Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai mạc trọng thể Đại Hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 40

Theo Hoàng Thị Hoa (TTXVN)| 26/08/2019 15:16

Sáng 26-8, Đại Hội đồng lần thứ 40 Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 40) với chủ đề chung “Thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện vì cộng đồng bền vững” đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Bangkok của Thái Lan với sự chủ trì của Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40 Chuan Leekpai.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước Việt Nam tham dự.

Đại Hội đồng AIPA 40 có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo Nghị viện, nghị sỹ 10 quốc gia thành viên AIPA và các nước quan sát viên, đối tác của nước chủ nhà Thái Lan.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các trưởng đoàn chụp ảnh chung tại lễ khai mạc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan lập pháp và hành pháp trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN

Phát biểu khai mạc, thay mặt Chính phủ Hoàng gia Thái Lan, Thủ tướng Thái Lan, Đại tướng Prayuth Chan-ocha đã nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự AIPA 40. Thủ tướng nhấn mạnh các đại biểu thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Cộng đồng ASEAN hướng tới đạt được các mục tiêu đề ra.

Thủ tướng Thái Lan nêu rõ suốt 40 năm qua, AIPA là một trong những đối tác gần gũi của ASEAN, đại diện cho ngành lập pháp phối hợp chặt chẽ với ngành hành pháp trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng và củng cố Cộng đồng Văn hóa - Xã hội lấy người dân làm trung tâm.

Theo Thủ tướng Thái Lan, cơ quan lập pháp cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan hành pháp để hướng tới người dân và triển khai các chương trình đề ra. Đây là hai cơ chế đối tác có khả năng tương hỗ với nhau.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho rằng đại diện của các nghị viện thành viên AIPA, các quan sát viên, các tổ chức khác nhau đến tham dự Đại Hội đồng AIPA 40 để chia sẻ các kinh nghiệm và tri thức.

Tất cả điều đó sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp của ASEAN, cũng như cộng đồng hướng về phía trước, vượt lên các thách thức để giải quyết các vấn đề như: Buôn bán người, tội phạm xuyên quốc gia, vấn đề môi trường…

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha bày tỏ vui mừng nhận thấy rằng AIPA đã đạt được những thành công trong quá trình ủng hộ tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là hướng tới loại trừ các nguy cơ về ma túy.

Trong cuộc họp lần thứ hai AIPA CODD ở Chiang Mai (Thái Lan) tháng 3-2019 về các loại dược phẩm nguy hiểm, AIPA đã đưa ra phương án thay thế trong quá trình xử lý các vấn đề liên quan tới việc sử dụng ma túy.

Thủ tướng Thái Lan hoan nghênh đoàn công tác của nhóm hội đồng tư vấn đối với xử lý các vấn đề liên quan đến nạn ma túy trong khu vực, hướng tới đưa ra các giải pháp bền vững cho vấn đề này; đồng thời, bày tỏ hy vọng rằng dự án này sẽ mang lại nguồn cảm hứng, những định hướng và biện pháp, cách tiếp cận để có thể giải quyết và ngăn chặn được vấn nạn ma túy, hướng tới mục tiêu trở thành cộng đồng không có ma túy trong tương lai.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu chào mừng. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Theo Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, cần phải xử lý vấn đề ma túy một cách toàn diện, từ khâu phòng chống cho đến xử lý các vấn đề liên quan trên khuôn khổ toàn bộ ASEAN và tới đây cùng thảo luận cụ thể với nhau về phương pháp làm sao để giảm thiểu việc sử dụng ma túy, loại trừ các hành vi không đúng trong lĩnh vực này và phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu việc mở rộng sử dụng ma túy trong khuôn khổ từng nước, cũng như trong phạm vi quốc tế.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nhấn mạnh, môi trường cũng là một vấn đề được đặc biệt quan tâm và thu hút sự chú ý của toàn thế giới, trong đó có việc giảm thiểu phát thải khí CO2.

ASEAN hết sức quan tâm đến nội dung này, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Thái Lan chia sẻ vấn đề này, đặc biệt là phải xử lý được các thách thức về môi trường và trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34, các nhà lãnh đạo đã đề cập rất nhiều đến vấn đề xử lý rác thải nhựa.

Theo Thủ tướng Thái Lan, cần phải đưa ra biện pháp mạnh mẽ, hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa trong môi trường biển nhằm đạt được một môi trường biển lành mạnh cho tất cả mọi người. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho rằng, đây là một trong những bước đi hết sức quan trọng để củng cố hơn nữa nỗ lực chung của cộng đồng.

Trên cơ sở Tuyên bố Bangkok, AIPA sẽ cố gắng thúc đẩy hơn nữa các đối tác quan hệ để duy trì sự phát triển bền vững trong tương lai. Ông nhấn mạnh không nước nào có thể hoạt động đơn lẻ và các nước cần phải hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện các chương trình đã đặt ra.

