Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị

Theo Quỳnh Hoa (TTXVN)| 22/11/2019 19:43

Ngày 22-11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TƯ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Đây là hội nghị lần thứ hai sau hội nghị được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 19-11.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Phương Hoa /TTXVN

Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TƯ chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TƯ, công tác tư pháp, cải cách tư pháp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần phát triển, bảo vệ đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có nhiều tiến bộ, từng bước hạn chế được tình trạng oan, sai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TƯ, Bộ Chính trị đã 3 lần tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết (sơ kết 3 năm, 5 năm, tổng kết 8 năm). Qua khảo sát 13 cơ quan, đơn vị ở trung ương, địa phương và báo cáo tổng kết của các cấp ủy, tổ chức Đảng cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần đánh giá, làm rõ, từ đó đề ra mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa /TTXVN

Các ý kiến tại hội nghị tập trung đánh giá kết quả nổi bật sau 15 năm thực hiện Nghị quyết; những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết; mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn 2020-2035. 

Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến việc hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp; mô hình kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu lực, hiệu quả; kiện toàn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan điều tra; về chế định hội thẩm nhân dân; về xây dựng, hoàn thiện chế định bổ trợ tư pháp; chủ trương nghiên cứu rà soát, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo, đại học chuyên ngành luật bảo đảm chất lượng đào tạo cử nhân luật theo hướng tập trung đầu mối tại các cơ sở đào tạo có chất lượng và chuyên nghiệp; về cơ chế phân bổ ngân sách đối với các chức danh tư pháp và cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp; sự lãnh đạo của Đảng và giám sát của cơ quan dân cử, giám sát nhân dân đối với hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, cải cách tư pháp là vấn đề đặc biệt hệ trọng, liên quan đến các thể chế chính trị, quyền con người, quyền công dân và sự ổn định phát triển của đất nước. Đồng chí ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết, vừa đề cập đến những vấn đề chiến lược, vừa đề cập đến những vấn đề cụ thể. 

Các ý kiến tại hội nghị đã nêu được một số vấn đề mới, trọng tâm như: Đánh giá thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TƯ, trong đó nhiều quy định mới như quyền con người, quyền tư pháp gắn với mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết và phân tích cả hình sự, dân sự để đánh giá mức độ đạt được và mục tiêu Nghị quyết đề ra một cách toàn diện. Các ý kiến đã phản ánh khái quát, đồng thời phân tích về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, cơ chế độc lập của Tòa án trong xét xử, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, cơ chế bảo vệ Hiến pháp… Nhiều ý kiến đề cập tới nguyên nhân tồn tại, hạn chế, đó là quyết tâm chưa cao trong tổ chức thực hiện, hệ thống lý luận về tư pháp chưa rành mạch; đầu tư nguồn lực chưa đảm bảo...

Về chiến lược tư pháp thời gian tới, các ý kiến thống nhất xác định rõ vai trò của cải cách tư pháp trong quyền lực nhà nước; xây dựng niềm tin vào công lý và công bằng; cơ chế kiểm soát quyền tư pháp, tiếp tục xây dựng hoàn thiện pháp luật cả về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp; xem xét những nhiệm vụ mà Nghị quyết 49-NQ/TƯ đã đề ra nhưng chưa được thực hiện để đưa vào nghị quyết mới cho phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với cải cách pháp luật. 

Đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị Tổ Biên tập Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TƯ nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, sớm hoàn thiện dự thảo Đề án, báo cáo Ban Chỉ đạo cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị theo kế hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.