Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tục kiêng quét nhà và lễ vật cúng mùng 1 Tết

Theo Phong Lâm/Zing| 07/02/2016 11:24

Sáng mùng 1 Tết là buổi sáng đầu tiên trong năm, vì thế việc sửa soạn mâm cúng trong ngày này rất cần thiết và quan trọng. Trong ba ngày Tết, người Việt cũng kiêng quét nhà.

Cúng tất niên của một gia đình Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn.


"Có thờ có thiêng, có kiêng có lành" là câu cửa miệng của người Việt. Việc kiêng kỵ để mong an lành được thực hiện nhiều vào dịp lễ, Tết.

Trong Nghi lễ vòng đời người, nhóm tác giả PGS Lê Trung Vũ, Lê Huỳnh Lý, tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, Lưu Kiếm Thanh, Hồ Tường viết: "Tục này là do ở trong Sưu thần ký có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo. Thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà vài năm thì giàu to. Đến sau, một hôm, nhân ngày mùng một Tết, đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà chàng kia lại nghèo đi. Bởi thế ta theo tục Tàu, kiêng không dám hốt rác trong mấy ngày Tết. Tuy nhiên, hiện người ta chỉ còn kiêng đến hết ngày mùng 1 thì thôi".

Dân gian cho rằng, nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm, cả năm gia đình sẽ nghèo túng, khánh kiệt, thần tài sẽ đi mất, tiền bạc không đến được với gia đình và mang lại điềm xấu, không may mắn. Do vậy, ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, không vứt rác bừa bãi.

Ở Nam Bộ, sau khi quét dọn, người ta thường cất hết chổi. Ngày Tết bị mất chổi có nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm vào vét sạch của cải. Ở nông thôn, nhà nào cũng rắc vôi bột ở bốn góc vườn ngày Tết, rồi vẽ mũi tên hướng ra cổng để xua đuổi ma quỷ.

Cúng mùng 1 Tết

Sáng mùng 1 Tết là buổi sáng đầu tiên trong năm, vì thế việc sửa soạn mâm cúng trong ngày này rất cần thiết và quan trọng.

Các gia đình đều làm cỗ cúng gia tiên, cúng Thổ công, Táo quân… Ngoài ra còn có nhà còn dựng hai cây mía cạnh bàn thờ để làm gậy cho ông vãi. Sau đó, cả nhà chúc tụng lẫn nhau, đi thăm hỏi chúc Tết bà con, hàng xóm láng giềng.

Theo cuốn Tín ngưỡng Việt Nam của Toan Ánh, cúng ngày mùng 1 Tết cũng giống như cúng gia tiên. Vật phẩm gồm mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét). Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon, tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.

Sau khi chủ gia đình khấn lễ xong, các thành viên trong gia đình lần lượt theo thứ tự tới chấp lễ trước bàn thờ hay mâm cúng.

Khi cúng gia tiên, tiền bạc, vàng mã phải để nguyên và đốt nhang đèn suốt ba ngày Tết cho đến lễ hóa vàng ngày mùng 3.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tục kiêng quét nhà và lễ vật cúng mùng 1 Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.