Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dồn sức phát triển doanh nghiệp

Hồng Sơn| 31/12/2018 06:56

(HNM) - Năm 2018 đánh dấu sự thành công vượt bậc của nền kinh tế, trong đó cộng đồng doanh nghiệp chính là lực lượng nòng cốt quyết định sự thành công đó.

Kiến tạo, hỗ trợ hiệu quả, tạo tiền đề dồn sức phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Chính phủ. Ảnh: Nhật Nam


Những kết quả đáng khích lệ

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018 cả nước có thêm 131.275 doanh nghiệp tư nhân đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đạt 1.478 nghìn tỷ đồng; tăng 3,5% về số doanh nghiệp, tăng 14,1% về vốn so với năm 2017. Hơn nữa, quy mô vốn trung bình của đơn vị mới thành lập cũng đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm trước.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu vĩ mô, quan trọng hàng đầu của nền kinh tế như GDP tăng 7,08%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 244 tỷ USD, tăng 13,8% so với kết quả của năm trước... là minh chứng cho sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Đây là kết quả rất đáng khích lệ, ghi đậm dấu ấn của hoạt động thu hút đầu tư từ khu vực dân doanh, thể hiện sức lan tỏa của làn sóng khởi nghiệp trên phạm vi cả nước. Sự cải thiện liên tục về môi trường đầu tư - kinh doanh đã hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực trong quá trình tham gia thị trường. Trên thực tế, làn sóng khởi nghiệp đang hình thành và duy trì liên tục trong thời gian qua.

Bà Lê Thị Trà, Giám đốc Công ty TNHH Nội thất Ivy-Home (Thanh Oai - Hà Nội) - đơn vị mới thành lập, rất hài lòng với những hỗ trợ, ưu đãi của TP Hà Nội, nhất là về sự tiện lợi cũng như rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký. Xác nhận hiệu quả phục vụ của cơ quan chức năng, ông Vũ Văn Tường, Giám đốc Công ty TNHH Eco Mobile (quận Thanh Xuân - Hà Nội) chia sẻ có ấn tượng tốt vì được thụ hưởng dịch vụ lựa chọn số tài khoản ngân hàng trực tuyến theo nhu cầu của doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho thấy, các cơ quan chức năng đang vào cuộc, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp trên diện rộng. Chất lượng phục vụ của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nhìn chung có sự chuyển biến tích cực, tác động tốt cho phát triển doanh nghiệp.

Sự vào cuộc đồng bộ

Các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã, đang đồng loạt vào cuộc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa, chủ yếu thông qua hoạt động đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Đơn cử, Bộ Công Thương công bố phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư - kinh doanh thuộc các lĩnh vực do Bộ quản lý giai đoạn 2019-2020.

Cụ thể, Bộ sẽ đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 202 điều kiện trong tổng số 561 điều kiện. Nếu thực hiện xong mục tiêu này, Bộ cắt giảm, đơn giản hóa được tổng cộng 72,1% tổng số điều kiện kinh doanh. Các ngành nghề sẽ được cắt giảm điều kiện kinh doanh thời gian tới gồm: An toàn thực phẩm; thuốc lá; rượu; hóa chất; sản xuất, nhập khẩu và bảo hành ô tô...

Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thống nhất với Tổng cục Hải quan về việc kết nối 5 thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia từ ngày 24-12-2018; nâng số lượng thủ tục hành chính của Bộ triển khai theo cơ chế này lên 11 thủ tục. Các thủ tục mới kết nối như: Thủ tục cấp phép xuất, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ, thủ tục cấp phép nhập khẩu tiền chất công nghiệp, thủ tục nhập khẩu thuốc lá nhằm mục đích phi thương mại...

Trong khi đó, Bộ Tài chính vẫn kiên trì mục tiêu thực hiện đánh giá, chấm điểm công khai về hiệu quả công tác của các đơn vị tới cán bộ, công chức nhằm bảo đảm duy trì và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Bộ thực hiện hoạt động này, đồng thời xác định một số nhóm công việc tập trung thực hiện trong thời gian tới, như hoàn thiện thể chế, chính sách, tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm thủ tục hành chính; đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa quy trình thủ tục.

Bộ Tài chính đã cắt giảm, đơn giản hóa 117 điều kiện kinh doanh thuộc 13 ngành nghề như kế toán, kiểm toán, xổ số, kinh doanh bảo hiểm...; phấn đấu đến năm 2020 sẽ có tối thiểu 90% thủ tục được áp dụng ở cấp độ 3 và 4, trên cơ sở sẽ kiên trì ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và phục vụ quá trình giải quyết yêu cầu nghiệp vụ hằng ngày, nhất là với lĩnh vực thuế và hải quan...

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, môi trường kinh doanh thời gian qua được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm cũng như còn nhiều dư địa cho cải cách, phục vụ doanh nghiệp. Phải làm cho người dân, doanh nghiệp có niềm tin vào tương lai kinh doanh, thượng tôn pháp luật, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng để phát huy hết tiềm năng, lợi thế khi tham gia thị trường cũng như có điều kiện cạnh tranh lành mạnh...

Năm 2019, doanh nghiệp vẫn sẽ là đối tượng để phục vụ, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ cũng quán triệt tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, chấm dứt việc phân bổ nguồn lực theo lối xin - cho, tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, đồng thời kiên trì mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, công tác hỗ trợ doanh nghiệp ra đời theo hướng thực chất và hiệu quả sẽ là giải pháp hàng đầu nhằm đạt tốc độ tăng trưởng nhanh. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần chủ động cải cách thể chế, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi nhất huy động tối đa nguồn lực trong dân để phát triển doanh nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dồn sức phát triển doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.