Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội rộng mở cho phim tài liệu ở Mỹ

Quang Huy| 16/10/2021 18:51

(HNMCT) - Phim tài liệu là một yếu tố quan trọng của văn hóa, giải trí Mỹ. Việc có nhiều hình thức phát hành đã giúp phim tài liệu được tiêu thụ rộng rãi và thành công về mặt thương mại.

Phim tài liệu là hạng mục được yêu thích trên Netflix.

Doanh thu và danh tiếng

Với công chúng Mỹ, phim tài liệu hấp dẫn không kém gì phim truyện hay các chương trình giải trí trên truyền hình. Chẳng hạn, loạt phim tài liệu gồm 8 phần “Nhạc đồng quê” (năm 2019) của Ken Burns thu hút trung bình 6,8 triệu người xem mỗi tập trong suốt hai tuần trình chiếu trên PBS - mạng truyền thông công cộng phi lợi nhuận của Mỹ. Điều này cho thấy nhu cầu chung của khán giả đối với phim tài liệu âm nhạc mang tính văn hóa và quan điểm lịch sử.

Mặc dù không chia sẻ về dữ liệu người xem nhưng phim tài liệu phát trên các dịch vụ phát trực tuyến cũng gây được tiếng vang lớn, điển hình là các phim “Making A Murderer” (2019) của Netflix, “Justin Bieber: Seasons” (2020) phát trên YouTube... Ngoài ra, một số nền tảng còn trực tiếp đầu tư làm phim tài liệu, cho thấy nhu cầu rất cao của khán giả.

Phim tài liệu cũng có đóng góp đáng kể vào doanh thu cũng như tạo danh tiếng cho các kênh phát hành. Lifetime - một kênh chủ yếu được biết đến với chương trình thực tế và phim truyền hình tổng hợp, đã gặt hái thành công với bộ phim tài liệu được đề cử giải Emmy “Surviving R. Kelly” (2019). Bộ phim tài liệu này gồm 6 phần, tiết lộ chi tiết về lịch sử lạm dụng tình dục và bạo lực đối với phụ nữ của nghệ sĩ đoạt giải Grammy R. Kelly, đã thu hút khoảng 26 triệu lượt người xem. Một ví dụ quan trọng khác là mạng tin tức 24 giờ CNN. Năm 2018, CNN Films đã phát hành hai bộ phim tài liệu "RBG" và "Three Identical Strangers" - thu về lần lượt 14 triệu USD và 12 triệu USD tại phòng vé. Các bộ phim tài liệu của CNN đã nhận được tổng cộng 9 đề cử giải Primetime Emmy năm 2019 - thành tích thực sự ấn tượng. Chính vì sức hấp dẫn của phim tài liệu nên loại phim này luôn là một hạng mục được săn đón tại Liên hoan phim Sundance. Các nhà làm phim cũng coi đây là một kênh hiệu quả để tiếp cận các nhà phát hành. Năm 2020, bộ phim “Boys State” đã được A24 và Apple mua lại quyền phân phối với giá 12 triệu USD -  con số cao nhất tại Liên hoan phim Sundance 2020.

Sự phổ biến của thể loại phim tài liệu thúc đẩy các nhà làm phim sản xuất những bộ phim và loạt phim chất lượng cao hơn để có thể nổi bật trong một thị trường đầy cạnh tranh. Thalia Mavros, người sáng lập xưởng sản xuất phim tài liệu The Front chia sẻ rằng, trước đây, kinh phí sản xuất một bộ phim tài liệu thường rơi vào khoảng 200.000 đến 300.000 USD, tuy nhiên, hiện nay, cần 1 triệu USD để có được một sản phẩm đủ sức cạnh tranh.

Nhiều cơ hội tỏa sáng

Trong những năm gần đây, việc phân phối phim tài liệu ở Mỹ đã có sự thay đổi đáng kể. Trước đây, phim tài liệu chủ yếu được phát sóng trên các kênh truyền hình truyền thống, các kênh truyền hình cáp như National Geographic, History Channel hay HBO, Showtime... Ngày nay, các nền tảng chiếu phim xuyên biên giới theo yêu cầu như Netflix hay các mạng xã hội YouTube và Facebook Watch... cũng tham gia rất tích cực trong việc phổ biến phim tài liệu đến với khán giả.

Đặc biệt, sự gia tăng của các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, Hulu và Amazon Prime với tư cách là những “cường quốc” về nội dung sáng tạo đã tác động không nhỏ đến thị trường phim tài liệu. Những nền tảng này đang sản xuất và thu mua số lượng lớn phim tài liệu với tốc độ nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khán giả. Trong một bài thuyết trình được đưa ra tại Hội nghị “Sunny Side of the Doc” năm 2019, Giám đốc điều hành chương trình của Netflix, Diego Bunuel, tuyên bố rằng: “Hai phần ba trong số 400.000.000 khán giả của Netflix đã xem ít nhất một bộ phim tài liệu”.

Sự mở rộng của các kênh phân phối đã mang đến cho những người làm phim tài liệu nhiều cơ hội để sáng tạo và tỏa sáng. Tuy nhiên, điều này cũng đặt họ trước đòi hỏi phải lựa chọn kênh phân phối nào là phù hợp nhất để đưa “đứa con tinh thần” của mình đến với khán giả. Theo ông Courtney Sexton, Phó Chủ tịch CNN Films, khi làm phim tài liệu, các nhà làm phim thường phải cân nhắc xem một bộ phim cụ thể sẽ được phổ biến như thế nào trên CNN cũng như trên các nền tảng khác. Năm 2017, CNN Films và CNN Originals hợp tác với nền tảng SVOD Hulu để phân phối trực tuyến. Kể từ đó, CNN Films đã tiếp tục cấp phép độc quyền các bộ phim của mình cho Hulu để phát trực tuyến.

Với tiềm năng tạo ra nhiều luồng doanh thu, có thể dễ dàng hiểu rằng tại sao CNN phải xem xét cách một bộ phim sẽ phát trên nhiều nền tảng. Lựa chọn phim chiếu tại rạp, trên truyền hình cáp và phát trực tuyến theo yêu cầu là điều quan trọng để tối đa hóa tất cả các dòng doanh thu đối với phim tài liệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội rộng mở cho phim tài liệu ở Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.