Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đóng góp cho sự phát triển, thịnh vượng chung

Nguyễn Thúc| 11/09/2018 09:39

(HNMO) - Hôm nay (11-9), Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) chính thức khai mạc tại Hà Nội.


Bắt đầu tham gia Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 1989, Việt Nam luôn tích cực, chủ động và có nhiều sáng kiến nổi bật tại diễn đàn này. Sự hợp tác giữa Việt Nam và WEF được ghi nhận bằng hàng loạt chuỗi sự kiện đáng nhớ.

Năm 2010, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á (tiền thân của Hội nghị WEF ASEAN). Năm 2016, theo sáng kiến của Việt Nam, Hội nghị WEF về khu vực Mê Kông lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, kết nối và quảng bá khu vực này với các tập đoàn lớn trên thế giới.

Không dừng ở đó, Việt Nam còn tích cực tham gia các sáng kiến, hoạt động của WEF trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thương mại, cơ sở hạ tầng… qua đó, tiếp cận và tăng cường hợp tác với các tập đoàn hàng đầu của thế giới. Đến nay, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất trong khu vực Đông Nam Á được WEF ký triển khai Thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công - tư (PPP).

Đây là một nội dung hợp tác quan trọng, thực chất, theo đó WEF sẽ hỗ trợ và tư vấn cho Việt Nam nâng cao năng lực tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc thực hiện thành công thỏa thuận hợp tác với Việt Nam sẽ là hình mẫu để WEF xem xét khả năng mở rộng phạm vi áp dụng với các nước khác trong khu vực.

Có thể thấy, Hội nghị WEF ASEAN 2018 diễn ra tại Hà Nội giữa lúc tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục được đẩy mạnh, tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp, đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng sâu sắc.

Với Đông Nam Á, dự báo của Google và Quỹ Temasek (Singapore) cho thấy, nền kinh tế internet của khu vực sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 6% tổng GDP của khu vực. Đây là nền tảng thuận lợi và là thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư phát triển nhanh các mô hình kinh doanh mới ở khu vực Đông Nam Á cũng như ở Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, chủ đề của Hội nghị WEF ASEAN 2018 là “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0” được hưởng ứng tích cực, phản ánh sự quan tâm chung của các nước ASEAN và khu vực.

Là nước chủ nhà, Việt Nam đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế, từ khâu chuẩn bị đón tiếp đến chủ đề nội dung cho hội nghị lần này. Việc đưa các vấn đề như Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khởi nghiệp sáng tạo; lao động và việc làm trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển nguồn nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao... làm chủ đề nội dung được đánh giá cao.

Dự kiến, Hội nghị WEF ASEAN 2018 có 53 phiên họp chính thức và 35 phiên thảo luận, sẽ trở thành diễn đàn để các nhà lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp trong, ngoài khu vực nhìn nhận, đánh giá đúng tầm vóc cùng tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với ASEAN và khu vực. Trên cơ sở đó, các bên sẽ chia sẻ ý tưởng, tầm nhìn, các hướng đi và chính sách phù hợp nhằm khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, cũng như sự năng động của doanh nghiệp, người dân trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo thông tin từ WEF, Hội nghị WEF ASEAN 2018 sẽ đón nhiều lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và khu vực, trong đó có Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen; Tổng thống Indonesia Joko Widodo; Thủ tướng CHDCND Lào Thongloun Sisoulith; Thủ tướng Malaysia Tun Dr Mahathir bin Mohamad; Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long; Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte... cùng sự hiện diện của lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn và gần 1.000 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu.

Với khoảng 300 phóng viên quốc tế, hội nghị lần này cũng là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đổi mới, năng động; truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế thông điệp về quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta về tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nỗ lực xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo…

Có thể khẳng định rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao; sự chỉ đạo trực tiếp và sâu sát của Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như cộng đồng doanh nghiệp, chắc chắn Hội nghị WEF ASEAN 2018 sẽ thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam cũng như sự phát triển thịnh vượng chung của Cộng đồng ASEAN.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đóng góp cho sự phát triển, thịnh vượng chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.