Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sử dụng thịt chó, mèo: Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Sơn Tùng| 19/09/2018 07:00

(HNM) - Thịt chó, mèo là món khoái khẩu của không ít người. Tuy nhiên, sử dụng thịt chó, mèo tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh dại, xoắn khuẩn, tả...


Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 3 trường hợp tử vong vì bệnh dại tại các huyện Phúc Thọ, Phú Xuyên, Sóc Sơn và 2 mẫu bệnh phẩm có kết quả dương tính với bệnh dại tại quận Bắc Từ Liêm và Hoàng Mai. Cũng liên quan sức khỏe cộng đồng, một thực tế đáng chú ý là người kinh doanh, giết mổ cũng như người sử dụng thịt chó, mèo có nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh dại, xoắn khuẩn, bệnh tả...

Tuy nhiên, thịt chó, mèo lại là món khoái khẩu của không ít người. Ông Trịnh Thế Tư, ở thôn Yên Trường, xã Yên Trường (huyện Chương Mỹ), cho biết: "Nhiều người thân quen với tôi thích ăn thịt chó. Ở đây còn có tục lệ ăn thịt chó ngày mùng 4 Tết Nguyên đán và ngày giỗ, đám cưới, đám hỏi đều có món thịt chó". Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, Luật Thú y không quy định chó, mèo thuộc đối tượng động vật được kiểm soát giết mổ, không có quy định đối với việc kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm trong quá trình giết mổ nên các cơ sở giết mổ và kinh doanh thịt chó, mèo không được kiểm tra vệ sinh thú y, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Xét về góc độ vệ sinh an toàn thực phẩm, thịt chó, mèo là một trong những loại thực phẩm khó kiểm soát nhất, dẫn đến thuộc nhóm có nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm cao.

Ở góc độ khoa học, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Bệnh viện 198 (Bộ Công an) thông tin: Cơ thể chó chứa nhiều loại sán, giun, ấu trùng có thể nhiễm bệnh cho người. Lây nhiễm sán dãi chó và ấu trùng sán dãi chó có thể gây mù mắt, chứng điên loạn hoặc suy yếu các bộ phận nơi sán trú ngụ khác như gan, lách, phổi. Nước dãi của chó chứa vi rút dại, dễ rơi rớt sang các chỗ khác như quần áo của người giết thịt chó, rơi vào dao, thớt... gây hiện tượng nhiễm chéo. Do bệnh dại có thời gian ủ bệnh trung bình từ 10 ngày đến 2 năm nên việc điều trị rất khó khăn. Một nguy cơ khác rất dễ xảy ra với những người thích ăn thịt chó, mèo là bị ngộ độc do ăn phải thịt chó bị đánh bả bắt trộm, do dư lượng chất độc còn trong máu, thịt của con vật.

Trong Văn bản 4170/UBND-KT vừa ban hành, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố. Trước nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh dại, xoắn khuẩn, tả... các địa phương, cơ quan chức năng có trách nhiệm tuyên truyền với nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại để một bộ phận người dân dần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng thịt chó, mèo. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo, chủ động phòng, chống bệnh dại, và các bệnh lây truyền khác, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục thống kê, rà soát, cập nhật thông tin và lập sổ quản lý về chó nuôi trên địa bàn, tổ chức ký cam kết thực hiện việc khai báo nuôi chó, mèo và chấp hành đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với bệnh dại. Xây dựng lộ trình hạn chế hoạt động giết mổ chó, mèo làm thực phẩm, tiến tới không kinh doanh, buôn bán, giết mổ chó, mèo thương phẩm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng thịt chó, mèo: Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.