Chính trị

Hà Nội 65 mùa hoa

Thu Hằng 09/10/2019 11:13

65 năm xây dựng và phát triển kể từ Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2019), Hà Nội đã tạo cho mình một vóc hình “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”, xứng đáng là Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình.

Cách đây tròn 65 năm, sau thất bại tại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và phải rút quân khỏi miền Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, quân và dân Hà Nội đã chủ động chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô. Đúng 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân và dân ta hoàn toàn làm chủ thành phố. 

“Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về. Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng…” - Lời ca khúc Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao.

Sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân chia làm nhiều cánh lớn, tiến về Hà Nội. 

15h ngày 10-10-1954, hàng vạn nhân dân và các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản thành phố trang nghiêm dự Lễ chào cờ tại sân vận động Cột Cờ. Đó là lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng.

Trong lời kêu gọi gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày Hà Nội được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm, nhất trí góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: “Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh”.

Chế độ thuộc địa đã để lại những hậu quả và tàn tích rất nặng nề cho Hà Nội: Kết cấu hạ tầng nhỏ bé, lạc hậu; cơ cấu kinh tế mất cân đối nghiêm trọng, nền kinh tế thương nghiệp dịch vụ là chủ yếu, hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Tình hình sản xuất nông nghiệp của Hà Nội cũng sa sút nghiêm trọng, hàng nghìn héc-ta ruộng bị bỏ hoang, hàng vạn con trâu bò bị giết hại, các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu bị sụt lở... Thống kê trong toàn thành phố thời điểm đó có tới 77.000 người thất nghiệp, 70.000 người mù chữ; hàng vạn trẻ em lang thang, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội.

Nhờ phong trào bình dân học vụ phát triển, đến cuối năm 1958, thành phố đã xóa xong nạn mù chữ cho 98% những người từ 8 đến 50 tuổi ở nội thành và từ 12 đến 50 tuổi ở ngoại thành, phổ cập bổ túc văn hóa cho những người đã biết chữ… Đến năm 1960 trên địa bàn Thủ đô, cứ 6 người dân thì có một học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, các trường đại học lần lượt được thành lập tại Hà Nội. Năm 1955 số sinh viên Hà Nội là 1.142 người, đến năm học 1959 - 1960 số sinh viên là 7.917 người, và hơn 18.000 học sinh của 13 trường trung cấp.

Bác Hồ đến thăm giáo viên và học sinh Trường Trưng Vương (1955). Ảnh tư liệu

Sau thời kỳ khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, Hà Nội bắt tay vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và cùng cả nước chi viện hết sức mình cho miền Nam đánh Mỹ.

Rất nhiều nhà máy, khu công nghiệp ra đời, khởi đầu cho công nghiệp Hà Nội. Các khu công nghiệp lớn đầu tiên mọc lên ở Thượng Đình, Minh Khai, Yên Viên, Đông Anh. Một loạt nhà máy quốc doanh cũng theo đó hình thành: Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Thuốc lá Thăng Long, Xà phòng Hà Nội, Cao su Sao Vàng, Phân lân Văn Điển, Cơ khí Đông Anh, Mai Động…

Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ II (1961), lần thứ III (1963) đề ra nhiệm vụ phát triển kinh tế, lấy sản xuất công nghiệp (bao gồm cả thủ công nghiệp) làm trọng tâm, thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Theo đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển; các cơ sở sản xuất nhỏ, phân tán được tổ chức lại, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường. Công nghiệp của Hà Nội phát triển với nhiều ngành khác nhau: Năng lượng, cơ khí, hóa chất, dệt, chế biến thực phẩm... Giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 1965 đạt 102% kế hoạch.

Trong 10 năm đầu (1954 - 1964), Hà Nội tiến hành khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa với tinh thần tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo. Hà Nội đã từng bước xóa bỏ các tồn tại, hạn chế về mặt xã hội của một đô thị bị thực dân chiếm đóng; xóa bỏ tàn tích của chế độ bóc lột; cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh… Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa; sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế phát triển vượt bậc; đời sống nhân dân được cải thiện, nạn mù chữ được xóa hoàn toàn. Những thành tựu đó đã giúp Hà Nội cùng cả nước đương đầu thắng lợi với cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn của đế quốc Mỹ.

