Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Thủ Đức kiện toàn các chức danh lãnh đạo

Phương Nam – Nguyễn Lê| 22/01/2021 12:27

(HNMO) – Sáng 22-1-2021, triệu tập viên Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Thủ Đức đã có quyết định triệu tập tổ chức kỳ họp thứ nhất để bầu các chức danh của HĐND, UBND theo quy định tại Điều 83, Điều 134 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đồng chí Hoàng Tùng, sinh năm 1980, được bầu làm Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức. Ảnh: Nguyên Vũ

Đồng chí Hoàng Tùng được bầu làm Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức

Thành phố Thủ Đức nằm ở phía Đông thành phố Hồ Chí Minh, giáp với các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức; có 34 phường, tổng diện tích khoảng 211 km2, dân số hơn một triệu người.

Trước đó, ngày 21-1, chính quyền địa phương các quận 2, 9 và Thủ Đức đã kết thúc nhiệm vụ của mình, chuyển giao quyền cho chính quyền thành phố Thủ Đức thực hiện.

Trong phiên họp đầu tiên, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã bầu các chức danh sau: Đồng chí Nguyễn Phước Hưng, Bí thư Quận ủy quận 2 được bầu làm Chủ tịch HĐND thành phố Thủ Đức; đồng chí Thái Mỹ Diện, Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức làm Phó Chủ tịch HĐND thành phố Thủ Đức.

Chủ tịch UBND là đồng chí Hoàng Tùng (sinh năm 1980, quê Quảng Ngãi, Thạc sĩ chuyên ngành Quy hoạch đô thị). Đồng chí Hoàng Tùng nguyên là Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè.

HĐND thành phố Thủ Đức cũng bầu các đồng chí Nguyễn Bạch Hoàng Phụng (Phó Chủ tịch UBND quận 2), Nguyễn Kỳ Phùng (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ), Nguyễn Hữu Anh Tứ (Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức) giữ chức Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức.

Theo phương án nhân sự được Sở Nội vụ trình UBND thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống cơ quan chính quyền thành phố Thủ Đức sẽ có 657 người (sau năm 2025, nhân sự của khối này giảm còn 459 người), gồm: 1 Chủ tịch, một số Phó Chủ tịch và thủ trưởng 12 đơn vị chức năng: Văn phòng HĐND và UBND; các phòng Nội vụ, Tư pháp, Tài chính - Kế hoạch, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Quản lý đô thị, Kinh tế, Thanh tra...

Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng là một cực tăng trưởng mới của thành phố Hồ Chí Minh và của cả khu vực phía Nam.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhân sự cơ quan Công an thành phố Thủ Đức đang chờ Bộ Công an phê chuẩn. Cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức đang chờ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định. Trước mắt, hệ thống cơ quan Công an và Viện Kiểm sát cũ vẫn hoạt động, dưới sự trợ giúp của Công an và Viện Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh.

Về nhân sự cơ quan Đảng, dự kiến chiều ngày 22-1, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh sẽ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Bí thư và các Phó Bí thư Thành ủy thành phố Thủ Đức.

Khối lượng công việc khổng lồ

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thành phố đang nỗ lực “chạy đua với thời gian” để hoàn thiện bộ máy tổ chức thành phố Thủ Đức theo quy định của Luật Bầu cử để kịp thời gian bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; sớm ổn định hoạt động, phục vụ người dân và phát triển kinh tế.

Thời gian qua, các cấp chính quyền và sở, ban, ngành thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết một khối lượng công việc rất lớn để thành lập thành phốThủ Đức, đảm bảo ổn định, không để xáo trộn đến cuộc sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Các cấp, các ngành thành phố Thủ Đức vẫn tiếp nhận mọi yêu cầu giải quyết công việc của người dân. Các cơ quan chức năng sáp nhập từ 3 quận về 1 đầu mối (cấp phòng) có 1 trưởng phòng và một số phó phòng. Trưởng phòng phân công ủy quyền cho các phó phòng phụ trách khu vực (khu vực 1 là quận 2, khu vực 2 là quận 9, khu vực 3 là quận Thủ Đức cũ), sử dụng cán bộ công chức, cơ sở vật chất hiện có để thực thi nhiệm vụ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh, cho biết về giấy tờ của người dân, nếu còn hiệu lực thì vẫn có giá trị sử dụng. Nếu người dân có nhu cầu chuyển đổi giấy tờ, sẽ được các cơ quan chính quyền chuyển miễn phí.

Dự kiến thành phố Thủ Đức góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hồ Chí Minh.

Về các tổ chức tôn giáo, cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm việc tại các tổ chức tôn giáo trên địa bàn các quận 2, 9 và Thủ Đức cũ để sắp xếp lại theo địa giới hành chính mới.

Về con dấu của các cơ quan chức năng thành phố Thủ Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan thông tin trong ngày 22-1, UBND thành phố và các phường thuộc thành phố Thủ Đức, văn phòng HĐND và Văn phòng đăng ký quản lý đất đai đã có con dấu hoạt động. Đến ngày 23-1, các phòng sẽ có con dấu.

Như vậy, dù thành phố Thủ Đức đã chính thức hoạt động, nhưng vẫn sẽ có một số trường hợp được sử dụng con dấu cũ của các cấp, các ngành để giải quyết công việc trước mắt trong các ngày 22 và 23-1-2021. Việc sử dụng các con dấu cũ này được kiểm soát bằng thời điểm sử dụng và nội dung sử dụng, như kiểm kê tài sản, thủ tục, quy trình chuyển giao các mặt công tác.

Dự kiến thành phố Thủ Đức góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hồ Chí Minh, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Thủ Đức kiện toàn các chức danh lãnh đạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.