Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV: Đáp ứng kỳ vọng của cử tri

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 09/11/2019 08:08

(HNM) - Trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, những vấn đề đặt ra đều khó, cử tri đặc biệt quan tâm, đã được Thủ tướng Chính phủ cùng 4 bộ trưởng thẳng thắn trả lời, nêu rõ mặt làm được, chưa làm được và giải pháp khắc phục… Đa số ý kiến được hỏi đều đánh giá các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra dân chủ, sôi nổi, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Các đảng viên Chi bộ 6, phường La Khê (quận Hà Đông) theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đảng viên Khổng Thúy Nga, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì: 
Lạc quan về sự phát triển bền vững

Phương châm “hỏi nhanh, đáp gọn” của phiên chất vấn đã giúp cử tri hình dung rõ những vấn đề "nóng" đang được cử tri cả nước quan tâm. Tôi tâm đắc nhất là phần báo cáo, giải trình một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trả lời các câu hỏi chất vấn của Thủ tướng Chính phủ vào chiều 8-11. 

Phát biểu trước Quốc hội, làm rõ một số vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chia sẻ nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, nhất là những khó khăn, thách thức trước mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong hơn một giờ đồng hồ trả lời chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm rõ các nội dung về xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ; tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng mô hình tăng trưởng hướng đến sự bình đẳng; xử lý những điểm nghẽn trong chính sách, pháp luật… Từ những thông tin này, từ những vấn đề được mổ xẻ, làm rõ, cử tri và nhân dân cả nước càng thêm tin tưởng và lạc quan về sự phát triển bền vững của đất nước.

Ông Cấn Văn Trung, thôn Hương Tảo, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ: 
Định hướng đúng của ngành Nông nghiệp

Là người đầu tiên đăng đàn phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trả lời rõ ràng và đầy đủ các vấn đề được đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm như: Định hướng tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo; giải pháp để tránh tình trạng “được mùa, mất giá”; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh... Trong đó, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh hai giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Theo tôi, đây chính là hai giải pháp quan trọng để đưa nền nông nghiệp đi đúng hướng và đạt giá trị thương mại cao. Nếu làm tốt việc này, tôi tin ngành Nông nghiệp sẽ có nhiều khởi sắc và người nông dân có thể làm giàu từ nông nghiệp.

Ông Trần Quốc Hưng, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy:
Người dân quan tâm hoạt động chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nhiều vấn đề trong công tác quản lý, điều hành của ngành được các đại biểu đặt ra. Bộ trưởng cũng trả lời thẳng thắn, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc xử lý, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang diễn biến phức tạp... Tôi rất quan tâm cách Bộ Công Thương đang giải quyết các vấn đề trên, đó là xử lý nghiêm trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong việc nhập khẩu các hàng hóa có hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; đặc biệt là cam kết của Bộ trưởng với các đại biểu Quốc hội và cử tri: "Sẽ làm hết trách nhiệm, chứ không phải thiếu kiên quyết hoặc có thái độ vô cảm, kiên quyết không thờ ơ".

Đảng viên Phạm Văn Dịu, Chi bộ 3, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm:
Tạo sự chuyển biến trong công tác quản lý cán bộ

Tôi đánh giá rất cao các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp này. Các nhóm vấn đề “nóng” đều được Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng làm rõ. Đơn cử, trả lời chất vấn của đại biểu về tình trạng tổ chức thi, xét nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức chưa rõ ràng, có nhiều bất cập, nhất là yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học..., Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã thẳng thắn: “Tôi thấy rất phiền hà về văn bằng, chứng chỉ”. Bộ trưởng đã nhận khuyết điểm khi để xảy ra tình trạng quy định về tiêu chuẩn văn bằng, chứng chỉ có từ năm 1993, nay vẫn chưa được sửa đổi... Tôi mong rằng, Bộ trưởng sẽ có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đảng viên Vũ Hiệp Cự, Chi bộ Cầu Đơ 5, phường Hà Cầu, quận Hà Đông: 
Làm sáng tỏ vấn đề dư luận quan tâm

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là tư lệnh ngành đăng đàn cuối cùng, trả lời về công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí; cấp - thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, đặc biệt là mạng xã hội... Về vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, Bộ trưởng khẳng định, để triển khai kinh tế số và chính phủ điện tử, điều kiện tiên quyết là bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, bởi tất cả dữ liệu, hoạt động của chúng ta đều diễn ra tại đây.

Bộ trưởng cũng khẳng định, Việt Nam không đặt mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài vì mỗi một mạng xã hội đều có tính chất, ưu điểm, mục đích khác nhau. Xây dựng mạng xã hội Việt Nam để tránh tình trạng “độc quyền” của mạng xã hội nước ngoài. Về công tác quản lý báo chí, Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận những bất cập trong việc “báo hóa các tạp chí”; báo chí xâm phạm thông tin đời tư cá nhân… và khẳng định sẽ sớm nghiên cứu, ban hành những quy định quản lý vấn đề này... 

Tôi mong rằng, thời gian tới, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ thực hiện tốt những vấn đề đang được dư luận quan tâm này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV: Đáp ứng kỳ vọng của cử tri

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.