Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vị thế thương hiệu Việt

Thanh Hiền| 12/06/2019 07:47

(HNM) - Qua 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của các đơn vị trong Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương đã được công nhận là “Thương hiệu mạnh”, “Thương hiệu có giá trị lớn”...


Chung tay xây dựng

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương Phạm Tấn Công cho biết: Hưởng ứng cuộc vận động, 10 năm qua, các Đảng ủy trực thuộc đã ban hành 937 văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện; chỉ đạo nghiên cứu, cải tiến, đổi mới công nghệ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế...

Các thương hiệu thuộc Vinatex đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.


Tại thị trường nội địa, mỗi doanh nghiệp trong khối đã tạo dựng thành công những thương hiệu uy tín hàng đầu quốc gia, như: Vietnam Airlines dẫn đầu ngành Hàng không, Vinatex dẫn đầu ngành May mặc; 4 ngân hàng: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank là trụ cột ngành Ngân hàng, chiếm hơn 55% thị phần; Vinafood1, VRG là các trụ cột trong ngành Nông nghiệp… Đáng chú ý, nhiều thương hiệu sản phẩm, dịch vụ đã được một số tạp chí nước ngoài công nhận là “Thương hiệu mạnh”, “Thương hiệu có giá trị lớn”,… qua đó khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, chủ trương “Các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong khối ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau” đã tận dụng được thế mạnh của mỗi đơn vị. “33/35 Đảng ủy trực thuộc đã triển khai các hoạt động ký kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực như xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất nông, lâm nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, tài chính, ngân hàng,… với 382 lượt ký kết và 4.690 hợp đồng được thực hiện có trị giá hàng triệu tỷ đồng”, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương Phạm Tấn Công khẳng định.

Điển hình, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã ký kết hợp tác toàn diện với Tổng công ty Sông Đà thực hiện hợp đồng tổng thầu xây dựng công trình thủy điện Đắk Đrinh (tỉnh Quảng Ngãi), Hủa Na (tỉnh Nghệ An). Tập đoàn Dệt may Việt Nam liên kết, hợp tác cung cấp sản phẩm đồng phục và bảo hộ lao động cho 8 đơn vị…

Đánh giá cao chủ trương này, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho rằng, việc thực hiện sát kế hoạch của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương, trên cơ sở triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện cuộc vận động là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh của tập đoàn.

Còn Tổng Giám đốc Công ty Vận tải dầu khí Việt Nam (Tập đoàn PVN) Phạm Việt Anh chia sẻ, thương hiệu các đơn vị dịch vụ trong ngành đã được khẳng định. Các đơn vị thành viên có khả năng thực hiện các dự án phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao mà trước đây phải thuê ngoài để thực hiện. Nhờ đó, thị trường sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật ngành Dầu khí không ngừng được củng cố, mở rộng cả trong và ngoài nước.

Tiếp tục nâng tầm

Trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và sắp có hiệu lực, nhiều mặt hàng nhập khẩu có thuế suất giảm xuống còn 0-5%, thị trường trong nước sẽ diễn ra cạnh tranh gay gắt. Để hàng Việt đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nước ngoài, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định của pháp luật, có chế tài đủ mạnh để giải quyết tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư phát triển khu công nghiệp chuyên ngành Dệt may có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; có chính sách phát triển, thúc đẩy ngành Công nghiệp phụ trợ dệt may.

Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc Công ty Vận tải dầu khí Việt Nam Phạm Việt Anh, để việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào chiều sâu, cần thường xuyên cập nhật danh mục và ban hành các quy định về khung đơn giá, định mức cho các loại hàng hóa, dịch vụ trong nước, để tạo thuận lợi cho chủ đầu tư trong quá trình lập, phê duyệt dự án. Đồng thời, bổ sung tên, địa chỉ… các đơn vị uy tín có các mặt hàng nằm trong danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được để cung cấp thêm thông tin cho các chủ đầu tư, nhà thầu.

Với mục tiêu “Chung tay nâng tầm thương hiệu Việt”, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị, các doanh nghiệp, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong cả nước; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt chất lượng cao.

Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước cần đặc biệt quan tâm đầu tư nhân lực, tài chính, đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát thị trường, nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước; tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển bền vững, qua đó tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, đóng góp cho quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vị thế thương hiệu Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.