Chính trị

Chúng con bên giấc ngủ của Người

Ngô Hương - Bảo Hân 02/09/2019 14:30

Trong ngôi nhà Người đang yên giấc, có những chiến sĩ, thầy thuốc đang đảm trách công việc hết sức thiêng liêng để gìn giữ lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác; cũng có những hướng dẫn viên niềm nở đón khách về thăm hay các chiến sĩ tiêu binh danh dự ngày đêm trang nghiêm đứng gác… Và cũng có nhiệm vụ “tuyệt mật” sau 50 năm mới được tiết lộ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là để tên tuổi, hình ảnh, sự nghiệp vĩ đại và công lao to lớn của Người mãi mãi khắc ghi vào con tim, khối óc của mỗi người dân đất Việt, mãi mãi là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết dân tộc, thống nhất đất nước.

Cũng nhờ công tác chuẩn bị được tiến hành chủ động và tích cực nên ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tổ y tế đặc biệt cùng với các chuyên gia của Phòng Thí nghiệm Lăng Lênin (Liên Xô) đã triển khai kịp thời công tác y tế giữ gìn thi hài phục vụ lễ viếng của nhân dân và bạn bè quốc tế tại Quảng trường Ba Đình từ ngày 6 đến ngày 9-9-1969. 

“Ngày kết thúc Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội cũng là thời điểm bắt đầu nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác lâu dài. Trong khoảng thời gian từ năm 1969 đến 1975, thi hài Bác đã 6 lần được di chuyển đến những vị trí sơ tán khác nhau để bảo đảm tuyệt đối an toàn trong điều kiện chiến tranh ác liệt” - Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vận, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học giữ gìn thi hài với phiên hiệu là Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bồi hồi nhớ lại.

Chuyến đi thứ sáu, cũng là chuyến đi cuối cùng vào ngày 18-7-1975, thi hài Bác được Bộ Chính trị quyết định đón về Lăng trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Và bắt đầu từ ngày 29-8-1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngôi nhà vĩnh hằng của Người, chính thức rộng cửa đón nhân dân trong nước và khách quốc tế đến thăm viếng.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm việc với chuyên gia y tế Liên Xô sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. (Ảnh tư liệu)

Theo Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vận, hàng loạt vấn đề được đặt ra như thời gian thăm viếng, chế độ chiếu sáng, quy trình y tế chăm sóc thi hài, chế độ vệ sinh vô trùng và bảo đảm thông số môi trường… được Viện 69 và các cơ quan biên soạn. Nhờ tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia Liên Xô, đồng thời xuất phát từ điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam, Viện đã biên soạn, tổ chức các quy trình, chế độ thực hiện nghiêm túc và ngày càng hoàn thiện với phương châm: Thận trọng, tỉ mỉ, chính xác.

Nói đến nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể không nói đến sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả cao của Đảng, Chính phủ, nhân dân Liên Xô trước đây và các nhà khoa học Liên bang Nga ngày nay. Từ năm 1992, phương thức hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu y sinh Matxcơva đã được thiết lập. Một trong những kết quả nổi bật của sự hợp tác đó là việc pha chế, phân tích, kiểm tra, đánh giá dung dịch đặc biệt đã được thực hiện tại Viện từ năm 2004 đến nay. Nhất là bộ quần áo đặc biệt đã được chủ động sản xuất, chuyển giao trong nước thay thế cho việc hàng năm trước đó phải nhập khẩu từ Liên bang Nga.

“Trước đây vấn đề này được coi là bí quyết công nghệ của bạn nhưng bằng tất cả lòng kính yêu với Bác, tập thể cán bộ, chiến sĩ của Viện đã nỗ lực vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vận tự hào nêu.

Cán bộ, nhân viên Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ.

Ngày 29-8, GS.TS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Hội đồng khoa học y tế cấp nhà nước về kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc kết luận của Hội đồng: “Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 50 năm đang được giữ gìn rất tốt, chưa phát hiện sự thay đổi nào so với các số liệu trong biên bản kiểm tra thi hài của các hội đồng trước đây”.

Trong 50 năm qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội đồng khoa học y tế cấp nhà nước về kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hội đồng sau khi xem xét cụ thể, tỉ mỉ đều đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ổn định, hình dạng chung và những nét đặc trưng sinh thời được giữ gìn nguyên vẹn.

Theo nhận xét của Giáo sư, Viện sỹ Lôpukhin, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Matxcơva số 2 thì thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được gìn giữ ở mức tốt nhất trên thế giới hiện nay.

