Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp các Đại sứ chào từ biệt

Theo QV (TTXVN)| 17/07/2019 21:55

Chiều 17-7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Pháp Bertrand Lortholary và Đại sứ Cộng hòa liên bang Đức Christian Berger đến chào từ biệt kết thúc nhiệm kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Đại sứ Pháp Bertrand Lortholary đã có một nhiệm kỳ công tác rất thành công tại Việt Nam, đặc biệt trong việc thu xếp, thúc đẩy trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao hai nước.

Năm 2018 là năm đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước đã có 2 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong cùng một năm. Đó là chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (trên cương vị Tổng Bí thư) và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe.

Tháng 4-2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp tại Pháp và hội nghị đã thành công tốt đẹp, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp phát triển toàn diện hơn.

Thủ tướng cho biết đã có nhiều cuộc tiếp xúc với Tổng thống Pháp bên lề các hội nghị, diễn đàn quốc tế, gần đây nhất là tại Hội nghị G20 và hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các giải pháp thúc đẩy quan hệ hai nước và các vấn đề quốc tế cùng quan tâm. Thủ tướng mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực.

Đại sứ Lortholary cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp và bày tỏ vui mừng khi trong nhiệm kỳ của ông, quan hệ hai nước đã phát triển lên một tầm cao mới. Đại sứ bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho ông hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ.

Đại sứ cho rằng, “kho báu” trong quan hệ hai nước chính là bề dày lịch sử quan hệ hai nước. Pháp ủng hộ Việt Nam ứng cử là ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đại sứ khẳng định, Pháp ủng hộ tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông. Pháp quan tâm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đánh giá cao vai trò của Việt Nam, một đối tác quan trọng của Pháp tại khu vực.

Đại sứ cho biết, các doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Việt Nam có sự tăng trưởng tốt, ngày càng nhiều doanh nghiệp Pháp quan tâm đến thị trường Việt Nam, nhất là khi Việt Nam - EU đã ký các Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ đầu tư. Hai nước cũng còn dư địa trong hợp tác về thương mại.

Ông cũng thông báo, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) cũng đã có nhiều hoạt động hiệu quả tại Việt Nam và mong muốn triển khai nhiều dự án khác tại Việt Nam, trong đó có các dự án ứng phó biến đổi khí hậu.

Tán thành với Đại sứ Pháp về các vấn đề nêu ra, Thủ tướng đánh giá cao Pháp, một quốc gia quan trọng của EU, đã ủng hộ EU ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); cảm ơn Pháp ủng hộ Việt Nam ứng cử là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Thủ tướng đề nghị Pháp hỗ trợ quá trình phê chuẩn các hiệp định mà Việt Nam và EU vừa ký kết, để hiện thực hóa các lợi ích cho doanh nghiệp, nhân dân hai nước.

Thủ tướng hoan nghênh việc hai nước thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng thời gian qua, đồng thời bày tỏ đánh giá cao lập trường của Pháp đối với an ninh, hòa bình, tự do hàng hải, hàng không tại biển Đông.

Vui mừng về việc trao đổi thương mại hai nước năm sau cao hơn năm trước và năm ngoái đạt 5,1 tỷ euro, hiện có hơn 300 doanh nghiệp Pháp đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác song phương.

Thủ tướng mong muốn Pháp tăng cường hỗ trợ đào tạo tiếng Pháp cho học sinh, sinh viên Việt Nam.

Nhấn mạnh năm 2020 sẽ là một năm quan trọng đối với Việt Nam khi đồng thời đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và vai trò Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng mong muốn nhận được sự ủng hộ của Pháp để cùng đóng góp cho những mục tiêu chung vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới và khu vực.

Với những tình cảm tốt đẹp của cá nhân Đại sứ với đất nước, con người Việt Nam, Thủ tướng đề nghị trên cương vị mới, Đại sứ tiếp tục có nhiều đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Pháp. Thủ tướng chúc Đại sứ thành công trên cương vị mới.

* Tiếp Đại sứ Cộng hòa liên bang Đức Christian Berger, Thủ tướng đánh giá cao Đại sứ đã có nhiều nỗ lực, đóng góp quan trọng trong thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam và Đức với nhiều hoạt động tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương Việt Nam trong suốt nhiệm kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Đức Christian Berger đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng đánh giá cao việc Đức đã ủng hộ, có tiếng nói quan trọng trong EU để Việt Nam và EU ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).  

Đại sứ Đức trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp; chúc mừng Việt Nam đã ký các hiệp định quan trọng với EU và trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đại sứ cho biết, trong nhiệm kỳ của mình, cá nhân ông luôn nỗ lực để thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức.

Đại sứ Đức đề nghị hai bên sớm thúc đẩy thành lập phòng thương mại công nghiệp chung giữa hai nước, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác thời gian tới; nghiên cứu thành lập Ủy ban Kinh tế hỗn hợp để trao đổi các định hướng hợp tác chiến lược giữa hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hơn 3 năm qua, Thủ tướng đã có nhiều lần gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel. Gần đây nhất tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Hai bên đã trao đổi thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.

Nhấn mạnh Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cùng với đó, Việt Nam và Đức là đối tác chiến lược, Thủ tướng mong muốn trong tương lai gần và lâu dài, hai nước sẽ có nhiều hoạt động hợp tác toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đào tạo nguồn nhân lực. Thủ tướng đề nghị Đức hỗ trợ Việt Nam trong phát triển công nghiệp, lĩnh vực thế mạnh của Đức.

Trên cơ sở định hướng hợp tác tốt giữa hai nước, Thủ tướng tin tưởng ngày càng nhiều nhà đầu tư Đức đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, một thị trường lớn, hấp dẫn và tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng. Thủ tướng tán thành việc hai bên tiến hành nghiên cứu về việc thành lập Phòng Thương mại công nghiệp chung.

Thủ tướng cũng đánh giá cao Đức luôn ủng hộ quan điểm về một biển Đông hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông.

Vui mừng về việc Đại học Việt - Đức hoạt động hiệu quả, Thủ tướng đề nghị Đức tạo điều kiện thuận lợi để ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam theo học tại Đức, hỗ trợ đào tạo tiếng Đức tại Việt Nam.

Tiến tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020 giữa hai nước, Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Ngoại giao phối hợp với phía Đức để triển khai các hoạt động chào mừng sự kiện quan trọng này.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Đại sứ sẽ có nhiều thành công trong nhiệm vụ mới và mong muốn, dù trên cương vị nào, Đại sứ sẽ luôn đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Đức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp các Đại sứ chào từ biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.