Thủ tướng Thái Lan đánh giá cao tất cả chương trình đưa ra trong khuôn khổ AIPA và mong muốn chương trình này sẽ nhận được sự phối hợp, hợp tác ủng hộ của tất cả các nước thành viên AIPA trên toàn bộ các nội dung sẽ bàn thảo.

Theo Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, có thể phối hợp các nỗ lực để thúc đẩy phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực trong ASEAN và thúc đẩy ASEAN ngày càng trở nên bền vững và có tính cạnh tranh cao hơn.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã khẳng định không để bất cứ người dân nào bị bỏ lại phía sau và trong quá trình đó, các nước cần phải tiếp tục xây dựng các bộ luật trên cơ sở đưa vào những thực tiễn, quy phạm tốt của cộng đồng quốc tế để giải quyết các vấn đề trong khu vực.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho rằng, trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần này, thế giới biến chuyển vô cùng nhanh chóng và cần những công cụ để có thể đảm bảo được sự phát triển bền vững. Ngoài những vấn đề đang gặp phải, còn không ít các vấn đề khác cần đến sự đồng hành, hợp tác chặt chẽ giữa các nghị viện thành viên của AIPA.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự AIPA 40. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha mong muốn các nước thành viên sẽ từng bước phối hợp chặt chẽ với nhau, đưa ra những giải pháp hướng tới phát triển bền vững. Thủ tướng nói: “Chỉ khi chúng ta thay đổi thái độ, thay đổi cách suy nghĩ, hướng về các mối quan tâm của cộng đồng, người dân, cử tri thì chúng ta mới có thể đạt được các mục đích mà chúng ta đã đặt ra”.

Theo Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, cần thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa các nước thành viên với các bên đối thoại, duy trì liên lạc, đưa ra các biện pháp phù hợp với bối cảnh của từng nước, từng xã hội và cân nhắc đến đặc điểm của mỗi nước, thông qua các cơ quan liên quan như Bộ Ngoại giao và các ngành liên quan; có thể phối hợp chặt chẽ và nâng cao năng lực của tất cả các nước ASEAN để thúc đẩy, phát huy các thế mạnh và nhận được sự hỗ trợ hợp tác từ phía các quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Nhấn mạnh AIPA với tư cách là một thực thể vô cùng quan trọng trong khu vực, Thủ tướng Thái Lan mong muốn thu hút sự tham gia của ngành lập pháp, của người dân vào quá trình triển khai các chương trình hành động.

“Chúng tôi nghĩ rằng hoạt động của AIPA và các nghị viên thành viên rất phù hợp với các chương trình, mục tiêu chung của ASEAN. Trong quá trình điều phối hợp tác giữa các nước thành viên cũng như các ngành lập pháp và hành pháp, chúng tôi hy vọng rằng các Ban Thư ký, đặc biệt là Ban Thư ký ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa các thực thể để thúc đẩy quá trình thực hiện các mục tiêu của ASEAN đưa ra trên các lĩnh vực khác nhau”.     

Thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện vì cộng đồng bền vững

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40 Chuan Leekpai bày tỏ vinh dự chào đón lãnh đạo nghị viện, nghị sỹ các nước thành viên tham dự Đại hội đồng AIPA tại Thái Lan sau 10 năm.

Chương trình văn nghệ của nước chủ nhà tại lễ khai mạc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Thời gian qua, khu vực Đông Nam Á đã có chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực nhưng cũng có một số vấn đề khó khăn vẫn còn tồn tại và xuất hiện những vấn đề khác nảy sinh như vấn nạn ma túy lan rộng từ nước này sang nước khác, bản thân vấn đề rác thải của Thái Lan cũng ảnh hưởng đến các quốc gia khác hoặc xuất hiện ở các nước khác trong khu vực.

Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40 cũng nêu rõ rất nhiều vấn đề đòi hỏi cơ quan lập pháp phải chung tay xử lý, đồng thời cần nâng cao nhận thức của chính cơ quan lập pháp trong quá trình xử lý các vấn đề này. Đại Hội đồng AIPA 40 chính là cơ hội cho Thái Lan với tư cách là nước chủ nhà thúc đẩy các nội dung thảo luận để nâng cao nhận thức về những thách thức chung của khu vực.

Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40 Chuan Leekpai nêu rõ, AIPA là một khuôn khổ thúc đẩy hợp tác giữa các nghị sỹ, nghị viện ASEAN, từ xuất phát điểm khiêm tốn, AIPA đã lớn mạnh và có sự tham gia của 10 nghị viện thành viên của các nước ASEAN, có 12 nghị viện quan sát viên trên thế giới.

Theo Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40, đây chính là một trong những thành công vượt bậc, minh chứng cho khát vọng chung của ASEAN.