Từ năm 1964, đế quốc Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam và tiến hành chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc. Thủ đô Hà Nội là mục tiêu đánh phá quan trọng nhất của quân xâm lược.  

Nhằm ứng phó với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ với miền Bắc, ngày 15-8-1965 Thành ủy Hà Nội quyết định chuyển hướng xây dựng và phát triển kinh tế sang thời chiến nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp, công nghiệp và chiến đấu. Ngày 29-6-1966, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá Hà Nội và nhân dân Thủ đô trực tiếp đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ bằng không quân.

Cùng với đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng đã bùng lên mạnh mẽ trong tất cả các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Các nhà máy, xí nghiệp của thành phố mặc dù phải sơ tán, bị chia nhỏ phân tán, hoặc bị máy bay địch đánh phá ác liệt, nhưng đội ngũ công nhân vẫn dũng cảm bám máy, lao động quên mình.

Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ IV (4-1968) đánh giá: “Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, đời sống người dân Thủ đô cơ bản được giữ vững... Nhân dân thể hiện tinh thần dũng cảm, vững vàng, anh dũng trên mọi lĩnh vực, tin tưởng tuyệt đối ở Đảng và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng”.

Năm 1968, công nghiệp ở Hà Nội (gồm cả trung ương và địa phương) có 158 xí nghiệp, 328 hợp tác xã thủ công nghiệp. Đối với nông nghiệp, thành phố chủ trương đầu tư khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất. Các biện pháp kỹ thuật trong nông nghiệp được áp dụng rộng rãi, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng lên. Năm 1967, mạng lưới điện đã phục vụ tới 76 xã, có 198 hợp tác xã có máy móc chạy điện, hàng chục trạm bơm điện được xây dựng.

Công tác quy hoạch đồng ruộng, làm thủy lợi, phát triển giao thông nông thôn được đẩy mạnh. Mặc dù phần lớn lực lượng trẻ ở nông thôn đã lên đường chiến đấu, còn lại phần đông là phụ nữ, nhưng nông nghiệp Hà Nội vẫn đạt năng suất 5,16 tấn/ha, trở thành địa phương thứ hai (sau Thái Bình) vượt qua “cửa ải” 5 tấn. 

Phát huy truyền thống anh hùng bất khuất, Hà Nội bản lĩnh vững vàng, chiến đấu kiên cường góp phần làm thất bại mọi âm mưu phiêu lưu quân sự của địch. Đặc biệt, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hà Nội đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân lớn nhất của đế quốc Mỹ: Bắn rơi 32 máy bay, trong đó có 25 chiếc B.52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 2 chiếc F.111 và 5 máy bay chiến thuật làm nên chiến công lẫy lừng “Điện Biên Phủ trên không”, và cùng với phong trào đấu tranh của cả nước đã buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Trong 10 năm trực tiếp chiến đấu với giặc Mỹ, Hà Nội đã tiến hành 29 đợt tuyển quân, động viên gần 100 nghìn người con của Thủ đô cùng thế hệ trẻ cả nước “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; hơn một phần mười những người ưu tú đó đã vĩnh viễn nằm lại ở các chiến trường. 

Trong những năm tháng chiến tranh, Hà Nội thực sự là thành trì vững chắc, là hậu phương lớn, chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho những người ra trận, cho đồng bào, cán bộ, chiến sỹ ngày đêm chiến đấu ở miền Nam.

Năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tổ quốc thống nhất toàn vẹn. Tháng 7-1976, tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa VI, Quốc hội thống nhất đã quyết định lấy Hà Nội làm Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đây, Hà Nội có điều kiện thuận lợi để phát triển.

Những năm sau ngày đất nước thống nhất, Hà Nội cùng cả nước bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, tiếp tục vượt lên thử thách của khó khăn nghèo nàn để phát triển. Đến năm 1982, Hà Nội cơ bản khôi phục cơ sở vật chất bị thiệt hại trong chiến tranh.

Tính từ năm 1986, khi Đại hội Đảng lần thứ VI khẳng định đường lối đổi mới, hơn ba mươi năm qua, Hà Nội bứt phá mạnh mẽ và làm nên những điều kỳ diệu.

