Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểm họa từ nuôi thú "cưng"

Ngọc Quỳnh| 22/11/2018 06:56

(HNM) - Nuôi chó cảnh nhập khẩu hiện đang trở thành trào lưu tại nhiều gia đình ở những thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

Đây chính là hiểm họa khó lường cho gia đình nuôi thú nói riêng và cộng đồng nói chung; đòi hỏi cần có giải pháp mạnh nhằm ngăn ngừa bệnh dại và bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân...

Tiêm phòng cho chó đầy đủ để tránh bệnh.


Nuôi theo trào lưu

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận nhiều trường hợp bị chó nuôi cắn và đã có 3 trường hợp tử vong vì bệnh dại tại các huyện: Phúc Thọ, Phú Xuyên, Sóc Sơn. Gần đây nhất, tại xã Dũng Tiến (huyện Thường Tín), khi chủ nhà mở cửa lồng sắt đưa thức ăn cho chó Pitbull thì bất ngờ con chó lao ra cắn. Chứng kiến sự việc, người hàng xóm đến xua đuổi nhưng cũng bị chính con vật này tấn công... khiến cả 2 người phải nhập viện cấp cứu.

Theo ông Dương Xuân Tĩnh - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thường Tín, hiện nay, trào lưu nuôi chó dữ đang "nở rộ" ở nhiều địa phương nhưng chủ nhà thường không khai báo với cơ quan chức năng và không tiêm phòng vắc xin dại cho thú nuôi. Với những giống chó dữ, nếu nuôi từ bé thì rất trung thành, song nhiều người lại mua chó đã trưởng thành, qua nhiều chủ, vì vậy, chúng không phân biệt được chủ nuôi hiện tại, trở nên dữ dằn, dễ bị kích động khi có sự việc xảy ra và tấn công người cùng những vật nuôi khác...

Theo Cục Thú y (Bộ NN& PTNT), mỗi năm có khoảng 350 con chó cảnh được nhập khẩu vào Việt Nam từ nhiều quốc gia khác nhau nhưng chủ yếu từ: Châu Âu, Mỹ, Nhật, Australia… Một số giống chó dữ như: Doberman, Rottweiler, Pitbull... đã bị cấm nuôi và nhập khẩu tại một số quốc gia bởi chúng gây nguy hiểm cho người dân và động vật bản địa...

Tuy nhiên, ở Việt Nam, trào lưu nuôi những loài chó dữ này đang "lên ngôi". Chỉ cần một cú nhấp chuột tra tìm trên mạng internet, có thể thấy hàng loạt loài chó dữ được rao bán tràn lan. Nhiều người nuôi còn tự nhân giống những loài chó này để bán, khiến việc kiểm soát của cơ quan chức năng càng khó khăn.

Trong khi các ngành chức năng gặp nhiều khó khăn trong quản lý nhập khẩu thú "cưng" thì chính sự thiếu hiểu biết của người dân khi nuôi các loại thú này cũng gây hậu quả khó lường. Chị Nguyễn Thanh Dung ở quận Hà Đông cho biết, khi thấy hàng xóm nuôi chó cảnh, chị thấy thích nên đã mua lại một con Doberman và một con Poodle của người bán trên mạng.

Tuy nhiên, chị cũng chưa tìm hiểu về đặc tính giống chó này. Bên cạnh đó, không ít người có tâm lý chủ quan khi bị chó cắn bởi cho rằng đó là chó nhà nuôi, khỏe mạnh nên không tiêm phòng vắc xin bệnh dại. Vì thế, nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc đã xảy ra.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế), mỗi năm, cả nước có khoảng 500.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại và 9 tháng năm 2018, cả nước có 67 người chết vì bệnh dại...

Cần nâng cao nhận thức

Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông cho biết, Chính phủ đã có Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 9-1-2007 về phòng, chống bệnh dại ở động vật, quy định chi tiết và đầy đủ các điều kiện nhập khẩu động vật vào Việt Nam như: Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu xác nhận động vật không có triệu chứng lâm sàng của bệnh dại; động vật có nguồn gốc từ vùng lãnh thổ không có bệnh dại ít nhất 6 tháng trước khi xuất khẩu… Tuy nhiên, ở nước ta vẫn có những trường hợp người dân tự ý mang thú từ nước ngoài về nuôi mà không khai báo với cơ quan chức năng.

Nhiều người vẫn chưa lường được hậu quả khi nuôi các loại chó dữ.


"Để phòng, chống hiệu quả bệnh dại, các tỉnh, thành phố cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc nuôi chó không rõ nguồn gốc xuất xứ; đồng thời, khuyến cáo người dân trước khi nuôi cần tìm hiểu kỹ về giống chó định nuôi, đặc biệt là những giống chó dữ để có cách phòng, tránh hiệu quả...", ông Phạm Văn Đông nói.

Thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2021, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, để nâng cao ý thức cho người dân về nuôi thú "cưng" trong nhà, thành phố đã yêu cầu các địa phương triển khai tiêm phòng vắc xin dại kịp thời cho đàn chó, mèo. Chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền cho nhân dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại; các dấu hiệu nhận biết chó, mèo mắc bệnh dại và cách phòng, chống bệnh hiệu quả.

Cùng với đó, khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền sở tại, cơ quan thú y, y tế về các trường hợp chó, mèo hoặc động vật khác có biểu hiện bất thường, nghi mắc bệnh để kịp thời xử lý; kiên quyết xử lý việc nuôi chó thả rông, không có người dắt xích, không đeo rọ mõm...

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Tuấn Thịnh cho biết, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi thú ở từng thôn, xóm, cụm dân cư và số chó nuôi trong từng hộ gia đình để quản lý, hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho đàn chó nuôi.

Mặt khác, cần yêu cầu các hộ nuôi chó ký cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành nghiêm quy định về nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểm họa từ nuôi thú "cưng"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.