Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Sẵn sàng “bấm nút” để thực hiện

Võ Lâm| 24/11/2019 07:36

(HNM) - Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội là kết quả của quá trình nghiên cứu, xây dựng công phu, bài bản, khoa học. Đây là sản phẩm trí tuệ thể hiện khát khao đổi mới của không chỉ riêng cán bộ và nhân dân Hà Nội. Đến nay, phương án nhân sự, các điều kiện pháp lý cơ bản đã được thành phố Hà Nội chuẩn bị, sẵn sàng “bấm nút” để thực hiện.

Thành phố Hà Nội đã tổ chức 8 hội thảo đóng góp ý kiến vào các nội dung của Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Trong ảnh: PGS.TS Lê Minh Thông, trợ lý Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại một hội thảo do Thành ủy Hà Nội tổ chức. Ảnh: Bá Hoạt

Sản phẩm của trí tuệ tập thể

Thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, tháng 2-2018, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo để xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Từ đó đến nay, thành phố đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn để xây dựng Đề án.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát; triển khai xây dựng 8 chuyên đề nhánh; tổ chức 8 hội thảo, trong đó có 4 hội thảo đóng góp ý kiến vào các nội dung của 8 chuyên đề, 4 hội thảo xin ý kiến lãnh đạo 30 quận, huyện, thị xã và cán bộ chủ chốt của 584 xã, phường, thị trấn của thành phố về các nội dung của Đề án. Hà Nội nhiều lần xin ý kiến các bộ, cơ quan trung ương bằng hình thức trực tiếp và văn bản; báo cáo xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ về nội dung của Đề án trước khi trình Bộ Chính trị.

“Với mục tiêu xây dựng một mô hình quản lý chính quyền đô thị thành phố Hà Nội - đô thị đặc biệt theo hướng đô thị thông minh, phù hợp với xu hướng phát triển, Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo Đề án còn tiếp thu có chọn lọc mô hình chính quyền đô thị trên thế giới thông qua việc khảo sát tại một số quốc gia; học tập kinh nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và một số địa phương khác”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ.

Không chỉ vậy, thành phố đã tiến hành rà soát thu thập số liệu phục vụ xây dựng Đề án với 88 cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương; 30 quận, huyện, thị xã; tổ chức điều tra xã hội học với hơn 7.600 phiếu tới 3 nhóm đối tượng: Cán bộ chủ chốt cấp huyện, cán bộ chủ chốt cấp xã, thôn và tổ dân phố. Các ý kiến đóng góp đều thể hiện sự đồng tình với nội dung Đề án.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng dự thảo Đề án, ngày 19-4-2019, ban hành Kết luận số 46-KL/TƯ về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Bộ Chính trị đánh giá: “Đề án được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học” và “Bộ Chính trị cơ bản đồng ý với nội dung của Đề án”.

Đáp ứng các điều kiện cần thiết

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội là phần chính yếu được xây dựng trên cơ sở chắt lọc từ Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội nêu trên. Đó chính là lý do, ngay từ các bước đầu tiên trong quy trình báo cáo với Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã được đánh giá cao. Trong báo cáo thẩm tra ngày 25-10-2019, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định: “Nội dung của dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp...”.

Trong các phiên thảo luận tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, dự thảo Nghị quyết tiếp tục đón nhận sự ủng hộ của đa số đại biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: “Qua thảo luận, đa số các vị đại biểu Quốc hội tán thành với mục tiêu, quan điểm, nội dung phạm vi thực hiện thí điểm như dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình”.

Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 14-11, có 15 ý kiến thảo luận và 3 ý kiến tranh luận. Trong đó, một số ý kiến còn băn khoăn đã được Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải trao đổi, làm rõ; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tiếp thu, giải trình; trong đó, nêu bật nội dung thành phố Hà Nội đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự, chính sách, cơ chế để khi Quốc hội thông qua sẵn sàng triển khai…

Là người theo dõi sát sao kỳ họp thứ tám, ông Ngô Bảo Lâm (Tổ dân phố 25, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) khẳng định: “Việc trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị nghiêm túc, bảo đảm khách quan, dân chủ”.

Hiện nay, dư luận xã hội, nhất là “những người trong cuộc” rất mong chờ việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Trương Quang Thiều cho biết, quận hoàn toàn ủng hộ và đã sẵn sàng tâm thế thực hiện Nghị quyết của Quốc hội… Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh: "Không tổ chức HĐND sẽ giúp toàn bộ các công việc của hệ thống hành chính ở phường như “cánh tay nối dài” của quận. Việc triển khai những nội dung chỉ đạo từ cấp quận sẽ thuận lợi, nhanh chóng, xuyên suốt và tôi tin là rất hiệu quả”.

Lãnh đạo các phường cũng sẵn sàng đón nhận Nghị quyết một khi Quốc hội thông qua. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Thượng Thanh (quận Long Biên) Phạm Thị Minh Hồng nêu rõ: "Thí điểm không tổ chức HĐND phường là xu thế tất yếu để đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Chúng tôi đã sẵn sàng tổ chức thực hiện tốt nhất chủ trương quan trọng này”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Kiệt (Tổ dân phố 11A, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) quả quyết: “Thành phố đã nghiên cứu kỹ lưỡng những tác động khi thực hiện thí điểm, nhất là bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân không bị hạn chế. Tôi mong Quốc hội thông qua Nghị quyết để kịp thực hiện ngay trong nhiệm kỳ 2021-2026”.

Có thể khẳng định, đến nay, dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội, bước cụ thể hóa Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, đã hội đủ các điều kiện cần thiết để được các đại biểu Quốc hội “bấm nút” thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Sẵn sàng “bấm nút” để thực hiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.