Tháng 7-1999, Hà Nội tự hào được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) chọn là thành phố tiêu biểu của châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 5 thành phố trên thế giới nhận giải thưởng “Thành phố vì hòa bình”. Đây là một dấu ấn đẹp của Hà Nội thời kỳ đổi mới.

Năm 2000, kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội được đón nhận danh hiệu Thủ đô Anh hùng.

Ngày 1-8-2008 là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong lịch sử phát triển của Thủ đô. Kể từ đây, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội đã trở thành một trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.

Từ một quy mô diện tích và dân số nhỏ bé (152,2 km2 với 43,7 vạn người), đến nay sau khi mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô, nay Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã với 584 xã, phường, thị trấn; diện tích 3.358,9km2, dân số hơn 8 triệu người, mang trong mình những tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn.

Trong rất nhiều văn bản pháp quy quan trọng có tầm chiến lược của thành phố như: “Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2030”, “Luật Thủ đô”, “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 - tầm nhìn đến năm 2050”... đều toát lên mục tiêu: Xây dựng Hà Nội xứng tầm vị thế là Thủ đô của cả nước, trung tâm văn hóa hàng đầu của khu vực, tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn minh.

Trên tinh thần đó, tiêu chí “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” được Hà Nội đề ra và nghiêm túc thực hiện.

Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn nhớ về Hà Nội/ Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu/ Một thời đạn bom, một thời hòa bình”…

Dẫu qua nhiều thử thách và biến cố lịch sử, Thăng Long - Hà Nội từ ngàn xưa cho đến hôm nay vẫn là nơi lắng hồn dân tộc, nơi hội tụ nhân tài và khí thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng văn hóa Việt Nam. 

Sự bồi tụ của tinh hoa, khí phách dân tộc và những giá trị nhân văn của thời đại mới đã nâng cánh cho Hà Nội vươn mình lớn dậy. 

65 năm qua, Hà Nội xứng đáng với vị thế của mình: Trung tâm hành chính - chính trị của cả nước, là trung tâm văn hóa, khoa học công nghệ và giáo dục của cả nước, là trung tâm kinh tế - dịch vụ và thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hà Nội hôm nay rực rỡ, lung linh với muôn ngàn sắc màu tỏa ra từ những cây cầu lớn bắc qua sông Hồng, từ những đại lộ mới mở, từ những khu đô thị hiện đại, những khu phố mới sáng - xanh - sạch - đẹp bên cạnh những di tích danh thắng được nâng niu, giữ gìn, tôn tạo, nhiều cơ sở công nghiệp đã và đang di dời ra khỏi nội thành… Gương mặt Hà Nội ngày càng đẹp hơn, rạng rỡ, quy mô, bề thế hơn.

Mang trong mình sứ mệnh Thủ đô, hội tụ những tiềm lực lớn, Hà Nội tiếp tục chặng đường hiện thực hóa khát vọng Thủ đô xanh, văn hiến, hiện đại. Trên “nấc thang mới” để đi đến đích, Hà Nội vẫn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức bởi sự phát triển “nóng”, cơ sở hạ tầng đô thị quá tải do cơn lốc gia tăng dân số cơ học… Thành phố cần chủ động, tích cực, sáng tạo hơn trong việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với phát triển kinh tế tri thức, xác định rõ trọng tâm phát triển kinh tế, sáng tạo các sản phẩm công nghiệp, sản phẩm du lịch đặc trưng của Thủ đô, khắc phục tốt hơn những vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp đang đặt ra như ô nhiễm môi trường, văn hóa giao thông, đô thị…, xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng là đầu tàu kinh tế, văn hóa.

Lịch sử anh hùng mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn động viên, cổ vũ mọi công dân Thủ đô nêu cao ý thức trách nhiệm, đóng góp tài lực, phấn đấu xây dựng một Hà Nội hiện đại, văn minh, xanh sạch đẹp, giàu tính nhân văn và công bằng xã hội, xứng đáng với niềm tin yêu và sự kỳ vọng của đồng bào cả nước.

Đi giữa Thủ đô trong những ngày thu tháng 10, ngắm những gương mặt tươi vui, lòng bỗng trào dâng niềm tự hào và phấn chấn, như muốn cất vang những lời ca của nhạc sĩ Phan Nhân: “Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng, của núi sông hôm nay và mai sau”…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội 65 mùa hoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.