Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sôi động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp

Hồng Sơn| 24/08/2018 06:41

(HNM) - Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đã khá phổ biến trên thế giới, nhưng chỉ mới diễn ra tại Việt Nam từ 10 năm qua. Gần đây, hoạt động này trở nên khá sôi động, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước, qua đó giá trị và số lượng thương vụ M&A thành công tăng mạnh...

Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại hệ thống Big C là những yếu tố tích cực, thúc đẩy thị trường phát triển. Ảnh: Mạnh Hà


Theo thống kê của Ban Tổ chức Diễn đàn M&A 2018, đã có 4.353 thương vụ M&A, với tổng giá trị gần 49 tỷ USD diễn ra thành công tại Việt Nam trong thời gian từ năm 2009 đến tháng 6-2018. Riêng năm 2017, tổng giá trị giao dịch, mua bán doanh nghiệp lên tới 10,2 tỷ USD, tăng tới 75% so với năm 2016 và gấp 10 lần so với năm 2009. Đặc biệt, giá trị giao dịch trong nửa đầu năm nay đạt 3,55 tỷ USD và đang hứa hẹn sẽ gặt hái kết quả đáng ghi nhận khi kết thúc năm, theo xu hướng làn sóng M&A luôn diễn ra sôi động và gia tăng mạnh mẽ vào dịp cuối năm.

Thực tế cho thấy, hoạt động M&A bao trùm nhiều lĩnh vực, ngành quan trọng như phân phối - bán lẻ, tài chính - ngân hàng, sản xuất hàng tiêu dùng, dịch vụ, bất động sản... Ban Tổ chức đánh giá, Việt Nam là thị trường mới nổi, có dân số đông, thu nhập bình quân đạt mức trung bình thế giới và đang đẩy mạnh cải cách theo định hướng kinh tế thị trường. Đặc biệt, giới đầu tư nước ngoài hiện có tâm lý không muốn chậm chân nên đang hào hứng trước việc thực hiện các thương vụ M&A để có thể nhanh chóng bước vào thị trường Việt Nam. Trong đó, thương vụ M&A quy mô lớn, tiêu biểu ghi dấu trên thị trường là việc Công ty TNHH Vietnam Beverage (Thái Lan) mua Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá gần 5 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, hoạt động M&A 2018 đang được hỗ trợ đắc lực từ một số yếu tố, điều kiện thuận lợi trong nước. Đó là, nền kinh tế Việt Nam chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% trong 6 tháng qua - mức cao nhất trong 10 năm qua. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư gia tăng niềm tin đối với kết quả cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước. Có thể nói, thị trường M&A Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để tạo nên bước ngoặt mới. Dự báo năm 2018, giá trị M&A có thể đạt 6,5 tỷ USD, bằng 63,7% so với năm 2017.

Tuy vậy, các điều kiện cần và đủ để hướng tới những vụ mùa M&A “bội thu” trong những năm tới là không đơn giản. Trước hết, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các thách thức không nhỏ do những yếu kém của nội tại nền kinh tế, cũng như những rủi ro từ tình hình thế giới. Cùng với đó là các chỉ số đo lường về sức hấp dẫn của nền kinh tế như sức mua thị trường, khả năng/tỷ lệ sinh lãi của vốn đầu tư, các chi phí liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, cơ hội tiếp cận, mở rộng sang thị trường mới... vẫn là ẩn số chưa thể lường hết đối với giới đầu tư.

Về chủ quan, việc chậm trễ của tiến độ thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước vẫn là một rào cản đối với giới đầu tư tiềm năng của M&A. Đơn cử, theo kế hoạch, năm nay cả nước phải hoàn thành cổ phần hóa 85 doanh nghiệp nhưng hiện mới thực hiện được 19 trường hợp; bên cạnh đó kết quả thoái vốn cũng chưa đạt như mong muốn.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, kết quả thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, gây ảnh hưởng đến mục tiêu chung và dồn gánh nặng cho thời gian tới. Như vậy, một khi có ít doanh nghiệp chuyển sang hình thức cổ phần hoặc được thoái vốn nhà nước sẽ là rào cản đối với việc thực hiện mục tiêu M&A của nhà đầu tư nói chung bởi vì thiếu nguồn cung đầu vào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sôi động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.