Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy trẻ tự tin nhưng không kiêu ngạo

Theo EVA| 14/09/2010 16:06

Tôn trọng bản thân là nhận biết được giá trị của bản thân, tự cảm thấy xứng đáng được khen ngợi và tôn trọng. Tôn trọng bản thân sẽ giúp trẻ có được sự tự tin tích cực, cuối cùng là kiểm soát được thành công, hạnh phúc và hình thành những xúc cảm tốt đẹp trong cuộc sống.


Nhưng nếu quá tôn trọng bản thân, quá tự tin thì lại trở thành tự phụ, kiêu ngạo.


Dạy trẻ tôn trọng bản thân bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ. Chúng ta sẽ phải trả lời hàng loại câu hỏi như trẻ sẽ trở thành một người lịch thiệp như thế nào? Thế nào là ít tự tin? Thế nào là quá nhiều tự tin? Quá độc lập? Khi nào thì quá kiêu ngạo, tự phụ?...

Mặc dù di truyền đóng một vài trò quan trọng trong quá trình phát triển thể chất, năng lực, trí tuệ của trẻ nhưng môi trường mà trẻ sống cũng ảnh hưởng khá lớn tới trẻ. Trẻ được thừa hưởng khá nhiều từ cha mẹ nhất là cách cư xử trong cuộc sống.

Tùy từng độ tuổi của trẻ, ta có cách dạy cho trẻ tôn trọng bản thân mà không trở thành người kiêu ngạo, tự phụ.

Đối với trẻ trước tuổi tới trường

Bạn hoàn toàn có thể giúp trẻ tăng sự tôn trọng đối với bản thân bằng những cách khá đơn giản. Trẻ nhận được sự tôn trọng sẽ học cách tôn trọng bản thân và người khác. Trao cho trẻ một tình yêu vô điều kiện là cách mà bạn khiến trẻ bắt đầu cảm thấy mình xứng đáng để nhận tình yêu thương từ mọi người. Làm cha mẹ, ai cũng yêu thương con cái mình đứt ruột sinh ra, nhưng không phải trẻ nào cũng biết điều đó nếu bạn không bày tỏ cho chúng biết.

Ví dụ như khi trẻ làm điều gì đó sai, bạn có thể nói: “Mẹ có đủ lí do để biết con đã đánh em trai con và mẹ muốn con biết mẹ không tin con là một người xấu và mẹ vẫn yêu con dù con làm gì đi nữa. Không phải con làm cho mẹ buồn lòng mà chính là hành động của con làm mẹ buồn lòng”. Khiến cho trẻ hiểu rằng chúng không phải là người xấu khi chúng làm điều gì đó sai là một điều quan trọng. Chia sẻ với trẻ những suy nghĩ, lời nói tưởng chừng đơn giản nhưng nó lại giúp cho bạn dạy trẻ khá nhiều điều.

Trẻ từ mầm non tới khi học lớp 3

Trẻ cần cảm thấy rằng, cảm xúc, suy nghĩ và ý kiến của trẻ quan trọng thế nào đối với các thành viên trong gia đình hoặc những cá nhân khác bên cạnh trẻ. Điều đó giúp trẻ duy trì sự tôn trọng đối với chính bản thân và biết được điều gì cần thiết để khiến cho trẻ thành công. Lắng nghe những cảm xúc, suy nghĩ của các thành viên trong gia đình, các vấn đề của trẻ với các bạn xung quanh và các tình huống thường ngày… “Mẹ có thể hiểu rằng tại sao con cảm thấy như vậy về những điều bạn con nói, con không sai. Mẹ nhớ hồi mẹ là một đứa trẻ…”. Bạn hãy chia sẻ với trẻ những kinh nghiệm của mình.

Khi trẻ nói chuyện với bạn về một điều gì đó dường như khá nghiêm trọng với trẻ, bạn hãy chú ý lắng nghe và ngồi đối diện hoặc ôm trẻ vào lòng. Đừng liên tục nhìn vào đồng hồ hoặc vật xung quanh trong khi trẻ đang nói với bạn vì các con sẽ cảm thấy lời nói và cảm giác của chúng không có ý nghĩa gì với ba mẹ cả.

Trẻ từ lớp 4 tới lớp 6

Điều mà một đứa trẻ mới lớn cần là sự tôn trọng của bạn đối với những gì thuộc quyền riêng tư và sở hữu của chúng. Thông thường cha mẹ hiện nay khó có thể tôn trọng sự riêng tư của trẻ vì có lẽ chúng ta lo lắng cho trẻ nhiều hơn là sự tò mò. Ta có thể đọc nhật kí trộm, có thể kiểm tra hòm thư của trẻ… Nhưng nếu trẻ biết được điều đó, trẻ sẽ cho rằng, bạn không tôn trọng chúng. Đừng xen vào đời sống riêng tư của trẻ trừ khi đó là những thứ có thể nguy hại cho trẻ như nhóm bạn xấu, thông tin xấu, tranh sách ảnh đồi trụy…

Mặc dù mỗi trẻ đều có cách phát triển khác nhau, trong môi trường học tập khác nhau nhưng dạy trẻ biết tôn trọng bản thân là điều cha mẹ cần làm đặc biệt trong cuộc sống hiện đại dù ở bất kì hoàn cảnh nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy trẻ tự tin nhưng không kiêu ngạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.