Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng ngừa từ xa để chặn dịch cúm gia cầm

Ngọc Quỳnh| 01/04/2017 07:21

(HNM) - Việc kiểm dịch sản phẩm động vật ở các tỉnh về Hà Nội dù đã được tăng cường nhưng vẫn còn nhiều phức tạp do số lượng lớn...



Đây là những vấn đề được nêu ra tại hội nghị phối hợp, triển khai công tác phòng, chống vi rút cúm gia cầm (A/H7N9) và các chủng vi rút cúm gia cầm khác do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức chiều 31-3.


Phun thuốc diệt khuẩn cho gia cầm.


Nguy cơ phát dịch bệnh rất cao

Theo đánh giá chung, thời gian qua việc trao đổi thông tin, thông báo dịch bệnh giữa các tỉnh, thành phố với Hà Nội đang phối hợp rất chặt chẽ, nên bước đầu đã hạn chế được nhiều trường hợp thực phẩm “bẩn” đưa về Thủ đô. Tuy nhiên, do dịch cúm A/H7N9 đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc, trong khi các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới chưa hoàn toàn chấm dứt nên thực tế việc phòng, chống dịch còn gặp nhiều khó khăn. Tại Hà Nội vẫn xuất hiện các ổ dịch nhỏ, lẻ, dù đã được xử lý kịp thời, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm.

Trao đổi về những khó khăn trong công tác phối hợp kiểm soát động vật giữa Hà Nội với các tỉnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển về Hà Nội của một số tỉnh chưa làm tốt khâu kiểm tra, kiểm soát và niêm phong, thậm chí không ghi ngày, tháng trên giấy kiểm dịch, nên nhiều người đã thay đổi, đánh tráo hàng hóa không bảo đảm điều kiện tiêu thụ trên thị trường. Trong 3 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng của thành phố đã thu giữ, tiêu hủy hàng nghìn con gia cầm không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, hầu hết hoạt động giết mổ gia cầm ở các tỉnh phía Bắc có quy mô nhỏ, lẻ nên sản phẩm động vật vận chuyển vào Hà Nội khó kiểm soát...

Ông Đỗ Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho rằng, Lạng Sơn là một trong những địa phương vùng biên có nguy cơ lây nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm rất cao. Vì vậy, lực lượng chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác phòng, chống, ngăn chặn ngay từ 2 cửa khẩu: Chi Ma, Lộc Bình vốn là "điểm nóng" của tỉnh về buôn bán, nhập lậu gia cầm. Tuy nhiên, do lợi nhuận nên thương lái vẫn dùng mọi thủ đoạn để đưa gia cầm không rõ nguồn gốc vào trong nước tiêu thụ. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã thu giữ, tiêu hủy 14.000 quả trứng vịt lộn, 32.480 gà giống, 26.751 vịt giống, 300 ngỗng con, 420 chim bồ câu... không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thực tế công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm ở một số nơi còn nhiều hạn chế, như: Chính quyền địa phương không nắm rõ số lượng gia cầm nuôi; công tác tuyên truyền vận động nhân dân chưa hiệu quả... Phó phòng Cảnh sát môi trường PC49 - Công an TP Hà Nội Phạm Quang Hiển cho rằng công tác phối hợp giữa các địa phương với Hà Nội còn chưa thực sự tốt. Một số tỉnh không kiểm soát việc vận chuyển gia cầm qua biên giới nên có tình trạng thương lái đưa về địa bàn, sau đó chuyển về Hà Nội bằng ô tô khách hoặc xé lẻ tiêu thụ ở các chợ cóc, chợ tạm... trên địa bàn Thủ đô, dẫn tới nguy cơ phát tán mầm bệnh rất cao.

Cần phòng ngừa từ xa

Tại hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng, để công tác phối hợp giữa Hà Nội với các tỉnh về phòng chống dịch cúm gia cầm hiệu quả, điều quan trọng là phải phòng ngừa từ xa. Theo đó, các ngành chức năng cần tăng cường thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm. Đồng thời, các bên chủ động cung cấp thông tin về số lượng động vật đưa về Hà Nội tiêu thụ.

Để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H7N9 và các chủng vi rút khác, Cục phó Cục Thú y Đàm Xuân Thành khuyến nghị các địa phương cần tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát lưu thông gia cầm trên địa bàn; có biện pháp ngăn chặn việc cán bộ thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch khống cho thương lái nhằm thu lợi bất chính. Nếu xảy ra sai sót, cần xử lý cán bộ làm sai quy định. Đối với các tỉnh biên giới, cần kiểm tra, giám sát các chợ buôn bán gia cầm sống, đặc biệt các chợ vùng biên nhằm hạn chế trà trộn gia cầm lậu vào tiêu thụ. Cùng với đó, cần xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố nên bố trí kinh phí bổ sung trang thiết bị, vật tư, tập huấn nâng cao năng lực hệ thống thú y để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn đạt hiệu quả cao.

Kết luận vấn đề này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu khẳng định: Hiện nay, dịch cúm gia cầm tiềm ẩn rất khó lường, cần đề cao cảnh giác, không nên xem nhẹ. Các quận, huyện, cơ quan chức năng khi phát hiện có dịch cúm phải thông tin ngay để xử lý kịp thời. Thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với các tỉnh về phòng, chống dịch cúm gia cầm. Trước mắt, đề nghị các tỉnh có sản phẩm động vật vận chuyển về Hà Nội cần thường xuyên trao đổi thông tin để góp phần cùng thành phố kiểm soát hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa từ xa để chặn dịch cúm gia cầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.