Những đánh giá, nhận xét đó chính là phần thưởng vô giá đối với tập thể Viện 69 qua các thời kỳ. 50 năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ của Viện đã và đang cống hiến hết mình cho nhiệm vụ vẻ vang được giao phó, với niềm vinh dự, tự hào và tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Bác. Thế hệ sau trân trọng, chắt chiu thành quả của thế hệ trước để lại, đoàn kết một lòng, thể hiện quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác.



Đón khách tại số 8 Hùng Vương

Sinh ra khi đất nước đã thống nhất, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng như bao thanh niên đồng lứa khác, hình ảnh Bác luôn ngự trị trong tim chị Cao Thị Hải Yến. Và cho đến hôm nay, tình cảm đó, hình ảnh đó càng thấm đượm khi chị vinh dự được ở gần Bác, đón triệu triệu người dân đất Việt về thăm viếng Người. 

Từ 6h30 hằng ngày, tại Nhà khách số 8 Hùng Vương, chị Yến cùng các cán bộ, nhân viên Ban Đón tiếp tuyên truyền (Văn phòng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã bắt đầu công việc trong ngày như đón tiếp các đoàn khách, chuẩn bị vòng hoa viếng, tiếp nhận đăng ký của các đoàn, cấp giấy hẹn... Những công việc họ làm tưởng như đơn giản, nhưng với số lượng đoàn khách về viếng Bác nhiều thì chỉ cần một chút mất tập trung sẽ xảy ra nhầm lẫn. Ý thức được điều đó, chị Yến luôn đặt sự tập trung và trách nhiệm với công việc lên cao nhất. 

Các đoàn khách xem phim tư liệu "Những phút cuối đời của Bác Hồ".

Cổng số 8 Hùng Vương là nơi tiếp đón các đoàn khách ngoại giao, người có công với cách mạng, các tổ chức chính trị - xã hội… Những đoàn khách này sẽ được nghe giới thiệu về nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình Lăng và các thước phim tư liệu quý giá.

Càng vào những ngày lễ tết, đặc biệt là vào dịp Quốc khánh 2-9, công việc của chị Yến cũng như mọi người trong Ban Đón tiếp tuyên truyền càng nhiều. Nhưng chị Yến và mọi người đều ý thức được với mỗi đoàn khách mình tiếp, từ trẻ nhỏ đến người già, có thể đây là lần đầu tiên họ về thăm viếng Bác với tất cả lòng thành kính nên cách đón tiếp, giới thiệu, truyền đạt phải luôn giữ được sự tươi mới và đặc biệt là tình yêu dành cho Bác.

Còn với Thượng úy Bùi Thị Hoa, do nhà xa, cách Lăng Bác hơn chục cây số nên để bảo đảm đúng thời gian làm việc, từ 5h30 hằng ngày chị đã ra khỏi nhà. Để giúp chị toàn tâm toàn ý, hoàn thành tốt công việc, ông bà, người thân trong gia đình luôn ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ công việc nhà cho chị. Cũng giống với chị Yến, dù công việc mang tính lặp lại hằng ngày nhưng chị Hoa tuyệt đối không để mình “chai” cảm xúc. Chị cùng đồng nghiệp tìm những bí quyết “thổi hồn” vào bài thuyết minh. Vào buổi chiều hôm trước, chị Hoa thường xem danh sách các đoàn đăng ký vào Lăng viếng Bác trong ngày hôm sau. Từ đó, chị tìm hiểu thêm về địa phương nơi đoàn đến, đặc biệt là những nơi Bác Hồ đã từng về thăm. Những kỷ niệm với Bác khi được gợi lại, lồng vào bài thuyết minh khiến cho những người về thăm Bác hiểu rõ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Yêu Bác, học theo Bác, tập thể cán bộ, công nhân viên của Ban luôn nhắc nhở nhau phải tự học tập, trau dồi kiến thức, rèn từ cách đi dáng đứng cho đến giọng nói, nụ cười để sao cho bất cứ người dân nào về với Bác cũng cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp và thân thuộc trong căn nhà của Người. 

Với tình yêu dành cho Bác, chị Cao Thị Hải Yến luôn đặt sự tập trung và trách nhiệm và công việc đang làm.

