Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức sống của ngành ''nghệ thuật thứ 9'' tại Pháp

Việt Nhật| 08/01/2022 18:39

(HNMCT) - Ở Pháp, truyện tranh được coi là môn “nghệ thuật thứ 9”. Với người dân Pháp, thể loại này không đơn thuần để giải trí mà còn là một phương thức biểu đạt có khả năng truyền tải bất kỳ câu chuyện nào và dành cho mọi đối tượng người đọc.

Tác phẩm truyện tranh Astérix.

Nhiều người không phải là “fan cứng” thường gắn truyện tranh với đất nước Nhật Bản, nhưng thực tế nhiều người Việt “nghiền” truyện tranh thường phân biệt “comic” là để chỉ truyện tranh của các nước Âu Mỹ, còn “manga” để gọi truyện tranh Nhật Bản.

Trên thế giới, truyện tranh có lịch sử khá lâu đời. Tại Pháp, tác giả Rodolphe Töpffer (1798 - 1846), họa sĩ người Thụy Sĩ nói tiếng Pháp, được coi là “nhà phát minh” ra truyện tranh. Ông đã sáng tác tập truyện tranh dài 30 trang với 6 ô hình một trang mang dáng dấp của một cuốn truyện tranh hiện đại. Cho đến cuối thế kỷ XIX, truyện tranh phát triển khá chậm, thường xuất hiện dưới hình thức sách tranh album dành cho người lớn hoặc trên một vài trang trong các tờ báo châm biếm. Đầu thế kỷ XX, truyện tranh bắt đầu xuất hiện trên báo, tạp chí và "nở rộ" trên một số tập san dành cho trẻ em do các nhà thờ phát hành.

Thập niên 1960 đánh dấu bước ngoặt lớn của truyện tranh Pháp với những sáng tạo đặc sắc khi xuất hiện những thể loại mới về hài kịch tình cảm, tự truyện, phóng sự... Dần dần, hài hước đã trở thành phong cách đặc trưng cho truyện tranh châu Âu sáng tác bằng tiếng Pháp với các nhân vật nổi tiếng như Lucky Luke, Astérix, Spirou, Tintin, Xì trum, Iznogoud, Tí hon thần lực... Nhiều cuốn truyện tranh, như “Những cuộc phiêu lưu của Astérix” chẳng hạn, đã trở thành hiện tượng toàn cầu được dịch sang 107 thứ tiếng và bán ra hơn 350 triệu bản.

Năm 1974, Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême được tổ chức tại Pháp. Từ đó cho đến nay, mỗi dịp đầu năm, đây là một trong những lễ hội truyện tranh lớn nhất thế giới, thu hút đông người tham dự và có nhiều giải thưởng uy tín được trao cho các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hoạt họa, truyện tranh. Liên hoan Angoulême góp phần phát hiện các tài năng sáng tạo truyện tranh mới thông qua các giải thưởng thường niên.

Năm 2006, Bảo tàng Truyện tranh Angoulême lớn nhất châu Âu được khánh thành, trưng bày khoảng 8.000 tranh vẽ và bản khắc gốc, nhiều truyện tranh Pháp và nước ngoài cùng một số hiện vật hiếm từ nửa đầu thế kỷ XIX đến ngày nay. Bảo tàng được xây dựng trên diện tích 2.400m2 từ một hầm rượu cũ bên bờ sông Charente, nối với một hiệu sách bên kia bờ sông bằng một chiếc cầu nhỏ. Cả hai nằm trong quần thể kiến trúc của thành phố quốc tế về truyện tranh và hình ảnh, hằng năm thu hút lượng lớn khách đến tham quan.

Sự ra đời của Lễ hội truyện tranh hay Bảo tàng Truyện tranh đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng đa dạng của người dân Pháp, vừa góp phần tạo hệ sinh thái cho truyện tranh Pháp càng thêm phát triển. Hiện nay, cứ 7 cuốn sách được mua ở Pháp thì có hơn một cuốn trong số đó là truyện tranh. Người Pháp coi truyện tranh là môn “nghệ thuật thứ 9”. Một lượng khá lớn độc giả Pháp nghiền truyện tranh mua đều đặn hằng năm, mong muốn sưu tầm và sở hữu các tập truyện tranh in trên giấy dẫu đã có sẵn những phiên bản truyện tranh số. Cho nên, dẫu một số ngành khác có thể bị tác động bởi cuộc cách mạng 4.0 thì ngành xuất bản truyện tranh ở Pháp vẫn đang tăng trưởng hằng năm.

Ông Thierry Vergon, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội - L'Espace, cho biết: "Từ 25 năm nay, truyện tranh Pháp có sức sống nghệ thuật to lớn nhờ sự đa dạng hóa các hình thức và thể loại. Là một trong những ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa năng động nhất, truyện tranh được người Pháp đón nhận rộng rãi, trở thành thói quen đọc sách của đông đảo người dân. Truyện tranh là mảng xuất bản đã và đang phát triển mạnh mẽ, giá trị tăng 1/3 chỉ trong 10 năm, từ 2008 đến 2018. Cách đây hai năm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp chuẩn bị khai mạc năm truyện tranh tại Pháp, khi đó ông nhắc lại rằng thành công này là của cả tác giả, nhà xuất bản, người bán sách, lễ hội, thư viện... tất cả cùng nhau dấn bước. Và rằng truyện tranh cũng kết nối đối thoại ngày càng sâu rộng với các ngành nghệ thuật khác”.

Thực vậy, truyện tranh Pháp là nguồn cảm hứng đặc biệt cho các ngành hoạt hình, điện ảnh hay video games. Đã 12 lần tập truyện Astérix được chuyển thể thành phim hoạt hình và phim điện ảnh, một công viên Astérix đã được xây dựng và mở cửa, nhiều game sáng tác xoay quanh các nhân vật trong truyện. Hay mới đây nhất, chú chó trắng có đốm ở tai Idéfix, người bạn đồng hành trung thành nhất của hai anh hùng Astérix và Obélix trong câu chuyện, không chỉ trở thành nhân vật chính trong bộ truyện tranh mới mà còn được chuyển thể thành phim hoạt hình dài tập...

Có thể nói, tại Pháp, cùng với các ngành sáng tạo hình ảnh khác, truyện tranh đã được đầu tư mạnh mẽ, bài bản, thực sự trở thành ngành công nghiệp giải trí phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sức sống của ngành ''nghệ thuật thứ 9'' tại Pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.