Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ghi giấy chứng minh nhân dân vào đơn thuốc ngoại trú của trẻ: Vẫn chỉ hiệu lực trên giấy!

Thu Trang| 09/03/2018 06:59

(HNM) - Sau hơn một tuần, kể từ khi có hiệu lực (ngày 1-3), quy định mới của Bộ Y tế về việc ghi giấy chứng minh nhân dân của cha mẹ hoặc người giám hộ vào đơn thuốc ngoại trú của trẻ dưới 6 tuổi vẫn chưa được thực hiện tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.


Theo qui định mới, đơn thuốc của trẻ dưới 6 tuổi phải có số chứng minh nhân dân của bố mẹ.


Khó quản lý việc kê đơn, bán thuốc

Điều 6 của Thông tư 52/2017/ TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 29-12-2017 về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú có quy định, cụ thể: Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi (dưới 6 tuổi) phải ghi số tháng tuổi, tên và số chứng minh thư nhân dân hoặc sổ căn cước công dân của bố, mẹ hoặc người giám hộ trong đơn thuốc (hoặc trong sổ khám bệnh) của người bệnh.

Với quy định mới này, Thạc sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, ngay khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, bố, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 6 tuổi phải đem theo giấy chứng minh nhân dân để khi kê đơn các bác sĩ điền đầy đủ các thông tin trên. Khi có đơn thuốc và đầy đủ thông tin thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ đều có thể đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ. Việc ghi thêm giấy chứng minh nhân dân vào đơn thuốc cho trẻ dù mất thêm thời gian khám, chữa bệnh của bác sĩ nhưng đây là việc cần thiết để quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến hiện nay.

Thế nhưng, trên thực tế, bên cạnh mặt tích cực nhất định, quy định này cũng mang lại không ít phiền hà cho cả bệnh nhân và cán bộ y tế. Ông Đặng Trần Chiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ cho biết, bệnh viện đang cố gắng để triển khai quy định trên nhưng cũng khó có thể trong “một sớm một chiều”. Theo ông Đặng Trần Chiến, cán bộ, công chức thường mang theo giấy chứng minh nhân dân. Còn nông dân, người lao động tự do lại không có thói quen này, rất khó để thực hiện quy định trên. Mà đây lại là những đối tượng bệnh nhân “quen thuộc” của những bệnh viện tuyến dưới. Vì vậy, bệnh viện cần phải có thời gian, lộ trình để tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cho người dân thực hiện quy định mới.

Cũng cho rằng quy định nêu trên khó khả thi, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho rằng, trong bất kỳ tình huống nào, việc quan trọng nhất là tiếp nhận, điều trị cho trẻ kịp thời. Còn giấy tờ của bố, mẹ hoặc người giám hộ có thể bổ sung sau, thậm chí chỉ cần thiết khi trẻ phải nhập viện điều trị nội trú. Bởi trong nhiều trường hợp, khi đưa con đi viện, cha mẹ chỉ kịp - nhớ mang theo thẻ bảo hiểm y tế của con, quên mang theo giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân hoặc có nhiều trường hợp, người đưa trẻ đi viện không phải là người giám hộ hoặc bố mẹ thì bác sĩ vẫn phải lo điều trị trước.

Ngay trong ngày 6-3, khi đưa con trai 5 tuổi vào bệnh viện khám viêm đường hô hấp nhưng chị Nguyễn Thị Hằng (35 tuổi ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) chưa biết tới quy định phải trình giấy chứng minh nhân dân. Chị Hằng cho biết, các bệnh viện hiện đang cắt giảm nhiều thủ tục hành chính nhưng nếu áp dụng đúng theo quy định mới này sẽ tạo thêm phiền hà, phức tạp cho người bệnh. “Bộ Y tế đưa ra lý giải, quy định này nhằm hạn chế tình trạng bán thuốc không theo đơn, lạm dụng kháng sinh dẫn tới kháng thuốc theo tôi là không hợp lý. Muốn quản lý việc kê đơn thì cần cung cấp thông tin, cụ thể là tên tuổi và địa chỉ bệnh nhân, bác sĩ nào kê đơn, thuốc mua ở đâu, dược sĩ nào bán... thì có thể ràng buộc trách nhiệm giữa các bên hơn là số chứng minh nhân dân của cha mẹ”, chị Hằng nói.

Sẽ xem xét chỉnh sửa

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới vào chiều ngày 6-3 tại 3 nhà thuốc đối diện cổng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên), nhiều bệnh nhân đến mua thuốc, thậm chí cả thuốc kháng sinh vẫn không có đơn của bác sĩ. Khi được hỏi về quy định bắt buộc ghi giấy chứng minh nhân dân của cha mẹ hoặc người giám hộ vào đơn thuốc ngoại trú của trẻ dưới 6 tuổi, nhân viên một nhà thuốc cho biết, chưa được biết đến quy định này...

Trước những lo ngại làm sao để giám sát được việc kê đơn thuốc có thông tin về chứng minh nhân dân tại các nhà thuốc, Thạc sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu cơ quan chức năng phát hiện ra nhà thuốc vẫn bán thuốc điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi theo những đơn không ghi thông tin chứng minh nhân dân thì sẽ nhắc nhở trách nhiệm của nhà thuốc, sau đó sẽ là trách nhiệm của bác sĩ kê đơn. Trong quá trình thực hiện Thông tư 52, Bộ Y tế tiếp tục có những đánh giá, khảo sát để kịp thời bổ sung và hoàn thiện những bất cập nếu có.

Điều quan trọng nhất cần làm hiện nay để tránh tình trạng lạm dụng kháng sinh là quản lý việc mua bán thuốc không có đơn chứ không phải việc chỉ chú ý ghi thông tin chứng minh nhân dân trên đơn thuốc. Hiện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đang nghiên cứu và sẽ tiến hành thí điểm giám sát bán thuốc theo đơn tại một số địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn. Cụ thể, các nhà thuốc cần ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị hệ thống camera, tiêu chuẩn nhà thuốc đạt GPP (thực hành nhà thuốc tốt), phải bán thuốc theo đơn... Cùng với đó, phải quản lý tốt việc kê đơn, những chỉ định dùng kháng sinh cho bệnh nhân của bác sĩ. Nếu kiểm soát tốt những vấn đề nêu trên, khắc phục tình trạng bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh một cách "vô tội vạ" thì tỷ lệ kháng thuốc mới có thể giảm được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghi giấy chứng minh nhân dân vào đơn thuốc ngoại trú của trẻ: Vẫn chỉ hiệu lực trên giấy!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.