Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện về những chiếc dép tông ở Kenya

Nhật Quang| 17/09/2022 12:48

(HNNN) - Biến những đôi tông cũ, những miếng xốp bị vất trôi bập bềnh trên những dòng sông, bãi biển thành tác phẩm nghệ thuật, Ocean Sole - một công ty ở Kenya không chỉ đưa ra giải pháp mà còn truyền cảm hứng đến rất nhiều cộng đồng trên thế giới về vấn đề bảo vệ môi trường.

Các tác phẩm của Ocean Sole truyền cảm hứng về bảo vệ môi trường.

Từ dép xỏ ngón đến kiệt tác cao su

Ocean Sole là một công ty tái chế của Kenya chuyên tạo ra những tác phẩm nghệ thuật và thời trang kỳ lạ từ những đôi dép xỏ ngón bỏ đi và các loại rác nhựa khác, những đống rác trôi dạt trên các bãi cát ven biển ở Kenya.

Bên trong xưởng có trụ sở tại Nairobi, những đôi dép cũ được tái chế và những mảnh cao su gây ô nhiễm khác được tạo thành đồ chơi động vật thủ công, những tấm rèm bắt mắt, những chiếc vòng cổ phức tạp và thậm chí cả những tác phẩm điêu khắc có kích thước như thật. Các tác phẩm vui mắt, màu sắc rực rỡ này được bán tại địa phương cũng như trong hàng chục vườn thú, thủy cung và cửa hàng ở khoảng 20 quốc gia.

Giống như ở nhiều nước đang phát triển khác, dép xỏ ngón được hàng triệu người Kenya lựa chọn. Giá cả phải chăng và tiện lợi, chúng được ưa dùng bởi cả trẻ em và người lớn cũng như rất nhiều khách du lịch đến thăm những bãi biển cát trắng ở Đông Phi. Nhưng một khi không còn sử dụng được, những đôi giày dép phổ biến ở khắp nơi cùng với rác thải nhựa ở các thành phố và làng mạc được hệ thống nước thải, sông và các tuyến đường thủy khác đưa vào bờ biển Kenya hằng năm. Nó không chỉ làm hỏng vẻ đẹp tự nhiên, môi trường mà còn là mối nguy hiểm lớn đối với động vật hoang dã sống ở đó.

Nguồn cảm hứng cho Ocean Sole đến vào năm 1997 khi Church Julie, một nhà bảo tồn biển sinh ra và lớn lên ở Kenya bắt đầu làm việc trong một dự án bảo tồn rùa biển trên hòn đảo Kiwayu gần biên giới Kenya-Somalia. Church đã tập hợp một đội thợ thủ công để biến những chiếc dép tông bị bỏ đi thành các tác phẩm điêu khắc động vật đủ kích cỡ và chủng loại, nào là voi, khỉ, tê giác... Bà cho biết: “Ô nhiễm ở tất cả các tuyến đường thủy của chúng ta là một vấn đề lớn. Các dòng sông bị tắc nghẽn bởi nhựa, cao su và nhiều thứ khác. Mọi người nói rằng đại dương là “súp nhựa”, nó thực sự là như vậy, bởi vì nhựa không biến mất, nó chỉ phân hủy thành các phần nhỏ. Cá, cá voi, cá mập đang tiêu hóa nhựa đó và sớm muộn gì nó cũng đi vào chuỗi thức ăn của chúng ta. Mục tiêu của tôi là tạo ra sự thay đổi trong cách sống của mọi người, cách mọi người hiểu thế giới và các kết nối của nó”.

Tốt hơn cho cộng đồng

Trên trang web của mình, Ocean Sole chia sẻ: “Doanh nghiệp xã hội của chúng tôi tác động tích cực đến hơn 1.000 người Kenya thông qua việc thu thập dép xỏ ngón bỏ đi cũng như việc chế tác chúng thành các tác phẩm nghệ thuật. Chúng tôi cung cấp thu nhập ổn định cho gần 100 người Kenya. Chúng tôi đặt mục tiêu tái chế một triệu dép tông mỗi năm, tái chế hơn một tấn xốp mỗi tháng và tiết kiệm hơn năm trăm cây mỗi năm - bằng cách sử dụng dép tông thay vì gỗ. Chúng tôi đóng góp 10 - 15% doanh thu của mình cho hoạt động dọn dẹp bãi biển, các chương trình dạy nghề và giáo dục cũng như các nỗ lực bảo tồn. Chúng tôi sử dụng doanh nghiệp xã hội của mình để trả thưởng cho nhân viên, đầu tư vào một chương trình phúc lợi cho phép tất cả nhân viên được tạo điều kiện chi trả cho việc giáo dục con cái, mua đất và các phương tiện khác. Hành động của chúng ta nhằm tạo ra sự khác biệt cho các đại dương và đặc tính của chúng ta là trả lại những gì chúng ta kiếm được để thay đổi cuộc sống của nhiều người - thông qua việc làm, giáo dục và bữa ăn”.

Vào năm 2000, WWF Thụy Sĩ đã đặt hàng 15.000 chiếc nhẫn hình rùa, cho phép công ty nâng cấp từ que và gai thành hạt và keo. Năm 2005, Church thành lập xưởng tại Marula Studios ở Nairobi, nơi mỗi sản phẩm đều được làm thủ công cẩn thận bởi một nghệ nhân địa phương. Năm 2006, Ocean Sole đã ủy quyền cho nhà điêu khắc người Kenya Kioko Mutiki để tạo ra một con cá voi Minke với kích thước đầy đủ từ ipops và lưới thép. Con cá voi này được trưng bày tại Công viên Haller ở Mombasa, nơi có hơn 1.000 trẻ em đến thăm mỗi tuần. Năm 2008, một con hươu cao cổ 18 foot tên là Twiga đã được vận chuyển đến Rome, Italia, để trưng bày trong Tuần lễ thời trang như một phần trong chiến dịch của Trung tâm Thương mại Quốc tế nhằm nâng cao nhận thức về đạo đức thời trang...

Ocean Sole đặt mục tiêu tái chế một triệu đôi dép xỏ ngón mỗi năm và biến chúng thành sản phẩm cao su để bán trên toàn thế giới. “Tôi nghĩ rằng, chỉ khi chúng tôi thành công về mặt thương mại, chúng tôi mới có thể thực sự thành công trong mục tiêu của mình, đó là tạo ra sự thay đổi về mặt thể chất và lối sống” - Church Julie cho biết. Các tác phẩm vui nhộn của Ocean Sole được bán ở Kenya cũng như trong hàng chục vườn thú, thủy cung và cửa hàng ở khoảng 20 quốc gia đã truyền đi thông điệp và cảm hứng về bảo vệ môi trường ra khắp thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về những chiếc dép tông ở Kenya

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.