10.916 cộng tác viên làm công tác trẻ em. Con số này, nếu so với số trẻ em trên địa bàn thành phố thì không nhiều. Nhưng ngoài các cộng tác viên được đào tạo chuyên môn về phòng, chống xâm hại trẻ em thì công tác này luôn được quan tâm và nhận được sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, từ các cấp, các ngành, những người làm công tác giáo dục đến cha mẹ học sinh và toàn xã hội.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Chung, những năm gần đây, công tác bảo vệ trẻ em được báo chí, truyền thông chú ý và thông tin công khai. Mặc dù vẫn còn tỷ lệ nhỏ trẻ bị xâm hại chưa được biết đến do tâm lý gia đình e ngại không cung cấp thông tin, song, nhìn chung, các vụ việc được thông tin rất kịp thời.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, chăm sóc và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Chính sách về trẻ em luôn được lồng ghép với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em hằng năm đều được đưa vào các nghị quyết chung, được báo cáo thường xuyên trong các kỳ họp HĐND cuối năm.

Tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, đồng chí cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết và nghiên cứu nâng cấp lên thành nghị quyết riêng của HĐND về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.   

Đối với công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, mặc dù khu vực nội thành còn khó khăn về quỹ đất nhưng trong những năm qua, thành phố đã thu hồi một số trụ sở để xây trường học. Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2020, cơ bản giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp.

Cùng với đó, các thiết chế văn hóa dành cho trẻ em luôn được chú trọng. Thành phố yêu cầu tất cả các nhà cao tầng đều phải đầu tư thiết chế văn hóa cho trẻ; lắp trang thiết bị vui chơi trẻ em tại các khu tập thể, chung cư; khuyến khích đầu tư xã hội hóa các khu vui chơi trẻ em; mỗi điểm trường đều phải có thiết chế văn hóa cho học sinh…

Chiều nay (27-8), Đoàn giám sát của Quốc hội tiếp tục làm việc với UBND thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.