Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn thực phẩm “bẩn” từ địa phương

Xuân Lộc| 06/12/2018 07:07

(HNM) - Sau hơn 3 năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận những chuyển biến tích cực...

Kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội.


Những kết quả bước đầu

Theo Quyết định 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 9-9-2015 về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã có tổng số 232 người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 10 quận, huyện và 20 xã, phường (mỗi thành phố 5 quận, huyện và 10 xã, phường). Sau hơn 3 năm triển khai đã ghi nhận những chuyển biến tích cực về an toàn thực phẩm tại các địa bàn thí điểm.

Riêng tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, việc hình thành và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm đã giúp cho việc xử lý vi phạm nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng, số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm. Đặc biệt, ở các quận, huyện, xã, phường thí điểm thanh tra chuyên ngành, nhận thức tuân thủ pháp luật của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, của người tiêu dùng cũng được nâng lên rõ rệt, có tác dụng lan tỏa đến các địa phương khác.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm TP Hà Nội, 10 tháng năm 2018, trên địa bàn thành phố đã thực hiện 938 đoàn thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó, có 745 đoàn liên ngành, 193 đoàn kiểm tra chuyên ngành của nông nghiệp, công thương, y tế. Các đoàn đã thanh tra, kiểm tra 102.098 lượt cơ sở, qua đó phát hiện lập biên bản, xử phạt 6.810 cơ sở hơn 25 tỷ đồng, hủy sản phẩm của 120 cơ sở. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, các địa phương thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm còn gặp khó khăn về nhân lực thực hiện, thiếu cán bộ chuyên trách, có chuyên môn về an toàn thực phẩm, đặc biệt là cấp xã, phường. Thêm vào đó, còn tâm lý sợ sai, ngại va chạm khi thi hành nhiệm vụ, thậm chí, tình trạng nể nang làng xóm, họ hàng cũng làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính...

Cần thiết nhân rộng mô hình

Ngày 26-11-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 47/2018/QĐ-TTg thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai. Riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 100% đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã sẽ triển khai thí điểm; tại 7 tỉnh, thành phố còn lại, sẽ có tối đa 25% số đơn vị hành chính cấp huyện và 25% đơn vị hành chính cấp xã tham gia thí điểm. Thời gian thực hiện thí điểm là 1 năm, bắt đầu từ ngày 10-1-2019.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, với một địa bàn rộng, tập trung số lượng lớn các cơ sở kinh doanh thực phẩm như Hà Nội, việc nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã là rất cần thiết. Tuy nhiên, để mô hình này tiếp tục đạt được những hiệu quả đề ra, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm. Cụ thể, tăng tần suất thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra đột xuất các địa bàn trọng điểm, thức ăn đường phố, các nhóm hàng nổi cộm, như: Rau, thịt…, đặc biệt là tập trung kiểm tra những sản phẩm có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm và truy xuất tận nguồn gốc nếu phát hiện sai phạm. Sau khi xử lý vi phạm hành chính cần công khai danh sách các cơ sở vi phạm, các cơ sở bị đóng cửa và những cơ sở chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết.

Cũng theo ông Trần Văn Chung, cùng với việc mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, hiện Hà Nội đã triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm với 3 cấp, gồm: Thành phố, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Các điểm cảnh báo nhanh thực hiện công tác tiếp nhận các thông tin phản ánh về an toàn thực phẩm, từ đó chuyển thông tin đến các đoàn thanh tra chuyên ngành để tiến hành kiểm tra, sau đó đưa ra các biện pháp cảnh báo cho cộng đồng. Đây là một trong những nỗ lực của thành phố nhằm siết chặt hơn nữa chất lượng thực phẩm, bảo đảm sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng, trước mắt là phát huy hiệu quả trong công tác cảnh báo nhanh, phát hiện sớm các vi phạm về an toàn thực phẩm trong dịp Tết năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn thực phẩm “bẩn” từ địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.