Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp: Hạt nhân kết nối

Ánh Tuyết| 12/03/2019 07:09

(HNM) - Là một trong những kế hoạch đầu tiên được triển khai liên quan đến hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo bằng nguồn ngân sách nhà nước, Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Đề án 844) trong giai đoạn 2017-2018 đã hỗ trợ thành công 29 dự án khởi nghiệp.

Người tham quan dùng thử sản phẩm thuộc khu vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại một triển lãm diễn ra vào tháng 9-2018. Ảnh: Nguyễn Thảo


Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững

Nâng cao năng lực khởi nghiệp sáng tạo là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp còn non trẻ ở Việt Nam hiện nay. Trong năm 2017 và năm 2018, nhiều dự án thuộc Đề án 844 đã được triển khai nhằm đào tạo và phát triển năng lực cho các cố vấn, nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

Nhìn lại sự hỗ trợ của Nhà nước với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo bắt đầu từ điểm mốc năm 2016, khi Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ phê duyệt Đề án 844, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết: Thông qua các nhiệm vụ liên kết, kết nối trong khuôn khổ Đề án 844, các đơn vị không chỉ góp phần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và phát triển mạnh mẽ, mà còn có được những thành công trong việc mở rộng mạng lưới, thúc đẩy hoạt động của tổ chức.

Thông qua Đề án 844, sự hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đã tạo được những điểm nhấn quan trọng. Sự kết nối với quốc tế được đánh dấu bằng việc Bộ Khoa học và Công nghệ mời được đại điện của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN - Global Entreprership Network) tới Ngày hội Đổi mới sáng tạo - Techfest. Sau sự kiện này, nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư đã lần đầu tiên vào Việt Nam và ngỏ ý hợp tác, chẳng hạn như Plug and Play (một hệ thống vườn ươm khởi nghiệp nổi tiếng ở Thung lũng Silicon) và Qualcomm, một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới về sản xuất chip.

Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc ươm tạo Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings) cho biết: Với sự kết nối từ đề án, đơn vị đã có thêm nhiều đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo cơ hội để hình thành những hợp tác liên trường, liên ngành trong lĩnh vực ươm tạo, sáng tạo công nghệ và thương mại hóa công nghệ. BK-Holdings đã tiến hành xây dựng tài liệu “Hướng dẫn Thực hành đầu tư cá nhân” và “Hướng dẫn Thực hành cố vấn khởi nghiệp”, cũng như tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo về chủ đề này. Bên cạnh đó, các chương trình kết nối giữa các cố vấn với các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đã được triển khai với chủ đề "Pitching - Gọi vốn". Chương trình giúp các nhóm start-up có thể đưa được sản phẩm ra thị trường thuận lợi cũng như có cơ hội nhận tham vấn, hỗ trợ, hướng dẫn từ các cố vấn khởi nghiệp.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là một đơn vị tích cực trong hoạt động triển khai nhiệm vụ Đề án 844 tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Nhà trường đã tổ chức điều tra nhu cầu nâng cao nhận thức về khởi nghiệp sáng tạo của 1.000 cá nhân trong trường, từ đó nghiên cứu xây dựng giáo trình môn học về khởi nghiệp sáng tạo, kiến nghị bổ sung vào chương trình đào tạo của trường.

Bên cạnh đó, bà Diệu Hằng, Phó Giám đốc Điều hành Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), đơn vị đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng được mô hình hỗ trợ khởi nghiệp tương đối toàn diện, cũng chia sẻ: Dù có bề dày kinh nghiệm trong việc hỗ trợ khởi nghiệp, BSSC khi thực hiện các nhiệm vụ năm 2018, vẫn gặp nhiều khó khăn, phải thông qua nhiều hoạt động để cung cấp kiến thức, làm thay đổi tư duy, hành động của những đối tượng cố vấn, nhà đầu tư trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…

Xác định “kim chỉ nam”

Nhận định về quá trình thực hiện Đề án 844, ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 cho biết: Các đơn vị tham gia thực hiện Đề án 844 đều là những tổ chức có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đầu tư, cố vấn, đào tạo cho khởi nghiệp cũng như đã từng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng gọi vốn thành công. Với mô hình triển khai như hiện tại, nguồn ngân sách của Nhà nước có thể được sử dụng một cách hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của xã hội cũng như làm tiền đề cho sự phát triển lớn mạnh hơn của toàn bộ hệ sinh thái nước nhà.

Từ tháng 3-2019, Ban Điều hành Đề án 844 mở đợt kêu gọi đề xuất nhiệm vụ thực hiện vào năm 2020, tập trung vào hoạt động liên kết, kết nối các thành phần thuộc hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Theo ông Phạm Dũng Nam: Các đề xuất từ đơn vị sẽ không chỉ là những gì mà đơn vị muốn làm, mà còn chính là những việc mà hệ sinh thái đang cần. Đây sẽ là “kim chỉ nam” cho việc triển khai hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước. Dự kiến danh sách đơn vị được phê duyệt thực hiện nhiệm vụ năm 2020 sẽ được công bố vào tháng 5 năm này.

Nhằm tạo sự thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, nhiều chính sách cần được khai thông để tránh tình trạng cơ chế không theo kịp tốc độ phát triển của các start-up. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ là một trong các trụ cột của khởi nghiệp bên cạnh các quỹ đầu tư, vườn ươm và những trụ cột khác trong hệ sinh thái. Chính vì vậy, cần có thêm cơ chế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho nguồn tiền dễ dàng vào Việt Nam. Khi việc đầu tư cho khởi nghiệp thành công, họ lại được phép rút vốn và chuyển vốn ra nước ngoài thuận lợi. Điều này cần có sự quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng “chảy” ngoại tệ. Ngoài ra, chính sách thuế cần tính toán để không đánh thuế các nhà đầu tư ở những dự án thất bại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp: Hạt nhân kết nối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.