Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phần đối thoại với các doanh nghiệp

Quỳnh Dương - Mai Chi| 07/11/2017 12:36

(HNMO) - Trong phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) sáng 7-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phần đối thoại, hỏi-đáp các doanh nghiệp trong nước và quốc tế về triển vọng môi trường kinh doanh Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, năm 2017, Việt Nam gặp những khó khăn nhất định nhưng vẫn hoàn thành các chỉ tiêu phát triển, đặc biệt là tăng trưởng GDP.



Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến các yếu tố: Thứ nhất, Việt Nam có sự ổn định về chính trị-xã hội. Việt Nam là một đất nước thanh bình, chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ, đồng tiền của Việt Nam được đánh giá là đồng tiền ổn định nhất khu vực.

Thứ hai, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều biện pháp cải cách, đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ, đặc biệt là cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực. Trong năm 2017, Việt Nam đã cắt bỏ trên 5.000 thủ tục hành chính mang lại lợi ích rất lớn về thời gian, chi phí và đang đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Thứ ba, Việt Nam đã chuyển từ một nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường và hiện đang thúc đẩy cải cách kinh tế hơn nữa.

Thứ tư, lần thứ hai đăng cai tổ chức APEC, Việt Nam thể hiện sự hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hội nhập, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đúng với tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động.

Trước đó, trong bài phát biểu về Cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ông Philipp Rosler, Giám đốc Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá cao những nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, những cải thiện về năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Ông Philipp Rosler mong muốn, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện để hợp tác công-tư (PPP) phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần mang lại tương lai tươi sáng cho Việt Nam, như ghi nhận qua các báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) hay WEF.

"Tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải là dầu khí, công nghệ, cơ sở hạ tầng mà chính là người dân. Và ở đây, tôi xin nói với ngài Thủ tướng, đó là giới trẻ. Khu vực tư nhân cần phối hợp với khu vực công để nâng cao năng lực cạnh tranh và đây là thông điệp của Việt Nam ngày hôm nay", ông Rosler nói.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã chúc mừng Việt Nam trong vai trò nước chủ nhà APEC, chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế ngoạn mục. Bà đánh giá cao những cải thiện gần đây của Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh và trên nhiều lĩnh vực khác, đồng thời chỉ ra một số thách thức mà Việt Nam cần phải lưu ý, như bài toán tầm nhìn quy hoạch đô thị và các vấn đề liên quan khi Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Đại diện WB cũng cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, khuyến nghị Chính phủ tiếp tục lưu ý đến phát triển hợp tác công-tư. "Chúng ta phải có cơ chế thị trường mạnh mẽ hơn; phải có sự đầu tư vào con người. Những kỹ năng của người lao động, công nghệ, cũng như tư duy của lực lượng lao động Việt Nam phải thay đổi theo xu hướng thị trường. Muốn làm được như vậy thì Việt Nam cần phải thay đổi về giáo dục".

Sáng 7-11, đại biểu VBS tập trung thảo luận các chủ đề: "Việt Nam - Đổi mới toàn diện vì phát triển bền vững" và "Việt Nam - Điểm đến thân thiện của doanh nghiệp". Nhiều diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm nhằm giúp Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế bền vững, bao trùm; đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp APEC về môi trường và cơ hội hợp tác với Việt Nam...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phần đối thoại với các doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.