Càng làm việc, họ càng hiểu hơn về Bác, cảm nhận được sự kính trọng và tình cảm của bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước dành cho Bác. “Khi nghe giới thiệu về công tác bảo quản thi hài Bác hay xem phim tư liệu “Những phút cuối đời Bác Hồ”, các đoàn khách đều rưng rưng xúc động. Và hầu như ở đoàn nào cũng có người khóc. Tôi luôn phải kìm nén để không xúc động theo, có thể tiếp tục hoàn thành công việc đón khách của mình”, chị Yến kể.

Và tình cảm của những đoàn khách tới viếng Bác dành cho đội ngũ đón tiếp chính là món quà quý giá họ nhận lại mỗi ngày. Chị Yến, chị Hoa đều hạnh phúc khi vào mỗi dịp lễ tết lại nhận được những cuộc gọi thăm hỏi, động viên tình cảm của những vị khách dù chỉ được nghe các chị thuyết minh một lần. 

Với tất cả lòng kính trọng và tình yêu với Bác, tập thể Ban Đón tiếp tuyên truyền mỗi ngày càng thêm tự hào và gắn bó với công việc của mình. 365 ngày trong một năm luôn là những ngày tràn ngập niềm hạnh phúc vì họ được chứng kiến tình cảm “bốn phương tụ về Ba Đình”.

Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn cho hơn 57 triệu lượt người về viếng Bác.

Nhiệm vụ thường xuyên của Đội Tiêu binh danh dự Đoàn 275 là bảo đảm an ninh, túc trực thi hài Bác trong thời gian diễn ra lễ viếng và tiêu binh danh dự tại cửa chính Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hằng ngày, Đội thực hiện nghi lễ thượng cờ và hạ cờ trước Lăng. Quân số 34 chiến sĩ, tượng trưng cho 34 đội viên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của QĐND Việt Nam.


Chiến sĩ tiêu binh canh giấc ngủ cho Người

 “Vinh quang con đứng bên Người. Canh cho Bác ngủ ngon giấc. Trên môi như Bác vẫn cười. Bác vui vì khắp non sông cháu con trở về sum vầy...” - Bài hát “Chúng con bên giấc ngủ của Người” của nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước trở thành bài hát truyền thống đầy tự hào của người lính tiêu binh. Mỗi khi nền nhạc cất lên các anh luôn thấy tràn đầy niềm kiêu hãnh. Điều này cũng dễ hiểu, bởi không phải người lính nào cũng được vinh dự, tự hào khi được bên Bác mỗi ngày. 

Thiếu tá Nguyễn Dự Long, Đội trưởng Đội Tiêu binh danh dự Đoàn 275 (Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) cho biết, với người chiến sĩ này, mỗi ngày làm việc bên Lăng Bác như thêm trưởng thành khi chứng kiến tình cảm thiêng liêng người dân cả nước dành cho Người. Có lần, đoàn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng từ miền Nam ra thăm Lăng Bác, các Mẹ tuổi cao sức yếu, nhiều Mẹ phải ngồi xe lăn nhưng đã cố gắng vượt cả ngàn cây số, bất chấp thời tiết nắng nóng để ra Thủ đô. “Tôi đón các Mẹ, nghe các Mẹ khóc không thành lời và nói: "Vậy là má mãn nguyện rồi!” thì thấy thương các Mẹ quá! Bởi với nhiều Mẹ, đó có thể là lần cuối được ra thăm Bác”, Thiếu tá Long kể. 

Có những lúc nước mắt anh và đồng đội đã trào dâng. Đó là thời khắc thiêng liêng thượng cờ trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đi trong nền nhạc hùng tráng “Tiến bước dưới quân kỳ”, người lính tiêu binh luôn cảm thấy ấm áp khi người dân Thủ đô, "nam phụ hay lão ấu", đều đứng nghiêm hướng về lá cờ Tổ quốc tung bay trên Quảng trường Ba Đình. Theo Thiếu tá Long, dù nghi thức thượng cờ diễn ra hằng ngày nhưng mỗi lần thực hiện nhiệm vụ, các anh tràn đầy lòng kiêu hãnh. Vì các anh biết, trước mặt các anh là Tổ quốc thiêng liêng, sau lưng các anh là đồng bào thân quý.

