Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Tham gia xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ

Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Nguyễn Mạnh Hà - Đại tá Hoàng Đức Sinh| 05/03/2020 07:07

(HNM) - Xuất phát từ vị trí, vai trò trung tâm chính trị, hành chính quốc gia của Thủ đô Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội vinh dự và luôn hoàn thành trọng trách lớn lao: Tham gia xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ; bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là trong giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chống thực dân, đế quốc xâm lược và bè lũ phản động.

1. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cách mạng Việt Nam lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Chính quyền nhân dân vừa thành lập đã phải đứng trước thử thách nghiêm trọng. Dưới danh nghĩa Đồng minh thực hiện nhiệm vụ tước vũ khí và giải giáp quân đội phát xít Nhật ở Đông Dương, thực dân Anh và 20 vạn quân Tưởng kéo vào Việt Nam. Theo sau chúng là thế lực phản động “Việt Nam Quốc dân Đảng” (Việt Quốc) và “Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội” (Việt Cách) móc nối với phản động trong nước, thực hiện âm mưu và hoạt động chống phá, hòng xóa bỏ chế độ dân chủ nhân dân ngay sau khi mới thành lập. Được quân Anh tiếp tay, ngày 23-9-1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn và tìm cách vận động các nước Đồng minh (Anh, Mỹ) cho chúng đặt phái bộ ở Hà Nội, tạo chỗ đứng chân để khôi phục địa vị, quyền lợi thực dân ở miền Bắc.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phải đối phó với nhiều kẻ thù nguy hiểm trong hoàn cảnh chồng chất khó khăn, còn chịu những hậu quả nặng nề của chính sách thống trị, bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Cơ sở kinh tế quan trọng vẫn trong tay tư bản thực dân. Chính quyền mới chỉ quản lý một số xí nghiệp thiết yếu, như: Điện, nước, bưu điện, hỏa xa… Trong nội thành, công nhân thiếu việc làm, hàng hóa khan hiếm, giá cả sinh hoạt đắt đỏ. Ở ngoại thành, ruộng đất phần lớn nằm trong tay địa chủ; nạn đói khủng khiếp năm 1945 khiến làng xóm tiêu điều, kiệt quệ. Đời sống văn hóa của nhân dân lao động hết sức thấp kém, hơn 90% người dân không biết đọc, biết viết.

Trước những âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá cách mạng thâm độc, quyết liệt của kẻ thù, Đảng bộ Hà Nội quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ: Vừa xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền các cấp từ thành phố tới thôn, xóm, phố phường, nhà máy, xí nghiệp để quản lý, điều hành, duy trì hoạt động xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, vừa tham gia tổ chức bảo vệ an toàn và tạo mọi điều kiện cho Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện trọng trách lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế hiểm nghèo.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ Hà Nội được bổ sung thêm khoảng 200 cán bộ, đảng viên, nhưng cơ sở Đảng còn mỏng. Thành ủy vẫn duy trì hệ thống tổ chức bí mật và lấy danh nghĩa Thành bộ Việt Minh để hoạt động. Để bảo vệ chính quyền, lực lượng vũ trang nhân dân Thủ đô được xây dựng, củng cố, phát triển và nhanh chóng lớn mạnh. Ngoài ra, Thành ủy chủ trương phát triển mạnh mẽ các tổ chức cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, mở rộng công tác vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, đồng thời tích cực vận động công chức, trí thức, văn nghệ sĩ, tư sản dân tộc, đồng bào các tôn giáo và ngoại kiều… làm hậu thuẫn cho chính quyền. Các tổ chức quần chúng của Đảng phát triển trong mọi tầng lớp nhân dân, qua đó mặt trận đoàn kết toàn dân Thủ đô không ngừng mở rộng, tạo thành sức mạnh tổng hợp chống thù trong, giặc ngoài, giữ vững thành quả cách mạng.

Đối phó với âm mưu, hành động chống phá của kẻ thù, Thành ủy Hà Nội thông qua Thành bộ Việt Minh lãnh đạo các tổ chức chính quyền và tổ chức quần chúng tăng cường giáo dục, tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân đề cao cảnh giác, không mắc mưu khiêu khích của địch, không để xảy ra xung đột vũ trang với quân Tưởng. Ban Cán sự đảng ngoại thành tích cực lãnh đạo xây dựng ngoại thành thành vành đai cách mạng bảo vệ lực lượng của ta ở nội thành.

Khi quân Tưởng đặt chân đến Hà Nội thì chính quyền nhân dân đã được xây dựng và tổ chức quản lý, điều hành xã hội. Đảng bộ Hà Nội được Trung ương giao nhiệm vụ huy động hàng chục vạn quần chúng tham gia những cuộc mít tinh, biểu tình để biểu dương lực lượng cách mạng. Đặc biệt, ngày 14-9-1945, tướng Lư Hán, chỉ huy quân Tưởng, vừa đến Hà Nội đã chứng kiến cuộc biểu tình khổng lồ của nhân dân Thủ đô trong 5 giờ để phản đối phái bộ Anh chiếm Nam Bộ. Khi tiếp xúc với đại biểu chính quyền và nhân dân Hà Nội cùng các nhà báo, Lư Hán phải tuyên bố ủng hộ nền độc lập của Việt Nam, không đồng tình với thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam. Âm mưu gạt bỏ Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo của quân Tưởng bước đầu bị thất bại.

