Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Không để lạm quyền, chạy theo lợi nhuận

Thu Trang| 25/09/2018 06:32

(HNM) - Cho dù giao quyền tự chủ tài chính cho các bệnh viện, song Nhà nước vẫn có sự điều tiết, kiểm soát chặt chẽ để các bệnh viện không lạm quyền, bác sĩ không chạy theo lợi nhuận...


An toàn người bệnh là trên hết

Hiện có 25/39 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã tự chủ tài chính, giảm 25.000 cán bộ y tế không hưởng lương ngân sách, giúp tiết kiệm khoảng 1.500 tỷ đồng mỗi năm. Các đơn vị sự nghiệp của Bộ Y tế được giao tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên cũng đã được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, tuyển dụng viên chức phù hợp chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Những con số trên khẳng định chủ trương giao quyền tự chủ cho bệnh viện là hoàn toàn đúng đắn.

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Viết Thành


Dù chia sẻ với các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính bị cắt nguồn ngân sách, chịu áp lực về nguồn thu, nhưng Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, bệnh viện vẫn phải là nơi cứu người, bảo đảm được tính nhân văn của ngành Y. Do đó, không thể vì áp lực nguồn thu, mà có những hành vi không thể chấp nhận được như: Lạm dụng dịch vụ y tế, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế…

Còn theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cần phải giám sát chặt, xem xét kỹ lưỡng các chỉ định xét nghiệm, dịch vụ chụp chiếu của các bệnh viện tự chủ tài chính đã phù hợp hay chưa. “Với vai trò là trung tâm, người bệnh cần được hưởng chất lượng dịch vụ y tế cũng như tinh thần phục vụ ngày càng cao, đặc biệt được bảo đảm an toàn ở mức cao nhất" - ông Lương Ngọc Khuê nói.

Hà Nội cũng đang đề ra các giải pháp để chống trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế. Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm, Bảo hiểm xã hội Hà Nội tiếp tục phối hợp với Sở Y tế Hà Nội làm việc với các cơ sở khám, chữa bệnh có sự gia tăng bất thường trong việc chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật, chỉ định bệnh nhân nhập viện rộng rãi, chưa hợp lý… Bảo hiểm xã hội Hà Nội kiên quyết không thanh toán các chi phí không đúng quy định, những trường hợp gian lận bảo hiểm y tế sẽ chuyển công an xử lý.

Thời gian qua, Hà Nội đã mời Giáo sư Joel Leroy - chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật nội soi tiêu hóa tư vấn và giúp Hà Nội xây dựng Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. 

"Không phải muốn làm gì thì làm"

Trong khi cơ chế tự chủ thời gian qua giúp các bệnh viện tuyến trung ương sống khỏe, thì đối với các bệnh viện tuyến quận, huyện, kể cả tuyến thành phố vẫn còn nhiều khó khăn. Dư luận băn khoăn về những "cái khó" của bệnh viện tuyến dưới; về việc có nên để các bệnh viện “tự bơi” trong cơ chế thị trường?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, khi thực hiện tự chủ, ngân sách nhà nước sẽ giảm gánh nặng đầu tư cho các bệnh viện và có thể sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm này để điều tiết cho những lĩnh vực y tế khác đang cần hơn như: Y tế dự phòng, y tế cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực… Tuy nhiên, việc giao cơ chế tự chủ không có nghĩa là để các bệnh viện “tự bơi” trong cơ chế thị trường. Do đó, mô hình này không thể áp dụng đại trà tại tất cả các bệnh viện công lập của thành phố. Những bệnh viện công thuộc khu vực khó khăn, chuyên khoa đặc thù như: Tâm thần, phong, HIV/AIDS, thành phố vẫn “bao cấp” để bảo đảm chính sách an sinh xã hội. Hiện tại, ngoài 18 bệnh viện tự chủ hoàn toàn tài chính, Hà Nội còn có 52 đơn vị y tế tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động và 6 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hiền, dù được giao quyền tự chủ tài chính và tiến tới tự chủ về bộ máy, về con người nhưng không có nghĩa bệnh viện muốn làm gì thì làm. Sở Y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát thực tế hoạt động cải tiến chất lượng phục vụ tại các bệnh viện, đồng thời thực hiện cơ chế kiểm soát chéo giữa người bệnh và bệnh viện. Trong tháng 9 này, ngành Y tế Thủ đô đang triển khai thí điểm phần mềm khảo sát mức độ hài lòng và không hài lòng của người bệnh, người nhà bệnh nhân dựa trên 5 nhóm yếu tố: Khả năng tiếp cận dịch vụ tại cơ sở y tế; sự minh bạch thông tin và thủ tục khám bệnh, điều trị; cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh; thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế; kết quả cung cấp dịch vụ. Trước mắt, việc thí điểm này sẽ được triển khai tại 5 bệnh viện tự chủ tài chính là: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Kết quả khảo sát là cơ sở xem xét công tác khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời là căn cứ đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện.

Bài toán tự chủ bệnh viện đang đặt ngành Y tế cả nước nói chung và ngành Y tế Thủ đô nói riêng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Song song với việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, ngành Y tế và các bệnh viện cần phải xây dựng hệ thống giám sát các hoạt động chuyên môn dựa trên công nghệ thông tin, để ngăn việc lạm quyền, chạy theo lợi nhuận, có như vậy mới tạo được niềm tin nơi người bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Không để lạm quyền, chạy theo lợi nhuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.