Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 2

Theo Vietnamplus| 05/06/2018 19:34

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 2, trưa 5-6, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 05 yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định...

Người dân kiểm tra tàu thuyền tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)


Bộ Ngoại giao chủ động làm việc với các nước trong khu vực để hỗ trợ cho ngư dân và tàu thuyền tránh trú bão khi cần thiết.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên báo cáo Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, hệ thống Đài Thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến của bão để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục cung cấp các bản tin dự báo kịp thời, chính xác vùng ảnh hưởng của bão để cơ quan chức năng và người dân chủ động ứng phó. Các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch, duy trì thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống, sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 2). Hồi 13h ngày 5-6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 120 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km.

Đến 13h ngày 6-6, vị trí tâm bão ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.

Tại tỉnh Cao Bằng, đêm mùng 2, rạng sáng mùng 3-6, mưa lớn xuất hiện ở nhiều nơi gây ra lũ ống cục bộ tại một số địa phương. Mưa nhiều nhất tại huyện Bảo Lâm, gây lũ quét cuốn trôi ba cây cầu dân sinh đi các xã Nam Quang, Nam Cao, Tân Việt với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, mưa lũ còn làm sập và cuốn trôi toàn bộ tài sản của gia đình ông Thào A Tú, xã Tân Việt, gây ngập úng 25ha lúa, ngô; cuốn trôi đất đá gây sạt lở, vùi lấp 10ha hoa màu.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa trên địa bàn tỉnh làm 2.910ha lúa hè thu bị ngập úng cục bộ (huyện Tuy Phước 1.370ha, huyện Phù Cát 1.200ha, huyện Hoài Nhơn 30ha, thành phố Quy Nhơn 170ha và thị xã An Nhơn 140ha). Đến sáng 5-6, mưa giảm, ngập úng đã cơ bản rút.

Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, từ ngày 2-3/6, địa bàn các huyện Đầm Dơi, Năm Căn đã xảy ra hai vụ sạt lở, tổng chiều dài 58m, sâu 3-10m, ảnh hưởng đến giao thông nông thôn, ước thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 2

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.