Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mặc gì để chống nắng tốt nhất?

Theo Bee| 16/07/2012 14:28

Theo các chuyên gia của Hội Ung thư Hoa Kỳ thì khi đi ra ngoài dưới trời nắng, không có biện pháp nào bảo vệ da tốt hơn là mặc các loại trang phục được may bằng chất vải phù hợp.

Nhưng như thế nào là chất liệu phù hợp để chống nắng?


Áo dài tay, sẫm màu là sự lựa chọn tối ưu để bảo vệ da, chống nắng

UPF và SPF

Để đánh giá khả năng bảo vệ da của các loại vải và quần áo, người ta dùng chỉ số UPF (Chỉ số bảo vệ chống tia tử ngoại). UPF toàn diện hơn SPF (chỉ số vẫn dùng để đánh giá các loại kem chống nắng), vì SPF chỉ cho thấy khả năng chống lại tia UVB (gây cháy nắng), trong khi UPF cho thấy khả năng bảo vệ da khỏi tác động của cả UVB và UVA (loại tia tử ngoại có thể gây tổn thương ADN của tế bào da, dẫn đến ung thư).

SPF đo khoảng thời gian da sẽ bị cháy nắng sau khi tiếp xúc với ánh mặt trời, trong khi UPF đo lượng bức xạ tử ngoại có thể xuyên qua vải để tác động đến da. Một chất liệu vải có UPF bằng 50 sẽ chỉ cho 1/50 (tương đương với 2%) số tia tử ngoại của mặt trời xuyên qua. Nói cách khác, nó ngăn chặn được 98% số tia tử ngoại tác động đến da.

Loại vải nào chống nắng tốt nhất?

Các loại vải mỏng, nhẹ, dệt sợi thưa, là những chất liệu không có nhiều khả năng bảo vệ da, chống nắng. Ví dụ, một chiếc áo thun trắng cộc tay có chỉ số UPF chỉ bằng 7. Ngược lại, những loại vải dày, dệt mau sẽ có khả năng chống nắng tốt nhất. Chỉ số UPF của một chiếc áo dài tay, sẫm màu, may bằng vải denim (loại vải may đồ jeans, thường gọi là vải bò) có thể lên đến 1.700, nghĩa là ngăn chặn được gần như toàn bộ tia tử ngoại, bảo vệ da tuyệt đối.

Chất liệu sợi cũng ảnh hưởng đến khả năng chống nắng của vải. Ví dụ, vải dệt từ sợi bông chưa tẩy trắng chống nắng hiệu quả vì chất liệu này chứa lignin, một sắc tố có tác dụng hấp thụ tia tử ngoại. Hoặc các loại vải polyester có độ bóng cao hoặc vải lụa satin cũng là những chất liệu chống nắng tốt vì nó phản xạ lại các bức xạ tử ngoại.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ da, chống nắng của vải là màu sắc. Dù là cùng một chất liệu hay các chất liệu khác nhau thì màu tối bao giờ cũng bảo vệ hiệu quả hơn màu sáng. Ví dụ, UPF của áo thun cộc tay màu trắng chỉ là 7, nhưng cũng loại áo này màu xanh thì UPF là 10.

Cách đơn giản nhất để biết một loại vải có khả năng bảo vệ da hiệu quả hay không là soi dưới nắng. Nếu bạn có thể nhìn qua vải thấy ánh sáng thì tia tử ngoại cũng có thể lọt qua và tác động đến da bạn.

Một vấn đề nữa cần lưu ý là khả năng chống nắng của vải và quần áo còn phụ thuộc vào hoạt động của người mặc. Nếu bạn vận động nhiều khiến vải bị kéo giãn thì khả năng chống nắng giảm đi. Đặc biệt, nếu bị ướt thì khả năng này của vải và quần áo có thể giảm đi đến một nửa. Ví dụ, loại áo thun trắng bình thường có UPF là 7, nhưng nếu bạn mặc đi biển và làm ướt thì UPF chỉ còn 3 và bạn sẽ chịu tác động của ánh nắng gần như khi không mặc gì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mặc gì để chống nắng tốt nhất?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.