Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan điểm xuyên suốt lấy phòng ngừa là chính, khi phát hiện phải xử lý dứt điểm kịp thời

Hương Ly - Ảnh: Viết Thành| 23/12/2020 09:22

(HNMO) - Sáng 23-12, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng từ khi thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng (2013-2020) trên địa bàn thành phố Hà Nội; tổng kết công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng năm 2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.

Quang cảnh hội nghị.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị.

Đại biểu Trung ương dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương; đại diện lãnh đạo Vụ Địa phương (Ban Nội chính Trung ương).

Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy (khóa XVI) theo dõi hướng dẫn Đảng bộ thành phố Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy (khóa XVI).

Các đồng chí lãnh đạo trung ương và thành phố Hà Nội dự hội nghị.

Dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Hoàng Trọng Quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; Nguyễn Quang Đức, Trưởng ban Nội chính Thành ủy; Bùi Huyền Mai, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy và các đồng chí nguyên lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố…

Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội do Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức trình bày cho thấy, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, từ năm 2013 đến nay, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã ban hành 2 chương trình về phòng, chống tham nhũng; thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp làm Trưởng ban.

Cùng với việc ban hành 129 văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng… Thành ủy cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, lâu dài; chú trọng công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, lấy kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên.

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức trình bày báo cáo tại hội nghị.

Hoạt động giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thành phố Hà Nội có nhiều đổi mới. Từ năm 2013 đến tháng 6-2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã chủ trì thành lập và tham gia 243 cuộc giám sát, khảo sát; phối hợp với 9 sở, ngành và các tổ chức thành viên tổ chức 32 đoàn giám sát, tập trung vào các lĩnh vực: Y tế; quản lý sản xuất, kinh doanh; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp được tăng cường. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng. Từ 2.482 cuộc thanh tra, thành phố đã phát hiện vi phạm và kiến nghị xử lý giải quyết 2.450 tỷ đồng, 1.055ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm, rút kinh nghiệm đối với 417 tập thể, 622 cá nhân; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 42 vụ. Các cơ quan tư pháp thành phố đã thụ lý điều tra 169 vụ với 497 bị can; khởi tố 134 vụ với 444 bị can; truy tố 130 vụ với 433 bị can; xét xử 259 vụ với 838 bị cáo liên quan đến các tội về tham nhũng.

Báo cáo về công tác cải cách nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng của Thành ủy Hà Nội năm 2020 cũng cho thấy, Ban Nội chính Thành ủy đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khối nội chính và các quận, huyện, thị ủy tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm duy trì, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thành phố Hà Nội đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước diễn ra trên địa bàn Thủ đô; chủ động đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp giải quyết tốt những vụ án lớn, vụ việc phức tạp, được dư luận quan tâm; chủ động theo dõi, kịp thời xử lý những tranh chấp, khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh ở cơ sở. Công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm, chỉ đạo triển khai kịp thời…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, chia sẻ những kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao những kết quả mà thành phố Hà Nội đã đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng và nội chính, cải cách tư pháp; đồng thời tin tưởng, Hà Nội sẽ tiếp tục làm tốt công tác này, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Thành ủy Hà Nội thực hiện xuyên suốt thông qua các chương trình công tác, và sắp tới, Chương trình số 10 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) sẽ được triển khai trong quý I-2021.

“Đây có thể coi là “đặc sản” của Hà Nội, bởi rất hiếm tỉnh, thành phố nào trong cả nước có chương trình công tác toàn khóa về phòng, chống tham nhũng kéo dài xuyên suốt trong nhiều khóa như tại Thủ đô Hà Nội”, đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá.

Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội trong công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Thành ủy quan tâm, chỉ đạo thực hiện; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp được đề cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra, giám sát, điều tra, xét xử, truy tố có chuyển biến tích cực. Kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, thực hiện văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức cũng được siết chặt; nổi bật, Thành ủy Hà Nội đã đưa 50 vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng đã và đang được chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, công tác này có tác động tích cực, góp phần tạo môi trường lành mạnh cho đầu tư, kinh doanh; phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Sự phát triển mạnh mẽ của Hà Nội trong những năm qua là minh chứng rõ nét cho những hiệu quả tích cực mang lại từ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đồng chí Vương Đình Huệ cũng khẳng định, thành phố Hà Nội luôn quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm điều kiện thuận lợi để các cơ quan nội chính, tư pháp hoạt động hiệu quả; đồng thời nhấn mạnh tác động tích cực từ công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Quang Huy, nguyên Trưởng ban Nội chính Thành ủy và Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Nguyễn Thế Toàn, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy (khóa XVI) theo dõi hướng dẫn Đảng bộ thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho các tập thể có thành tích xuất sắc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.

Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác dự báo nắm tình hình, xử lý vi phạm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo..., Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ lưu ý, 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị - văn hóa - thể thao quan trọng; là năm đầu tiên triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Các cơ quan nội chính, tư pháp của thành phố cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Thành ủy về bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

“Quan điểm xuyên suốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là lấy phòng ngừa là chính, khi phát hiện phải xử lý dứt điểm kịp thời, bởi với địa bàn đặc biệt quan trọng như Thủ đô Hà Nội, khó có điều kiện để rút kinh nghiệm”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Khẳng định phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác điều tra, xét xử, thi hành án; giải quyết dứt điểm các kết luận sau thanh tra, kiểm tra gắn với xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân cố tình chây ỳ không thực hiện. Bên cạnh đó, cần có cơ chế minh bạch trong quản lý thu, chi ngân sách; cải cách hành chính; thực hiện luân chuyển cán bộ ở những vị trí nhạy cảm để phòng, chống tham nhũng vặt, tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý sử dụng đất đai, tài sản công…  

Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Quang Huy, nguyên Trưởng ban Nội chính Thành ủy; Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Nguyễn Thế Toàn, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy.

Nhân dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy cũng trao Bằng khen cho 9 tập thể, 8 cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng; 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích trong công tác nội chính năm 2020. 9 tập thể và 7 cá nhân cũng đã được UBND thành phố Hà Nội trao tặng Bằng khen.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan điểm xuyên suốt lấy phòng ngừa là chính, khi phát hiện phải xử lý dứt điểm kịp thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.