Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới mạnh mẽ thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường

Mai Hữu| 26/05/2020 09:27

(HNMO) - Sáng 26-5, tiếp tục kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sau thời gian thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, đã có những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật. Trong đó, Luật hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật kịp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn; cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục, chưa chú trọng quản lý theo mục tiêu và kết quả về bảo vệ môi trường...

Bên cạnh đó, môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; ô nhiễm môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép… đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường. Nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và cam kết quốc tế mới liên quan đến môi trường cần sớm được thể chế hóa, đòi hỏi cần đổi mới tư duy, cách thức trong quản lý môi trường.

“Do vậy, đã đến lúc cần hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Dự thảo Luật bao gồm 16 chương, 186 điều, trong đó đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 đến 75 ngày. Góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: Thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về bảo vệ môi trường.

Một số điểm mới của dự thảo Luật gồm: Thanh tra, kiểm tra đột xuất về bảo vệ môi trường không cần thông báo; quy định thời hiệu xử phạt là 5 năm để phù hợp với tính chất các vi phạm về môi trường; quy định các tổ chức, cá nhân quản lý khu công cộng được “phạt” theo nội quy, quy chế về bảo vệ môi trường của khu công cộng để đạt được mục đích giáo dục, răn đe; tích hợp 6 loại giấy phép có liên quan vào một giấy phép môi trường để cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; gắn thủ tục đánh giá tác động môi trường, cấp phép với trình tự thực hiện dự án đầu tư để tạo sự thống nhất, đồng bộ; đổi mới phương thức quản lý chất thải, coi chất thải là tài nguyên để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn…

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đánh giá, tuy còn có một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và hoàn thiện, nhất là về tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tính khả thi của các chính sách, nhưng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ và đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới mạnh mẽ thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.