Chủ tịch AIPA 40 nhấn mạnh: “Dù đó là vấn đề an ninh, kinh tế hay bình đẳng xã hội, thì lịch sử cũng đã cho thấy chúng ta ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn khi phối hợp, hợp tác cùng với nhau. Nhưng lịch sử luôn được viết những trang mới và chúng ta phải luôn tỉnh táo để không bị các “đợt sóng” thay đổi quét đi. Hiện tại, các thách thức liên quan đến từ chủ nghĩa cực đoan, biến đổi khí hậu, dòng người di cư, các vấn đề liên quan đến tham nhũng... đều hướng chúng ta tới việc phải nỗ lực hết sức để vượt lên những thách thức làm xói mòn những thành tựu”.

Chủ tịch Chuan Leekpai nhấn mạnh, trong thời điểm có nhiều biến động như hiện nay, phải có những biện pháp phản ứng, xử lý rất nhanh chóng.

“Chúng ta sẽ phải hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết các vấn đề liên quan đến người nghèo, người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Đây chính là lý do vì sao AIPA 40 lựa chọn chủ đề thúc đẩy hợp tác liên nghị viện vì cộng đồng bền vững. Với tư cách là cơ quan lập pháp của các nước ASEAN, chúng ta là cơ quan quyền lực nhà nước gần gũi nhất với người dân và có vị trí độc nhất vô nhị trong quá trình rà soát, xem xét nguyện vọng của người dân. Khi chúng ta lắng nghe người dân thì sẽ giải quyết được căn bản, gốc rễ những vấn đề của người dân và hướng tới phúc lợi cho người dân”.

Trên tinh thần này, Chủ tịch AIPA 40 nhấn mạnh đến 4 vấn đề cần quan tâm.

Một là, phải ưu tiên hóa các vấn đề. Trên cơ sở các nội dung, vấn đề mà người dân đặt ra, các nghị sỹ với tư cách là người đại diện cho người dân có quyền lựa chọn các vấn đề ưu tiên để sử dụng nguồn lực xử lý, mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân.

Hai là, các cơ quan lập pháp của các nước trong khu vực phải hợp tác chặt chẽ với nhau và với Ban Thư ký ASEAN để có thể cùng hướng tới những thành công trong tương lai và lâu dài. Tại cuộc gặp giữa các nhà Lãnh đạo AIPA và Lãnh đạo ASEAN, phía Thái Lan đã đề xuất việc hình thành một diễn đàn để phối hợp các hoạt động của ASEAN và AIPA, đặc biệt là sự phối hợp giữa các Ban Thư ký AIPA và Ban Thư ký ASEAN.

Chủ tịch ASEAN đã chấp thuận đề xuất này. Chủ tịch AIPA 40 đề nghị, nghị viện các nước thành viên hãy cùng nhau thúc đẩy hơn nữa nội dung hợp tác này.

Ba là, phải lấy người dân làm trung tâm, đặt người dân lên hàng đầu. “Với dân số 647 triệu người trong ASEAN, thước đo đối với thành công trong công việc của chúng ta chính là phúc lợi của người dân. Nếu chúng ta tăng quyền cho người dân để người dân có thể tự đứng trên đôi chân của mình thông qua việc đem đến cho họ những cơ hội và an ninh thì cộng đồng của chúng ta sẽ phát triển bền vững, lâu dài”, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40 Chuan Leekpai nhấn mạnh.

Bốn là, phải thúc đẩy nguyên tắc pháp quyền. Với tư cách là các nhà lập pháp, nghị viện các nước cần hướng tới việc xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật. Thông qua nguyên tắc pháp quyền mới có thể duy trì được trật tự xã hội và thúc đẩy quá trình người dân tuân thủ pháp luật. Không một quốc gia nào có thể phát triển trên cơ sở vẫn chấp nhận sự bất công và những hành vi không trong khuôn khổ pháp luật.

Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40 cũng nhấn mạnh với tư cách là cơ quan lập pháp, nghị viện các nước có thể hành động để chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử và thực thi các nguyên tắc giám sát, đẩy lùi các vấn đề về tham nhũng ngay từ trong nội tại xã hội.

Một cộng đồng dựa trên cơ sở luật pháp, thúc đẩy pháp quyền thì sẽ đạt được sự công bằng thực tế, đúng đắn. Đề cập đến sự phong phú và đa dạng về địa lý, văn hóa của các quốc gia trong khu vực ASEAN, Chủ tịch AIPA 40 cũng cho rằng, không có một khái niệm nào về cộng đồng bền vững có thể áp dụng cho tất cả các nước trong khu vực.

Do đó, với tư cách là cơ quan lập pháp, “chúng ta có thể ấp ủ, chia sẻ toàn bộ sự đa dạng trong ASEAN, tôn trọng sự đa dạng và hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN bền vững, mang lại nhiều giá trị cho các thế hệ mai sau”.

* Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Trưởng đoàn các nước thành viên AIPA đã chào xã giao Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40 Chuan Leekpai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc trọng thể Đại Hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 40

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.