2. Để tránh mũi nhọn tấn công của kẻ thù, ngày 11-11-1945, Đảng ta tuyên bố “tự giải tán” và thành lập Hội những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, thực chất là rút vào hoạt động bí mật. Thực hiện chủ trương này, Thành ủy Hà Nội vừa chấp hành nghiêm chỉnh, vừa tiến hành giáo dục, tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Đồng thời, tăng cường lãnh đạo công tác mặt trận, đi sâu vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh chính trị, tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng.

Cuộc đấu tranh chính trị sâu rộng của các tầng lớp nhân dân Hà Nội đã khiến một số tên Việt Quốc, Việt Cách đầu sỏ lộ rõ mặt phản dân, hại nước. Vì thế, khi số người này tham gia vào Chính phủ liên hiệp lâm thời thì bị cô lập. Bất chấp sự chống phá quyết liệt của kẻ thù, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ở Hà Nội khóa I trong ngày 6-1-1946 vẫn thành công. Các tầng lớp nhân dân náo nức đi bỏ phiếu, biến ngày bầu cử thành ngày hội lớn biểu dương tinh thần đoàn kết, ý chí làm chủ vận mệnh đất nước của toàn dân. Đồng thời với cuộc đấu tranh với quân Tưởng và tay sai, Đảng bộ Hà Nội phát động cao trào chống Pháp cứu nước, ủng hộ, chi viện cho cuộc kháng chiến ở miền Nam. Trong đó, thanh niên khắp nội, ngoại thành nô nức tòng quân, tình nguyện tham gia vào các đoàn quân “Nam tiến” lên đường vào Nam chiến đấu.

Đặc biệt, khi Mỹ và chính quyền Tưởng Giới Thạch thỏa hiệp, để cho thực dân Pháp đưa quân ra miền Bắc, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và Chính phủ, Thành ủy Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh chính trị lên quy mô lớn hơn. Ngày 14-3-1946, khoảng 100.000 nhân dân Hà Nội mít tinh phản đối thực dân Pháp xâm lược miền Nam, đòi Chính phủ Pháp tỏ rõ thiện chí đàm phán với Chính phủ ta để giải quyết một cách hòa bình các vấn đề về Việt Nam. Ngày 27-6-1946, nhân dân toàn thành phố mít tinh, biểu tình, tổng bãi thị, bãi công phản đối thực dân Pháp vi phạm Hiệp định Sơ bộ (ký ngày 6-3-1946), đưa quân chiếm đóng Phủ Toàn quyền và mở rộng chiến tranh xâm lược ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Trong tháng 8, 9 và 10-1946, làn sóng mít tinh, biểu tình dâng lên mạnh mẽ và lan rộng khắp nội, ngoại thành.

Cùng với đấu tranh chính trị, Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang và kiên quyết đập tan âm mưu, hành động sử dụng bạo lực của kẻ thù. Ngày 12-7-1946, lực lượng công an quyết định khám xét trụ sở của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng ở số nhà 132 phố Duvigneau (nay là phố Bùi Thị Xuân), bắt những kẻ cầm đầu và toàn bộ tang chứng về việc in ấn tài liệu để chuẩn bị đảo chính. Tiếp đó, tội ác đẫm máu của thế lực phản động ở nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là Nguyễn Gia Thiều) và một số địa điểm ở các phố Quán Thánh, Hàng Than, Hàng Bún, Ngũ Xã… cũng được phơi này.

Đối mặt với những thử thách cam go, khốc liệt, để bảo vệ an toàn cho Trung ương, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống Ủy ban bảo vệ các cấp từ thành phố tới cơ sở thôn, xóm, đường phố, xí nghiệp. Thông qua Ủy ban bảo vệ, triển khai xây dựng các an toàn khu, các địa điểm bí mật ở nội, ngoại thành, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí cán bộ Trung ương, Chính phủ trong điều kiện, hoàn cảnh thường xuyên phải di chuyển nơi ở và làm việc, có những thời điểm phải di chuyển liên tục, mỗi địa điểm không quá 2 ngày. Đặc biệt, trước và trong những ngày mở đầu Toàn quốc kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội vừa tổ chức lực lượng, mạng lưới bảo đảm an toàn và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “tổng di chuyển” các cơ quan Đảng, Nhà nước, các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng ra khỏi Hà Nội, lên chiến khu Việt Bắc, đồng thời vừa duy trì các cơ sở bí mật ở nội, ngoại thành và ở các vùng lân cận.

Hoạt động đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang của Đảng bộ, quân dân Thủ đô đã làm phá sản hoàn toàn âm mưu lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh và làm thất bại thêm một bước quan trọng chủ trương chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; bảo vệ vững chắc thành quả Cách mạng Tháng Tám, tạo cơ sở tiền đề cho thắng lợi oanh liệt của các cuộc chiến tranh giải phóng, cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc về sau.

…Năm tháng qua đi, nhưng bản lĩnh cách mạng, tiên phong đi đầu, đoàn kết gắn bó và những kinh nghiệm quý báu trong cuộc đấu tranh bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh của Đảng bộ, quân dân Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám và thời gian đầu kháng chiến chống Pháp sẽ vẫn được các thế hệ hôm nay, mai sau ghi nhớ, khắc sâu, kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Tham gia xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.