Thiếu tá Nguyễn Dự Long còn nhớ, vào một ngày trời rét tháng 11-2016, đơn vị thực hiện nghi lễ thượng cờ trong khi anh đảm nhiệm trực ban tác chiến. Rất nhiều người dân đến xem nghi lễ. Khi tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng vang lên, trong giây phút thiêng liêng ấy, hình ảnh đoàn người trong trang phục thanh niên xung phong đứng nghiêm trang giơ tay chào, ánh mắt hướng về lá cờ Tổ quốc, khiến anh vô cùng xúc động, cảm nhận sâu sắc, rõ nét hơn nữa về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, lòng yêu nước của nhân dân ta. Hình ảnh đó in sâu trong tâm trí anh cho đến tận bây giờ, luôn thúc giục, động viện anh nỗ lực, cống hiến nhiều hơn nữa, góp phần thực hiện các nghi lễ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được trang trọng và thiêng liêng nhất.

Thiếu tá Nguyễn Dự Long cho biết, để được đứng trong hàng ngũ Đội Tiêu binh danh dự là điều không hề đơn giản. Các chiến sĩ phải có đạo đức, phẩm chất tốt, có bản lĩnh, tâm lý vững vàng, có thể lực, quân dung đẹp, ngoại hình cân đối, chiều cao tối thiểu 1m75... Sau khi được tuyển chọn từ các địa phương về các chiến sĩ phải qua một khóa học tập và rèn luyện theo chương trình huấn luyện chung của toàn quân. Sau đó những chiến sĩ có đủ các tiêu chuẩn sẽ được chọn vào Đội Tiêu binh. 

Tiếp đến, các chiến sĩ này được huấn luyện chuyên sâu theo tiêu chuẩn người chiến sĩ tiêu binh làm nhiệm vụ ở Lăng Bác, như cách xưng hô, chào hỏi, cách thể hiện khuôn dung, nét mặt, thực hiện điều lệnh đội ngũ, tập đứng nghiêm…

Trở thành chiến sĩ tiêu binh canh gác bên Người luôn là niềm tự hào với các anh (Thiếu tá Nguyễn Dự Long góc trên bên trái, chiến sĩ Bùi Văn Hiệp góc dưới bên trái).

Theo Ban Quản lý Lăng, từ ngày mở cửa Lăng (ngày 29-8-1975 đến hết tháng 2-2018), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn cho hơn 57 triệu lượt người, trong đó có 9,7 triệu lượt khách quốc tế và hơn 200 đoàn nguyên thủ quốc gia đến viếng Bác

 “Khi đứng gác, các chiến sĩ tiêu binh phải đứng thẳng người, đầu ngay, miệng ngậm, hạn chế chớp mắt, khuôn mặt nghiêm trang và thành kính, dù kiến cắn, muỗi đốt vẫn phải đứng nghiêm”, Đội trưởng Đội Tiêu binh danh dự nói. Mỗi ca đứng gác trước cửa Lăng là 60 phút và túc trực bên thi hài Bác là 30 phút. Nhưng để đứng được như thế, các chiến sĩ tiêu binh phải luyện tập đứng từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ liên tục trong mọi điều kiện thời tiết.

“Tuy nhiên, quan trọng nhất trong huấn luyện chiến sĩ tiêu binh là huấn luyện để họ thấy được niềm vinh dự, tự hào khi ngày đêm canh giấc cho Người, được đón tiếp đồng bào trong nước và khách quốc tế đến viếng Bác, nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao. Vì vậy, khi thực hiện nhiệm vụ, tuyệt đối không để xảy ra sai sót dù là nhỏ nhất”, Thiếu tá Nguyễn Dự Long chia sẻ.

Bày tỏ niềm tự hào khi được canh giấc ngủ cho Người, chiến sĩ Bùi Văn Hiệp, Đội Tiêu binh danh dự của Đoàn 275 nói: “Cảm nhận tình cảm của đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế dành cho Bác lớn lao bao nhiêu, tôi càng cảm thấy may mắn, vinh dự, tự hào bấy nhiêu về nhiệm vụ được giao. Chính vì thế, tôi luôn tự nhủ phải quyết tâm nỗ lực rèn luyện hơn nữa để xứng đáng là người chiến sĩ cận vệ bên Bác, bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân”. 

Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình là nơi trái tim của cả nước, nơi đồng bào luôn hướng về với tất cả tấm lòng kính yêu, thành kính dành cho Bác. 50 năm qua và mãi mãi mai sau, Người vẫn sống trong tình yêu của bạn bè quốc tế và đặc biệt là triệu triệu người dân Việt Nam. Với mỗi cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Lăng Bác, việc hoàn thành tốt nhất trọng trách cao cả và thiêng liêng được giao chính là cách để thể hiện tình yêu với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chúng con bên giấc ngủ của Người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.