Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam - Cầu nối hòa bình

Dương Chi| 23/02/2019 07:21

(HNM) - Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra tại Thủ đô Hà Nội các ngày 27, 28-2 tới.

Việc lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức sự kiện ngoại giao quan trọng hàng đầu thế giới này không chỉ cho thấy sự tin tưởng của hai nước Mỹ, Triều Tiên về khả năng bảo đảm hậu cần, an ninh của Việt Nam mà còn khẳng định đất nước hình chữ S như một biểu tượng của cầu nối hòa bình, một điển hình của hành trình khép lại quá khứ, vươn lên từ chiến tranh, mất mát và mở cửa hội nhập, phát triển thịnh vượng.

Đường phố Hà Nội trang hoàng chào đón Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.


Đối tác tin cậy

Thủ đô Bangkok (Thái Lan), Hà Nội và Hawaii (Mỹ) từng được nhắc đến là 3 địa điểm có khả năng được chọn để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, cuối cùng, Hà Nội được quyết định là nơi diễn ra sự kiện được cả thế giới kỳ vọng vào tuần tới.

Có nhiều lý do để Việt Nam được cả Mỹ và Triều Tiên lựa chọn. Đất nước hình chữ S đáp ứng gần như hoàn hảo tất cả tiêu chí về một nước chủ nhà cho kỳ hội nghị thượng đỉnh mà cả hai nước mong đợi. Trong những năm qua, cùng với nền chính trị ổn định, môi trường an ninh an toàn, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức thành công, an toàn tuyệt đối các hội nghị quốc tế tầm cỡ. Nhìn về tương lai, Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đang là ứng cử viên duy nhất của nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương cho vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Có thể khẳng định, Việt Nam có vai trò đáng tin cậy trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên! Việt Nam cũng nằm trong số ít quốc gia có mối quan hệ hữu nghị với cả Mỹ và Triều Tiên, đồng thời có vị trí địa lý thuận lợi cho việc di chuyển của lãnh đạo hai nước. Với việc trở thành địa điểm gặp gỡ giữa Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Việt Nam ghi thêm dấu ấn như một quốc gia giành được sự tin cậy từ các bạn bè truyền thống đến những đối tác phát triển hàng đầu thế giới. Điều này càng có ý nghĩa lớn lao khi trong quá khứ từng cần sự hỗ trợ của bên thứ ba trong tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình để kết thúc chiến tranh thì nay Việt Nam đã trở thành một cầu nối kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á và thế giới.

Sự kiện này cũng một lần nữa khẳng định thành công của chính sách Đổi mới mà Việt Nam tiến hành trong hơn 30 năm qua. Con đường đúng đắn mà Đảng lựa chọn đã trao cho đất nước những vị thế mới trong cộng đồng quốc tế và là một hình mẫu phát triển đối với nhiều quốc gia. Ông Grigory Lokshin, cán bộ nghiên cứu khoa học cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN - Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết, việc Việt Nam tổ chức hội nghị quan trọng này cho thấy đây là một quốc gia có uy tín, được tôn trọng là đối tác triển vọng của nhiều nước.

Điểm đến hòa bình

Đến nay, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Dấu mốc 20 năm của một danh xưng cao quý được quốc tế ghi nhận càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt khi “Thành phố vì hòa bình” gánh vác sứ mệnh trở thành cầu nối cho một trong những tiến trình hòa bình quan trọng nhất đối với lịch sử nhân loại.

Hàng loạt tờ báo quốc tế uy tín cho rằng, việc Mỹ và Triều Tiên chọn Hà Nội là điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh phản ánh những đánh giá tích cực về thành phố này. Trong những năm qua, Thủ đô Hà Nội đang trên đà phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, đã khẳng định được vị thế và tạo sự tin tưởng tuyệt đối về an toàn, an ninh. Những yếu tố đó giúp Hà Nội trở thành địa danh thích hợp ghi dấu sự kiện chính trị đặc biệt của thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai diễn ra vào đúng dịp 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Đây là cơ hội để Hà Nội quảng bá hình ảnh một Thủ đô yêu chuộng hòa bình, thân thiện, có nền văn hiến lâu đời, nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai là sự kiện chính trị, đối ngoại có ý nghĩa hàng đầu của đất nước trong năm 2019, thể hiện sinh động chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế và đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các vấn đề khu vực và quốc tế, qua đó góp phần giới thiệu tới bạn bè thế giới hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, TP Hà Nội thân thiện, giàu tiềm năng và đậm đà bản sắc văn hóa.

Nhấn mạnh Việt Nam sẽ làm tất cả để tổ chức tốt Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đáng tin cậy để các nước tổ chức các cuộc gặp cấp cao. Theo đại diện Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động (Bộ Công an), đơn vị được lệnh ứng trực 100% quân số từ ngày 24 đến hết 28-2, số lượng cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát cơ động và các đơn vị nghiệp vụ lên tới cả nghìn cán bộ, chiến sĩ. Quyết tâm cao nhất bảo vệ tuyệt đối an toàn hội nghị cũng đã được Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định tại hội nghị triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ an toàn Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, sự kiện hội nghị diễn ra tại Hà Nội thể hiện vị thế cao của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trên trường quốc tế. Do đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất, gấp rút chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cả về hậu cần và an ninh, khẳng định Hà Nội - Việt Nam là một điểm đến hòa bình.

Cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước

Ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Australia đánh giá, khi đón tiếp hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành tâm điểm của thế giới. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời giúp Việt Nam nâng cao vị thế, vai trò quốc tế và thể hiện chính sách đối ngoại tích cực.

Chưa khi nào địa danh Hà Nội - Việt Nam được nhắc tới với tần suất dày đặc trên truyền thông khắp thế giới như trong những ngày qua. Không chỉ tìm kiếm thông tin về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên, dư luận quốc tế còn quan tâm sát sao từng bước chuẩn bị của Việt Nam với tư cách nước chủ nhà. Khoảng 3.000 phóng viên thuộc hàng trăm hãng truyền hình, thông tấn, báo chí quốc tế có mặt tại Hà Nội để đưa tin về sự kiện này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là cơ hội quý báu để Việt Nam quảng bá tới bạn bè quốc tế hình ảnh và những thành tựu phát triển đất nước, là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, du lịch, thúc đẩy thương mại… Còn theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, việc được lựa chọn tổ chức hội nghị quan trọng này cho thấy Việt Nam tiếp tục giành được sự tin cậy chiến lược ở khu vực, đồng thời tạo điều kiện để giới thiệu về đất nước, con người, thành tựu phát triển kinh tế của đất nước.

Đất nước Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã sẵn sàng cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai với sự chuẩn bị tốt nhất trên tinh thần chu đáo, trọng thị, tạo thuận lợi tối đa cho hai đoàn đàm phán gặp gỡ, trao đổi như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh trong cuộc họp về công tác chuẩn bị cho hội nghị ngày 22-2. Với tinh thần thiện chí, xây dựng và hữu nghị, Việt Nam hy vọng hội nghị sẽ thành công tốt đẹp, mở ra những bước tiến đáng kể hướng tới hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - Cầu nối hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.