Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Bài học từ xứ Chùa Vàng

Quỳnh Dương| 31/07/2022 11:35

(HNMCT) - Hiện nay, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đứng trước nguy cơ bị biến dạng, mai một. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực bảo vệ bản sắc văn hóa vùng miền địa phương và chiến lược phát triển du lịch bền vững. Là một quốc gia có nhiều điệu múa cổ nằm trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể, những năm gần đây, Thái Lan đặc biệt ưu tiên xây dựng kế hoạch bảo tồn và gìn giữ những “kho báu” truyền thống này. Điệu múa Nora là một ví dụ điển hình.

Một buổi trình diễn điệu múa Nora phục vụ du khách.

Được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ, Nora gắn liền với văn hóa của người dân miền Nam Thái Lan, được gìn giữ và lưu truyền hơn 5 thế kỷ qua. Trên thực tế, Nora là hình thức nghệ thuật kết hợp giữa múa, hát và kể chuyện. Các câu chuyện xoay quanh một vị hoàng tử, người đã cố gắng giải cứu Manora - công chúa nửa người, nửa chim.

Các buổi biểu diễn Nora thậm chí có thể kéo dài đến 3 ngày. Khi biểu diễn, các vũ công mặc trang phục đính cườm, phần lưng của trang phục được dựng ngược lên trên, mô phỏng đuôi chim. Điệu múa bao gồm 12 tư thế và 17 động tác cơ bản, gây ấn tượng nhất là những cử động ngón tay vô cùng biểu cảm với bộ móng tay dài bằng bạc.

Một buổi biểu diễn Nora bao gồm những vũ điệu mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng, những vần thơ có giai điệu đẹp. Phần điệp khúc phải sử dụng sự dí dỏm trong ứng biến nhịp điệu nhanh của những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết hoặc văn học dân gian kết hợp với giai điệu âm nhạc phù hợp.

Theo các chuyên gia văn hóa, Nora không chỉ mang ý nghĩa một buổi biểu diễn đơn thuần. Điệu múa này bao hàm tín ngưỡng, nghi lễ và mối liên hệ với người phương Nam. Có 12 dòng tộc chính tại Thái Lan chịu trách nhiệm kế thừa điệu múa Nora theo phong cách riêng của từng dòng họ.

Giáo sư Pornrat Damrhung (khoa Nghệ thuật sân khấu, Trường Đại học Chulalongkorn) cho biết, ngoài những ý nghĩa nói trên, Nora quan trọng đối với người dân miền Nam Thái Lan vì điệu múa mang tính giải trí, đem lại cảm giác thư thái cho người dân sau những ngày lao động vất vả. Bên cạnh đó, điệu múa cũng truyền tải thông điệp khuyến khích mọi người làm những điều tốt đẹp. Để biểu diễn điệu múa Nora thì chỉ đam mê là không đủ. Người học múa Nora phải kiên nhẫn vì sẽ mất rất nhiều thời gian để học cách cử động cánh tay và thể hiện biểu cảm trên khuôn mặt. Đây là lý do khiến càng ngày càng có ít nghệ sĩ thật sự hiểu và biểu diễn “đúng chất” điệu múa này. Trong khi đó, các nghệ sĩ gạo cội có thể truyền thụ ngày một già đi, khiến nỗ lực bảo tồn Nora gặp không ít khó khăn.

Một trong những vấn đề khác mà Nora phải đối mặt là xu hướng hiện đại hóa điệu múa trong giới trẻ. Những bộ trang phục truyền thống được cho là rườm rà và bị cải tiến, thậm chí thay thế bằng trang phục đương đại. Cô Thanyaporn Khongkrathok (17 tuổi) cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã học múa Nora nhưng bây giờ tôi đang chọn vũ đạo mới. Tôi nghĩ rằng Nora nên được điều chỉnh để trở nên thú vị hơn. Những người biểu diễn trẻ tuổi không thực sự thích Nora truyền thống, mặc dù đây là nét văn hóa độc đáo của người phương Nam”.

Đứng trước thực trạng này, chính phủ Thái Lan đã xây dựng nhiều chương trình để bảo tồn và phát huy giá trị của điệu múa. Trước tiên, các chuyên gia được huy động để viết sách về lịch sử Nora, ý nghĩa và lợi ích của việc bảo tồn điệu múa này đối với cộng đồng địa phương. Ngoài ra, giáo trình dạy múa chi tiết kèm theo hình ảnh minh họa từng động tác cũng được soạn và xuất bản với số lượng lớn để tuyên truyền và phục vụ những ai muốn học điệu múa này.

Tại miền Nam Thái Lan, Nora được đưa vào như một phần chương trình giảng dạy của nhiều trường học. Các giáo viên cho rằng, Nora có thể giúp học sinh xây dựng tính cách và truyền đi năng lượng tích cực. Nhiều trường đại học đã tổ chức hội thảo về Nora nhằm giúp những người tham dự hiểu hơn di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này.

Đối với cộng đồng miền Nam Thái Lan, đặc biệt là tỉnh Phatthalung - nơi được coi là quê hương của điệu múa, chính quyền đã thực hiện chính sách khuyến khích các nghệ sĩ cao tuổi truyền thụ hiểu biết về điệu múa cho thế hệ trẻ và tổ chức nhiều lớp dạy múa ngay tại địa phương. Chính những nghệ sĩ được đào tạo sẽ tham gia các buổi biểu diễn trong cộng đồng để thu hút khách du lịch, qua đó cải thiện sinh kế cho các hộ gia đình.

Tháng 4 vừa qua, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Nora là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều người cho rằng, bên cạnh giá trị nghệ thuật đặc sắc, Nora còn tạo nên nét đẹp văn hóa níu chân du khách. Điệu múa này không những cần được bảo tồn mà còn cần được quảng bá rộng rãi đến bạn bè quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Bài học từ xứ Chùa Vàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.