Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát chặt nông sản, thực phẩm từ gốc

Ngọc Quỳnh| 11/02/2017 07:08

(HNM) - Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2017, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung kiểm soát sản phẩm nông sản, thực phẩm từ gốc, đồng thời đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là xây dựng liên kết chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ.

Vi phạm giảm nhưng vẫn nhức nhối

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết: Năm 2016, công tác ATTP đã có những chuyển biến rõ nét, trong đó đã xử lý căn cơ một số vấn đề nổi cộm liên quan vấn đề bảo đảm ATTP như sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), sử dụng kháng sinh trong sản xuất - kinh doanh nông sản, thực phẩm. Đặc biệt, cả nước đã có 50 tỉnh, thành phố xây dựng thành công 444 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn và truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về chất lượng vệ sinh ATTP hiện vẫn nhức nhối.

Thực tế cho thấy, vi phạm về chất lượng ATTP chủ yếu là do các địa phương chưa ngăn chặn được tình trạng sử dụng thuốc BVTV không đúng cách. Đặc biệt, số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản xếp loại C vẫn cao. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến đánh giá: Việc sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Tốc độ nhân rộng chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn còn chậm. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất an toàn và liên kết sản xuất đã ban hành nhưng chưa đi vào thực tiễn nên cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Ngoài ra, công tác quản lý thị trường còn chưa chặt chẽ; số sản phẩm thuốc BVTV, kháng sinh được cấp phép lưu hành quá nhiều trong khi việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm còn chưa thường xuyên nên không ngăn chặn được các sản phẩm thuốc ngoài danh mục lưu hành trên thị trường.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm qua, mặc dù thành phố đã ứng dụng hệ thống thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho các dòng sản phẩm rau, thịt. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều thiếu trang thiết bị kiểm nghiệm chuyên sâu nên khó khăn trong xử lý vi phạm.

Đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng an toàn

Để từng bước hạn chế vi phạm về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, giải pháp mang tính căn cơ nhất là các bộ, ngành cùng chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào, từ con giống, thuốc BVTV đến thuốc kháng sinh và nghiêm cấm việc buôn bán tràn lan trên thị trường, đồng thời tuyên truyền cho người sản xuất, người tiêu dùng hiểu rõ tác hại của việc sử dụng các loại hóa chất gây hại đối với sức khỏe con người. Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị cho rằng, các địa phương cần xây dựng hệ thống cửa hàng cung ứng thực phẩm, nông sản an toàn đến tận thôn, bản, làng, xã để khuyến khích tiêu dùng, đồng thời quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện liên kết theo chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2017, Bộ NN&PTNT vẫn coi là Năm cao điểm về vệ sinh ATTP. Nhiệm vụ quan trọng then chốt của Bộ thời gian tới là sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn. Bộ sẽ tiếp tục triển khai Đề án xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; đẩy mạnh chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và mở rộng sang một số đô thị lớn như: Đà Nẵng, Hải Phòng… Để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ: Công Thương, Y tế, Công an tổ chức thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất - kinh doanh vật tư nông nghiệp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất - kinh doanh nông, lâm, thủy sản và xử lý nghiêm vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chặt nông sản, thực phẩm từ gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.